Đảm bảo tốt nhất quyền lợi của thí sinh

GD&TĐ- Nội dung giáo dục thu hút sự quan tâm lớn nhất của xã hội trong tuần qua là mọi vấn đề liên quan Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, diễn ra trên toàn quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn kiểm tra công tác thi tại Điểm thi Trường THPT Kỳ Sơn (Hoà Bình).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn kiểm tra công tác thi tại Điểm thi Trường THPT Kỳ Sơn (Hoà Bình).

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng thông báo tổ chức đợt thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho đối tượng thí sinh không thể tham dự kỳ thi vào các ngày 7-8/7/2021 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc tổ chức kỳ thi số 1 phải là đảm bảo an toàn. An toàn không chỉ đơn thuần là phòng chống dịch bệnh mà còn đảm bảo an toàn về sức khỏe, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông và an toàn trong những tình huống mưa bão, lũ lụt…

Tổ chức kỳ thi 1 đợt, hay 2 đợt sẽ do địa phương quyết định dựa trên tình hình thực tế và có tham vấn của ngành Y tế. Kỳ thi này sẽ do địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nguyên tắc chung là đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan.

Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và các sở, ngành liên quan của địa phương tăng cường tuyên truyền chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để tạo sự đồng thuận của xã hội. Quán triệt thí sinh, người tham gia tổ chức thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế và hạn chế đi đến những nơi không thật cần thiết.

Theo đó, chuẩn bị chu đáo và tổ chức tốt đợt thi vào các ngày 7-8/7/2021 cho các thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa, hoặc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và các thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành Y tế.

Cận kề ngày thi đợt 1, nhiều địa phương đã hoả tốc xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ thí sinh dự thi. Nhiều kịch bản được chuẩn bị để sẵn sàng kích hoạt khi có diễn biến bất thường. Bộ GD&ĐT xác định: An toàn cho thí sinh là số 1.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (trái) và Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với các đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại các địa phương.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (trái) và Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với các đoàn kiểm tracông tác chấm thi tại các địa phương. 

Nghiêm túc chấm thi, đảm bảo công bằng

Tại họp báo lúc 17h ngày 8/7, Bộ GD&ĐT thông tin: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, bước đầu đánh giá công tác tổ chức đợt 1 kỳ thi thành công, đảm bảo mục tiêu kép là chất lượng, an toàn, đúng quy chế và phòng dịch. Số thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế là 18 thí sinh, thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Trước đó, bên cạnh việc kiểm tra, đôn đốc chuẩn bị về cơ sở vật chất, an toàn phòng dịch tới tất cả các địa phương, Bộ GD&ĐT đặc biệt chú trọng nhiệm vụ của các đoàn kiểm tracông tác chấm thi tại các địa phương.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là Kỳ thi quốc gia như trước đây nhưng quy mô vẫn toàn quốc với số thí sinh và cán bộ tham gia kỳ thi cơ bản như vậy. Tính chất cũng hết sức nhạy cảm, nghiêm túc bởi trên 50% các trường ĐH lấy kết quả này để xét tuyển.

Do đó, Bộ GD&ĐT từ sớm đã tích cực chuẩn bị Kỳ thi và đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11 trong đó quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT; UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ ngành liên quan khác.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, dù trong điều kiện dịch bệnh thì nơi nào tổ chức thi sẽ có mặt các đoàn thanh tra của Bộ. Đồng thời nhấn mạnh, trong công tác làm thi, CB, CC, GV… cần sẵn sàng với tinh thần 5K: Không chủ quan; Không bị động; Kế hoạch tốt; Kiểm tra thường xuyên; Khắc phục khó khăn…

Về công tác chấm thi, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Công tác chấm thi được thực hiện theo quy chế gồm: Chấm bài thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm. Phần chấm thi tự luận sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Một bài thi phải được 2 giám khảo ở 2 tổ khác nhau chấm độc lập, nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Việc chấm thi sẽ thực hiện theo quy trình hai vòng độc lập.

Cụ thể, bài thi phải được giám khảo 1 chấm trước; sau đó trả về cho tổ thư ký để tổ này chuyển tiếp bài thi đó cho giám khảo 2. Giám khảo 2 chấm xong sẽ lại trả lại bài về tổ thư ký. Có đủ điểm của 2 giám khảo, một bộ phận sẽ thực hiện việc thống nhất điểm.

Trường hợp điểm được chấm bởi 2 giám khảo có độ chênh lớn mà 2 giám khảo không thống nhất được, phải có thống nhất của người thứ 3. Trong quy chế đã quy định rất rõ cách xử lý với những tình huống tương tự. Cũng theo quy chế, mỗi hội đồng thi phải chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận. Khi chấm kiểm tra, nếu thấy có sự chênh lệch phải điều chỉnh; nếu phát hiện chấm sai sẽ kịp thời uốn nắn. Cán bộ chấm kiểm tra có thể kiến nghị, đề xuất với Trưởng ban chấm tự luận áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan, nghiêm túc.

Với quy định như vậy, nếu giám khảo làm việc nghiêm túc, chặt chẽ sẽ khó xảy ra gian lận và hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra.

Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 26/7 tới đây.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Các trường ĐHsẵn sàng điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh

Tính đến 17h ngày 8/7, theo ghi nhận của Bộ GD&ĐT, có 23.569 thí sinh không thể đến trường thi do ảnh hưởng của Covid-19, chiếm tỷ lệ 2,31%. Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục làm chủ tình hình, sớm báo cáo Bộ về việc tổ chức thi đợt 2, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.

Tuần qua, Bộ GD&ĐT ra văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học sẵn sàng điều chỉnh và thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Cụ thể, đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ kế hoạch tuyển sinh của trường và hồ sơ của thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường công bố công khai điều kiện trúng tuyển vào trường theo các phương thức này để thí sinh nhập học khi được công nhận tốt nghiệp THPT, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh chưa thể tham dự kỳ thi đợt 1.

Các trường có tổ chức kiểm tra năng khiếu hoặc thi tuyển sinh riêng, phải căn cứ tình hình diễn biến của dịch Covid-19 xem xét điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Về công tác xét tuyển đại học, xét tuyển cao đẳng ngành giáo dục mầm non đối với các thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển đã dự kiến tại công văn số 1444/BGD-ĐT-GDĐH để có thể xét tuyển chung từ kết quả của cả 2 đợt thi, như đã thực hiện năm 2020.

Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà kỳ thi đợt 2 được tổ chức muộn hơn nhiều, dẫn tới không thể tổ chức xét tuyển chung với thí sinh đã tham dự kỳ thi đợt 1, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng lớn tới kế hoạch năm học của các trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Cựu Tổng thư ký NATO có công việc mới

GD&TĐ -Cựu Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ là Chủ tịch Hội nghị An ninh Quốc tế Munich (MSC) kể từ năm tới.