Trực đêm để... hứng nước
Hai ngày cuối tuần vừa qua, các hộ dân ở hẻm 39, đường Lê Độ (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cứ hỏi chừng nhau đã có nước sinh hoạt trở lại chưa. Đến cuối ngày 19/5 thì gần như nhà nào cũng đã bắt đầu hết nước dự trữ, buộc phải đi xách nước giếng khoan về dùng. Đây là tình trạng chung của rất nhiều khu vực trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Chị Ngọc Quỳnh (P. Mân Thái, Q. Sơn Trà) cho biết: “Theo thông báo là sẽ ngừng cấp nước sinh hoạt từ 13 giờ ngày 18/5 và sẽ cấp nước trở lại vào khoảng 24 giờ cùng ngày, nhưng đến khuya ngày 19/5 vẫn chưa có một giọt nước nào. Nước máy không có, xung quanh chúng tôi ở cũng không gia đình nào có nước giếng khoan nên buộc phải đi mua nước bình về sử dụng cho những nhu cầu tối thiểu. Nhà tôi phải qua bên quận Hải Châu mua tạm nước bình về dùng chứ phía bên này bình nước 20 lít cũng cháy hàng luôn”.
Chị Bích Luyến (trú đường Thái Thị Bôi, Q. Thanh Khê) kể, ngày cuối tuần vừa qua, cả nhà chị chỉ chú tâm đến việc… hứng nước. “Nước cứ chảy nhỏ giọt vào đêm khuya, nhà mình không có bể dự trữ nên phải huy động hết xô chậu lớn bé để hứng nước. Rồi phải canh chừng để cho nước vào máy giặt chứ nước yếu quá không tải nổi. Cũng may mà nhà mình dùng máy giặt cửa trên chứ cửa dưới thì chỉ còn cách giặt tay”. Không có nước sinh hoạt liên tục trong hai ngày, gia đình anh Trần Trung Hưng “di tản” sang nhà bạn. “Cứ gọi điện hỏi thăm nhà nào đã có nước trở lại thì đến tá túc. Nhiều gia đình chọn giải pháp ra khách sạn ở, vừa tránh nóng vừa có nước sạch sử dụng.
Chị Mai Tuyết kể đầy bức xúc: “Sáng Chủ nhật nhà tôi vẫn không có nước, phải đi xin từng xô nước về rửa chén bát. Tôi xách nước nhiều nên đau, xách xong là nằm luôn, không ngồi dậy được nữa. Tôi tức đến chảy cả nước mắt”. Nhà chị Lê Hoàng Giang (P. Mân Thái, Q. Sơn Trà) thì chọn giải pháp ăn cơm bụi để ưu tiên lượng nước dự trữ dùng cho sinh hoạt cá nhân của gia đình, vì “bể nước dự trữ của gia đình chúng tôi cũng không được nhiều, nước chảy ban đêm rất yếu, nhà không có máy bơm nên nước có chảy cũng không lên được bể dự trữ”.
Cho đến sáng ngày 20/5, rất nhiều khu dân cư của Q. Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hoặc các kiệt, hẻm nhỏ như đường Hải Phòng, Trần Cao Vân, Lê Độ... vẫn chưa có nước sinh hoạt trở lại hoặc nước chảy yếu, chỉ chảy về đêm khuya, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
|
Tắm bằng nước... súc đường ống
Trên group Diễn đàn đô thị, anh Bùi Phúc kể, đang tắm xà phòng cho con thì nước bẩn tuôn như nước lũ ra, bí quá phải lấy bình nước lọc tắm lại cho cháu và kèm theo một clip để chứng minh chất lượng nước quá tệ sau khi đã có nước sinh hoạt trở lại. Tình trạng nước đục ngầu buộc phải xả nước, súc rửa nhiều lần được phản ánh tại hầu hết các khu vực sau khi Dawaco cấp nước trở lại. Đã có rất nhiều bình luận về chất lượng nước sinh hoạt như “thoạt nhìn tưởng chén soup”, “đây là bùn chứ nước gì”, “nước sinh hoạt mà toàn rỉ sắt là sao?”… trên group của Diễn đàn đô thị.
Trước những phản ánh này, ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng giám đốc Dawaco cho biết, tính đến 24 giờ ngày 18/5 hệ thống cấp nước cơ bản phục hồi tại một số khu vực đầu nguồn. Tuy nhiên, sau công tác đấu nối hệ thống điện, đường ống tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, nguồn cấp nước chưa bao phủ hoàn toàn trên mạng lưới; do đó, tại các khu vực Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà hay khu vực cuối nguồn nước, các kiệt, hẻm nhỏ... chưa có nước hoặc nước rất yếu. Đối với một số khu vực đã có nước trở lại, sau khoảng thời gian ngừng cấp nước có thể xảy ra hiện tượng đục nước do xáo trộn thủy lực kéo theo cặn lắng trong đường ống. Để sử dụng khách hàng có thể xả nước trong vài phút, sau đó xả lại lần nữa, chất lượng nước sẽ trở lại bình thường.
Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng bức xúc vì để có nước sạch thì họ phải xả, súc một khối lượng lớn nước mới có nước sạch để dùng. “Tiền nước thì chúng tôi phải trả đủ chớ có được trừ bớt đồng nào đâu, xả bao nhiêu thì đồng hồ chạy bấy nhiêu, chúng tôi phải trả tiền cho một thứ nước chất lượng rất kém mà được gọi là nước sạch sinh hoạt” - bà Thu H. bức xúc.
Ông Trần Nhật Bình phản ánh trên group Diễn đàn đô thị rằng tình trạng nước bị vẩn đục đã xảy ra tại khu vực đường Trần Cao Vân từ 4 ngày trước khi nước sinh hoạt bị ngừng cung cấp trên toàn thành phố chứ không phải chỉ diễn ra sau khi cấp nước trở lại. “Nước kiểu gì mà khi thì như nước bò húc, súp cua, khi thì xanh như tàu lá chuối, lá mạ. Ở đây không phải ngày một ngày hai, nên đừng ngụy biện những lý do suông và được “hợp lý hóa” mà đây là sức khỏe, bệnh tật” - ông Bình cho biết.