Đà Nẵng: Nơm nớp lo cháy nổ

GD&TĐ - Đà Nẵng đang nỗ lực tìm địa điểm để di chuyển các trường học nằm sâu trong các đường kiệt nhỏ, khu dân cư đông đúc đến các địa điểm mới. Thế nhưng, đây là bài toán khó không chỉ của riêng ngành GD&ĐT khi khu vực nội đô không còn đất để xây mới trường học, trong khi các cơ sở hiện có đã được cơi nới tối đa, thu hẹp sân chơi, cảnh quan bị phá vỡ. 

Đường vào cơ sở 1 của Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)
Đường vào cơ sở 1 của Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

“Không biết đưa các cháu đi đâu”

Kể lại sự cố một HS lớp 3 bị trượt té do sàn lớp học ẩm ướt sau đợt mưa kéo dài trong tháng 10 vừa qua, cô Nguyễn Thị Hồng Trinh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vẫn còn nguyên cảm giác lo âu: Kiểm tra không thấy bị chảy máu nhưng do em ngất xỉu nên nhà trường gọi xe cứu thương để đưa đi cấp cứu.

“Vì đường kiệt nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ cho 2 chiếc xe máy tránh nhau nên chúng tôi phải chở cháu bằng xe máy ra đến ngoài đường quốc lộ cách điểm trường khoảng 2km thì mới chuyển cháu sang xe cấp cứu được. Trên đường ra đến xe cấp cứu, chúng tôi chỉ mong không có tàu hỏa chạy ngang qua để khỏi phải mất vài phút dừng lại chờ đợi. Cũng may là cháu chỉ nằm theo dõi, điều trị 2 ngày thì được xuất viện”.

Từ đường quốc lộ vào đến Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh phải băng qua một đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt với con dốc khá cao nên cũng khá nguy hiểm. Tình trạng bị dồn ứ xe vào đầu và cuối buổi học tại 2 điểm trường của Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh xảy ra như cơm bữa do đường vào trường quá nhỏ, lại ngoằn ngoèo, nằm chen giữa khu dân cư. Cô Hồng Trinh cho biết: “Dù chưa xảy ra nhưng chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ khi nghĩ đến các sự cố cháy nổ, chập điện… Khi có sự cố thì rất khó để di tản HS do cả hai cơ sở của trường đều cách ly với môi trường bên ngoài; mùa mưa thì sân trường ngập nước cục bộ”.

Kể lại sự cố cháy nổ ngay gần Trường Mầm non Cẩm Vân (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), cô Trần Thị Như Lai – Hiệu trưởng nhà trường vẫn còn nguyên cảm giác lo sợ: “Gần giờ các cháu ăn bữa trưa thì các cô nghe người dân xung quanh trường chạy tán loạn, nhìn ra thì thấy khói bốc đen ngòm. Mọi người vừa chạy vừa quay lại dặn: “Đưa HS chạy đi chớ đang cháy trước đường kiệt Hoàng Diệu rồi”.

Nghe đến đó thì cả Ban giám hiệu và GV đều run, đưa các cháu đi đâu bây giờ? Đường kiệt vào trường thì quá hẹp, người dân xung quanh cũng đang náo loạn chạy thoát thân, đưa cháu nhỏ chạy lúc này có khi còn nguy hiểm hơn, không khéo còn bị giẫm đạp vì không có chỗ để chen chân. May mà đám cháy được dập tắt kịp thời, không lan ra rộng”.

Một phụ huynh ở Trường Mầm non Cẩm Vân đã gặp phải sự cố khi tránh xe trong kiệt nhỏ hẹp: “Vì tránh chiếc xe máy đi ngược chiều, lại bị vướng tay lái nên xe của chị phụ huynh bị nghiêng, em học sinh của mình ngồi trên xe bị té ngay gần sát nồi bún của một hàng quán bán bên đường, may có người ngồi gần giữ lại cháu bé, không để cháu bị đụng vào bếp lò. Hai mẹ con đến trường còn khóc mếu máo, chưa hết run sợ” - cô Lai kể.

Trường Mầm non Cẩm Vân (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) nằm sâu trong kiệt hẻm; hai bên đường người dân còn tập trung buôn bán nên rất khó cho phụ huynh đưa đón con vào giờ cao điểm.
 Trường Mầm non Cẩm Vân (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) nằm sâu trong kiệt hẻm; hai bên đường người dân còn tập trung buôn bán nên rất khó cho phụ huynh đưa đón con vào giờ cao điểm. 

Dù cơ sở 2 của Trường Mầm non Cẩm Vân nằm ngay sát đường Trưng Nữ Vương, nhưng các cô giáo ở đây cũng nơm nớp lo cháy nổ. Theo như cô Như Lai kể thì vì diện tích chật hẹp nên mỗi tầng chỉ có một phòng học: “Mặc dù đã thiết kế riêng một cầu thang thoát hiểm nhưng do diện tích eo hẹp nên buộc phải dùng cầu thang sắt theo hình xoắn ốc. Khi thực nghiệm phương án phòng cháy chữa cháy, nói thật là cô giáo di chuyển một mình cũng đã khó khăn chứ đừng nói bồng bế theo cháu trên tay”.

Cả Trường Mầm non Cẩm Vân và Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh đều mong muốn hoặc được di dời đến địa điểm mới hoặc có thể mở rộng đường vào trường thay cho đường kiệt như hiện nay để tạo thuận lợi cho việc đi lại của HS, phụ huynh vừa bảo đảm an toàn. UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý về mặt chủ trương và đang xây dựng phương án cải tạo trụ sở của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP để bàn giao cho Trường Mầm non Cẩm Vân sử dụng làm cơ sở dạy học. Đối với Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, ông Nguyễn Nho Trung – Chủ tịch đã đề nghị quận Liên Chiểu phối hợp các ngành, các cấp sớm tìm quỹ đất phù hợp để xây dựng ngôi trường mới.

Thiếu trầm trọng sân chơi, bãi tập

Có những trường học dù nằm trong kiệt hẻm, giữa khu dân cư đông đúc nhưng không thể di dời được, như Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vì xung quanh khu vực đấy không còn quỹ đất nữa.

Ông Lại Tiến Hương – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê: cho biết: “Với Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu thì đường ống của xe phòng cháy chữa cháy có thể vào được. Đối với những trường Mầm non có 4 - 5 cơ sở nhỏ lẻ, trong đó có những cơ sở nằm sâu trong khu dân cư như Trường Mầm non Phong Lan, Mẫu Đơn... quận đã xây dựng phương án lồng ghép, đưa về điểm chính, các cơ sở nhỏ lẻ này sẽ bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác công năng”. 

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, diện tích đất dành cho giáo dục của Đà Nẵng đang bị thiếu so với yêu cầu. Bình quân của cả thành phố ở bậc mầm non đạt 11 m2/HS, trong khi yêu cầu là 12 m2/HS, bậc phổ thông 9,8 m2/HS, trong khi yêu cầu là 10 m2/HS. Tuy nhiên, nếu tính diện tích trung bình ở một số quận trung tâm thì con số này thấp hơn rất nhiều.

Như ở quận Hải Châu hiện diện tích đất trung bình dành cho học sinh mầm non là 4,5 m2/em, tiểu học là 3,6 m2/em, THCS là 3,9 m2/em. Trường THPT Hòa Vang được xem là trường có diện tích đất rất nhỏ, với khoảng 3.700 m2 cho khoảng 1.200 HS, tức là chưa đến 1,9 m2/HS và hoàn toàn thiếu sân chơi, bãi tập thể dục, thiếu nhà đa năng, phòng chức năng.

Nhiều năm liền, HS của trường đều phải học thể dục ở... ngoài đường, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an toàn giao thông. Để tránh nguy hiểm vì đoạn đường trước trường có mật độ xe cộ lưu thông rất cao, mấy năm gần đây, nhà trường phải mượn tạm khuôn viên của Trung tâm Văn hóa phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ để làm nơi học thể dục cho học sinh. Tuy nhiên, địa điểm này cũng có nhiều bất tiện vì đây cũng là nơi có xe cộ ra vào liên tục phục vụ việc kinh doanh, sản xuất.

Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành GD&ĐT Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với tốc độ tăng dân số hàng năm 1,0633%, trên cơ sở diện tích đất tối thiểu bình quân đối với ngành học mầm non 8 m2/học sinh nội thành, 12 m2/học sinh ngoại thành, các bậc học còn lại 6 m2/học sinh nội thành, 10 m2/học sinh ngoại thành thì đến năm 2030 cần phải bổ sung 1.116.736 m2.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.