Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) chỉ nhận được 18% số phiếu - thấp nhất kể từ năm 1990 và giảm so với con số 23,3% trong cuộc bầu cử tương tự năm 2011. Đây là thất bại thứ hai của CDU trong vòng hai tuần qua, lần trước là ở bang Mecklenburg-Vorpommern - "căn cứ" chính trị của bà Merkel.
Ngoài CDU, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng mất đi sự ủng hộ, giảm từ 28,3% xuống còn 22,4%. Tuy nhiên, SPD vẫn giữ vị trí đảng lớn nhất và có khả năng từ bỏ quan hệ liên minh với đảng CDU.
Thất bại của 2 đảng lớn nhất khiến cho chính trị Đức có nguy cơ phân rã và tạo ra những liên minh khác nhau trong tương lai. Cụ thể, đảng SPD, đối tác liên minh cấp quốc gia của đảng CDU, muốn thành lập liên minh với đảng Xanh và đảng Cánh tả ở Berlin.
Trong khi đó, đảng Sự lựa chọn khác cho Đức (AfD), được thành lập năm 2013, lại nhận được tin vui lớn. Đảng này giành được 12,9% số phiếu của cử tri. “Từ số 0 lên thành 2 con số, thật là một việc có một không hai ở Berlin. Liên minh lớn đã thất bại dù chưa phải ở cấp quốc gia. Nhưng điều này sẽ xảy ra trong năm tới” - ứng cử viên đảng AfD, Georg Pazderski, ăn mừng chiến thắng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: REUTERS
Với thành tích ở Berlin, AfD đã bước chân vào nghị viện 10/16 bang của Đức. AfD có đường lối chống người nhập cư và ngày càng mở rộng ảnh hưởng.
Theo các nhà bình luận, kết quả này cho thấy đảng AfD có thể xuất hiện trong Hạ viện vào năm 2017. “Đảng AfD đã củng cố vị trí và cho thấy họ có thể thu hút cử tri” – ông Thomas Jaeger, nhà khoa học chính trị tại ĐH Cologne, nhận định.
Diễn ra một năm trước cuộc bầu cử quốc gia, những kết quả này làm tăng gánh nặng lên bà Merkel và khiến những rạn nứt trong phe bảo thủ tăng lên. Bộ trưởng Tài chính xứ Bavaria, ông Markus Soeder, gọi đây là “cú đánh lớn thứ 2” trong hai tuần.
“Sự mất mát lớn và lâu dài trong lòng tin của các cử tri đang đe dọa khối bảo thủ” – ông Soeder trả lời tờ Bild. Ông cho rằng liên minh quốc gia tả-hữu của bà Merkel phải giành lại sự ủng hộ bằng cách thay đổi phương hướng của chính sách nhập cư.
Hai tuần trước, đảng CDU của bà Merkel cũng thất bại nặng nề tại bang Mecklenburg-Vorpommern, khiến đảng đồng minh CSU phải lên tiếng kêu gọi bà Merkel trở nên cứng rắn trong chính sách nhập cư. Cụ thể, họ chỉ muốn nhận khoảng 200.000 người tị nạn mỗi năm nhưng Thủ tướng Merkel đã bác bỏ.
Những phản ứng mạnh mẽ chống lại chính sách nhập cư của bà Merkel làm dấy lên câu hỏi liệu lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu có thể tiếp tục nhiệm kì thứ 4 trong năm tới. Tuy nhiên, do không có nhiều lựa chọn khác từ đảng CDU, bà Merkel vẫn là ứng cử viên tiềm năng nhất.