Nhiều người nghĩ nước tiểu là "rác" của cơ thể, nhưng các chuyên gia khẳng định đó chính là "thước đo sức khỏe" phản ánh rất chính xác trình trạng bệnh của một người.
Khi thức ăn được hấp thụ vào cơ thể, bên cạnh chất dinh dưỡng có lợi, quá trình tiêu hóa còn hình thành urê, axit uric, creatinin, creatine và các chất độc khác trong máu, nếu không kịp thời thải ra qua nước tiểu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có một số tiêu chuẩn về tình trạng nước tiểu cho thấy cơ thể khỏe mạnh. Nếu các chỉ số đó khác đi chứng tỏ cơ thể có bệnh.
Tờ LifeTime đăng tải kết luận của chuyên gia tiết niệu về chỉ tiêu nước tiểu như sau:
Màu nước tiểu
Nước tiểu người khỏe mạnh có màu vàng nhạt, không kết tủa, không đục. Nếu nước tiểu quá đục, kết tủa hay có vị ngọt, rất có thể cơ thể bạn đang bị bệnh.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến màu sắc của nước tiểu, chẳng hạn như uống nước ít hay nhiều quá, thay đổi nhiệt độ, màu sắc của thực phẩm và thuốc dùng.
Nếu uống nước thường xuyên nước tiểu có thể không màu, uống ít hơn hoặc đổ mồ hôi nhiều hơn thì nước tiểu có thể vàng đậm, chẳng hạn như uống bia, điều này là hoàn toàn bình thường.
Số lần đi tiểu
Mỗi ngày không nên tiểu quá 8 lần. Tiến sĩ Yang Yong, Trưởng khoa Niệu, Bệnh viện Ung thư Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, theo lý thuyết, một ngày đi tiểu không nên quá 8 lần, lý tưởng là 7 lần trong ngày và một lần ban đêm.
"Dù vậy, mỗi cá nhân có thói quen uống nước khác nhau nên lượng nước tiểu khác nhau. Về cơ bản ban ngày đi tiểu từ 4 đến 6 lần cũng là bình thường". Tiểu đêm tốt nhất không quá 2 lần. Nếu buổi tối không uống nhiều nước mà vẫn dậy đi tiểu nhiều lần thì hãy cẩn thận, có thể bạn đang bị bệnh.
Lượng nước tiểu
Lượng nước tiểu lý tưởng là 1.500 ml mỗi ngày. Dù vậy nó còn tùy lượng nước uống và mồ hôi tiết ra. Nếu nước tiểu dao động từ 400 ml đến 3.000 ml thì không có vấn đề gì, song dưới 400 ml bạn đã bị bệnh thiểu niệu, hơn 3.000 ml là bệnh đa niệu (hay đái tháo).
Tư thế đúng khi đi tiểu
Nam giới tốt nhất nên tiểu đứng. Giáo sư Jiang Hui, chủ nhiệm trung tâm trị liệu nam khoa bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh cho biết niệu đạo của nam giới hình chữ S, khi tiểu đứng dưới ảnh hưởng của trọng lực, nước thải sẽ xả ra tự nhiên.
Nếu tiểu ngồi, niệu đạo trở thành hình móc câu, bị ép và gây tắc nghẽn vùng chậu, khó xả hết nước tiểu. Tình trạng này diễn ra lâu dài sẽ dẫn đếm bệnh viêm niệu đạo, viêm bàng quang.
Đừng ngồi xuống ngay sau khi tiểu, vì nước tiểu có khả năng trào ngược lại, vi khuẩn đường tiết niệu sẽ gây ra viêm tuyến tiền liệt.
Sau khi tiểu xong nên ấn ngón tay vào vùng đáy chậu (giữa hậu môn và cơ quan sinh dục) để ép hết nước tiểu còn sót lại ra ngoài, tránh nguy cơ viêm tuyến tiền liệt mãn tính.
Lực tiểu mạnh không đồng nghĩa với khả năng tình dục mạnh. Nhiều nam giới cho rằng âm thanh, sức mạnh và thời gian khi tiểu là biểu hiện khả năng tình dục nhưng trên thực tế 2 vấn đề này không liên quan đến nhau.
Năng lực tình dục phụ thuộc vào độ cương cứng và độ bền khi quan hệ do tuần hoàn máu của dương vật, chứ không liên quan đến tiểu tiện.
Nếu nước tiểu phân thành nhiều tia cũng đừng lo lắng quá. Điều này chủ yếu do độ mở của niệu đạo bị cản trở, nước tiểu bị giữ lại làm tăng áp lực trong bàng quang, khi bài tiết sẽ xuất ra lượng nước tiểu lớn, tạm thời làm thay đổi hình dáng niệu đạo, gây phân tia khi tiểu.
Một lượng tinh dịch còn sót trong niệu đạo cộng với sự cương cứng của dương vật cũng gây phân nhánh khi tiểu. Cả 2 trường hợp trên đều là bình thường, nhưng nếu thường xuyên xuất hiện thì bạn nên đi khám nam khoa.