Những ngôi trường khang trang ngày một nhiều ở các huyện vùng xa |
Chất lượng giáo dục khởi sắc qua từng năm
Có dịp công tác Đắk Nông, được đến những nơi xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh như Đắk Rlấp, Tuy Đức, Đắk Song, chúng tôi mới thấy hết được những cố gắng mà ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đang hướng tới trong việc phát triển và nâng chất giáo dục cho đồng bào là người DTTS. Hiện nay, theo báo cáo của ngành Giáo dục thì số HS là người DTTS chiếm hơn 30% tổng số HS toàn tỉnh. Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ, phát triển và nâng chất cho HS là người DTTS luôn được lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Trong đó, chất lượng thực của HS người DTTS là một mục tiêu chính mà ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông luôn hướng tới, xem nó như một cơ sở cho sự phát triển bền vững của giáo dục tỉnh nhà.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT từ năm 2005 đến nay cho thấy, quy mô HS các cấp học đều phát triển hết sức ổn định, tỉ lệ HS là người dân tộc cũng không ngừng tăng lên. Nếu năm 2005 tổng số HS là người DTTS chỉ khoảng gần 29 ngàn em thì đến năm 2009 số HS là người DTTS đã lên trên 42 ngàn em. Trong đó, HS dân tộc ở bậc TH năm 2009 là 23.370 em (chiếm 40,5%), bậc THCS là 11.521 em (31,1%), bậc THPT là 3.129 em (19,4%). Đặc biệt, thành công đáng ghi nhận của tỉnh Đắk Nông trong năm qua là tỉ lệ trẻ dân tộc 6 tuổi được huy động ra lớp đạt tới 86.1%, (năm 2005 là 78,9%) với chất lượng giáo dục các bậc học không ngừng được tăng lên. Ở bậc TH tỉ lệ HS dân tộc đạt học lực trung bình trở lên là 76.7%; HS dân tộc bỏ học chỉ còn 1,9%, tỉ lệ tốt nghiệp nhiều năm liền đạt trên 98%. Công tác phổ cập giáo dục TH và phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi được triển khai khá hiệu quả. Đến nay, 8/8 huyện, thị xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH và chống mù chữ. Bậc THCS, số HS có học lực từ trung bình trở lên tăng cao, đạt 70.2%; trong đó loại khá, giỏi đạt 10,3%. Tuy nhiên, tỉ lệ HS bỏ học lại còn khá cao với 6,5%. Tính đến cuối tháng 5 năm 2009, toàn tỉnh đã có 5/8 huyện, thị xã và 63/71 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Riêng bậc THPT được xem là bậc học có nhiều chuyển biến về chất lượng nhất, khi HS người dân tộc có học lực từ trung bình trở lên đạt 61%; trong đó loại khá, giỏi đạt 7.0%, tỉ lệ HS bỏ học được kéo giảm theo từng năm nhưng vẫn ở mức cao (5,6%). Hiện tại, 100% HS phổ thông được học đầy đủ chương trình đổi mới và chương trình tin học, trên 95% HS được học chương trình tiếng Anh 7 năm. Số lượng HS dân tộc tốt nghiệp THPT đạt 63.3%.
Đội ngũ GV và quản lý, đặc biệt GV là người dân tộc cũng không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm 2009, đội ngũ GV của tỉnh ở mọi cấp học đều đạt chuẩn (tỉ lệ 99,9%) và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển giáo dục. Toàn ngành có 5.826 cán bộ quản lý, GV các cấp thì đã có tới 1.556 đảng viên, trong đó có 98 đảng viên là người dân tộc, tạo nền tảng hết sức vững chắc để tỉnh phát triển giáo dục một cách toàn diện.
HS dân tộc huyện Tuy Đức |
Cơ sở vật chất, trường lớp, chế độ chính sách không ngừng nâng cao
Có được những con số ấn tượng như trên, ngoài việc xác định được hướng đi đúng đắn, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông còn dám mạnh dạn nhìn thẳng vào những khó khăn, thiếu thốn của giáo dục dân tộc để từ đó đổi mới, có các chính sách hỗ trợ hợp lý, nhằm phát triển giáo dục theo hướng bền vững. Năm năm qua, song song với công tác nâng chất lượng giáo dục thì việc phát triển hệ thống các trường trung học, hệ thống các trường THPT dân tộc nội trú cũng được Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông thường xuyên củng cố và mở rộng.
Tính đến cuối năm 2009, toàn tỉnh Đắk Nông đã có 6 trường THPT dân tộc nội trú (một ở tỉnh và 5 ở huyện) với 1.196 em HS bậc THCS và THPT đang theo học (chiếm 18,6% học sinh THCS và THPT toàn tỉnh). Chất lượng và hiệu quả đào tạo trong các trường THPT dân tộc nội trú cũng ngày càng được nâng cao. Năm học 2008-2009, tỉ lệ tốt nghiệp THCS là 99.5%, trong đó 82.6% được tuyển vào trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, các trường THPT tại địa phương. Ngoài việc củng cố và xây dựng cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đội ngũ GV thì các chính sách hỗ trợ và đãi ngộ đối với GV, HS người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn cũng không ngừng được tăng lên. Ông Nguyễn Văn Hoà, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết: “Các chính sách ưu đãi cho GV là người dân tộc như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu cho nhà giáo được điều động công tác ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn đều đã được thực hiện nghiêm túc. Riêng với HS là người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc đi học hoàn toàn miễn phí, được cấp sách vở, quần áo, cấp gạo, các em còn được tỉnh hỗ trợ mỗi em 50 ngàn đồng/ tháng bên cạnh chế độ được ưu đãi mà Đảng và Nhà nước đã quy định (Hưởng 80% lương cơ bản, khoảng 520.000 đồng/ tháng), chúng tôi còn thường xuyên kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ từ các tỉnh thành, phố nhằm chăm lo cho các em một cuộc sống thật ổn định, giúp các em yên tâm tới trường”.
Chính nhờ có những chính sách chăm lo, đãi ngộ tốt cho GV và HS là người dân tộc như trên, mà trong vòng 5 năm qua từ một tỉnh với tỉ lệ học sinh yếu kém ở cấp TH khá cao (20%), tỉ lệ bỏ học ở mọi cấp học luôn ở mức báo động, tỉ lệ tốt nghiệp THPT luôn đứng đáy bảng xếp hạng của cả nước. Đến nay, sau 5 năm Đắk Nông đã vươn lên hàng thứ 52/64 về tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT của cả nước. Có được những thành công trên, theo ông Phan Văn Bé, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông thì nó đến từ 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất, sự quan tâm, đôn đốc và chỉ đạo quyết định cụ thể của các cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương. Sự ủng hộ tích cực hiệu quả của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội và các đơn vị có uy tín trong làng, bản, buôn, sóc,… là chỗ dựa và có ý nghĩa quyết định cho mọi thành công của giáo dục ở vùng dân tộc. Thứ hai, việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ trung ương đồng thời phát huy nội lực của địa phương kết hợp với huy động các nguồn lực của xã hội tham gia giáo dục ở vùng dân tộc cũng được xem là một nguyên nhân làm nên những thành tựu ban đầu. Thứ ba, công tác vận động, tuyên truyền cho đồng bào các DTTS giác ngộ quyền lợi về học tập của con em mình, từ đó tự nguyện cho các con, em mình đi học được xem là một trong những điểm mấu chốt mang đến thành công cho giáo dục dân tộc hiện nay. Cuối cùng, việc bố trí trường lớp hợp lý, công tác tổ chức hệ thống trường lớp thích hợp với từng vùng miền hiệu quả đã giúp nâng cao số lượng người đi học. Đặc biệt là ở các vùng khó khăn, xa xôi, hẻo lánh, công tác kiện toàn trường lớp, cơ sở vật chất đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì và đảm bảo tỉ lệ HS là người dân tộc đi học một cách bền vững, ổn định qua từng năm.
Anh Tú