Dân Thủ Thiêm mong muốn gì sau kết luận thanh tra?

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, chỉ rõ các sai phạm về kinh tế, quy hoạch và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM). Tuy nhiên, sau khi kết luận trên được công bố, người dân Thủ Thiêm vẫn chưa hết bức xúc. Nguyên nhân đến từ đâu?

Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Không hài lòng với kết luận thanh tra

Tại Thông báo số 1041 của Thanh tra Chính phủ (ký ngày 26/6/2019) về kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, TPHCM chỉ rõ: UBND TP đã không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ lập, trình, duyệt dự án khi đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên, dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng, chậm triển khai…

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ: Toàn bộ quỹ đất KĐTM Thủ Thiêm là 221,68ha (phần lõi) được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhưng UBND TP đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐTM Thủ Thiêm, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất.

Việc định đơn giá 26 triệu đồng/m2 chi phí đầu tư cho 1m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở cũng sai phạm, không đầy đủ và đúng quy định vì thấp đi 50% so với đơn giá mà các sở, ngành đề xuất ban đầu.

Chính những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND TPHCM khẩn trương thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm (tính đến 30/9/2018) là 26.300 tỷ đồng. Kiểm tra, làm rõ (báo cáo Thủ tướng) đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách Nhà nước khoảng 10.503 tỷ đồng. Cũng như xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân hơn 17.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ lại không có một dòng nào nhắc đến các giải pháp khắc phục, đền bù những oan sai cho người dân Thủ Thiêm. Đây chính là nguyên nhân mà ngay sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ hàng chục người dân đã kéo nhau ra tận Thủ đô kêu cứu Thủ tướng Chính phủ, các ban, ngành của Nhà nước đòi công lý.

Bà Lê Thị Bạch Tuyết - người gần 20 năm mang đơn kiện đi khắp nơi cho biết: Bà không thấy hồ hởi gì với Kết luận mới nhất của Thanh tra Chính phủ. Bởi trong toàn bộ bản kết luận dài 15 trang ấy không có một dòng nào nói đến “nạn nhân” của các sai phạm tại dự án này. “Họ chỉ vạch ra các sai phạm của các ban, ngành mà chưa điểm mặt, chỉ tên từng cá nhân những người phải chịu trách nhiệm chính cho cuộc sống cùng cực của chúng tôi suốt 20 năm qua” - bà Tuyết bức xúc nói.

Dân Thủ Thiêm mong muốn gì?

Trong Thông báo 1483 (công bố ngày 7/9/2018), Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt sai phạm của UBND TP cùng các sở, ngành trong việc thu hồi 4,3 ha (KP1, phường Bình An) nằm ngoài ranh giới quy hoạch. Công tác bồi thường, thu hồi đất không đúng Luật Đất đai. Đặc biệt, việc lấy đất tái định cư cho dân giao doanh nghiệp làm dự án nhà ở, văn phòng... sai nguyên tắc và phê duyệt của Thủ tướng. Nhưng trong Kết luận Thanh tra Chính phủ lại chưa nêu rõ ai phải chịu trách nhiệm. Đây được xem là nguyên nhân khiến không ít người dân Thủ Thiêm bức xúc bên cạnh việc bị “bỏ rơi” trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ khi vừa mang đơn cầu cứu từ Hà Nội về, ông Lê Văn Lung (KP1, phường Bình An) cho biết, vấn đề ông quan tâm nhất là đất của ông được trả lại thế nào? Những tổn hại về tinh thần, cuộc sống của gia đình ông suốt gần 20 năm qua sẽ được TP giải quyết ra sao? “Chúng tôi chờ đợi mệt mỏi rồi. Giờ chúng tôi chỉ chờ xem TP sẽ có chính sách đền bù cho chúng tôi nơi ở mới thế nào, giá trị đất có tương đương với giá trị theo luật mới hay không?”, ông Lung nói.

Nói về việc thực hiện các giải pháp với người dân bị lấy đất oan sai sau Kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ các sai phạm, quan điểm của TP là nghiêm túc thực hiện và khắc phục hậu quả. Còn về việc giải quyết các khiếu nại của bà con Thủ Thiêm, công tác đền bù và khắc phục hậu quả sẽ được TP sớm triển khai. Sắp tới TP sẽ có buổi đối thoại với các hộ dân vào cuối tháng 7 này.

Chia sẻ trực tiếp về vấn đề Thủ Thiêm, sáng 8/7, tại Hội nghị lần thứ 30, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố các kết luận thanh tra, lãnh đạo thành phố đã nhiều lần gặp và đối thoại với người dân. Hiện TP đã xong dự thảo các chính sách liên quan đến giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm và đã lấy ý kiến người dân. Sắp tới, UBND TP sẽ trình HĐND để thông qua các chính sách này.

Đón nhận thông tin trên từ Bí thư Thành ủy TPHCM, bà Nguyễn Thị Hà (KP5, phường Bình An) cho biết, bà vui và cho rằng đó là động thái rất tích cực của TP trong việc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vẫn cần phải làm rõ sai phạm của các lãnh đạo và quy trách nhiệm cụ thể, tránh việc bỏ lọt người, lọt tội.

Bắt đầu triển khai quy hoạch từ năm 1996, KĐTM Thủ Thiêm với quy mô 930 ha (trong đó, KĐTM 770 ha, khu tái định cư 160 ha), dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người. Trung tâm khu đô thị được chia làm 5 khu vực chính gồm: Khu vực “lõi trung tâm”, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông và khu châu thổ phía Nam.

Dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến Trung ương gần 20 năm qua khi cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh giới quy hoạch nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ