Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quản lý giá của tất cả loại thuốc

GD&TĐ - Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), khi quản lý về giá, phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc. 

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định tại Điều 107.

Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn.

"Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào", đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu câu hỏi.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, khi quản lý về giá, phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.

Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc.

Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá, điều đó sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau.

Trong khi đó, cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh, việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau.

Hơn nữa, với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ thuốc và gần 1.500 cơ sở bán buôn thuốc. Quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược.

Trong khi đó, ngay từ năm 2018, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc.

Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật giá.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc.

Góp ý về vấn đề về số lượng đăng ký thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho biết, hiện nay Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc, là quá nhiều so với các quốc gia khác.

Số đăng ký thuốc trong nước đang bị trùng lặp rất nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị cần có chủ trương hạn chế số lượng đăng ký thuốc để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh, minh bạch hơn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần quy định nội dung này trong dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

luat-duoc22-8901-2254.jpeg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM).

Về quản lý hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc, đại biểu cho biết số lượng công ty phân phối và nhà thuốc bán lẻ tăng nhanh, nhưng chưa có biện pháp quản lý như biên chế thanh tra, quy định về vốn, khoảng cách giữa các nhà thuốc.

Tình trạng mua bán, trà trộn thuốc giả, kém chất lượng vẫn có thể xảy ra do thiếu quản lý hiệu quả hệ thống phân phối…

Vấn đề đấu thầu thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Luật Đấu thầu hiện nay chỉ tập trung vào mục tiêu chọn thuốc giá rẻ, gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và phát triển bền vững của ngành công nghiệp dược.

Đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định về đấu thầu thuốc để đảm bảo cung cấp đủ thuốc, vaccine cho người dân và phát triển bền vững ngành dược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ