Đà Nẵng bùng phát bệnh tay - chân - miệng

Đà Nẵng bùng phát bệnh tay - chân - miệng

(GD&TĐ) Những ngày này, khoa Y học nhiệt đới của Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mỗi ngày tiếp nhận từ 14 - 25 bệnh nhi bị tay - chân - miệng nhập viện. Với sức chứa chỉ có 25 giường bệnh nhưng hiện đang có 140 bệnh nhi tay – chân - miệng đang điều trị tại khoa. Số lượng bệnh nhi bị bệnh này tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đó, theo nhận định của giới chuyên môn, năm 2012, bệnh tay - chân - miệng sẽ diễn biến rất phức tạp, nhất là ở khu vực miền Trung. Tại Đà Nẵng, đã ghi nhận một bệnh nhi bị tử vong do bệnh tay - chân - miệng. 

Dù đã phải sắp xếp từ 3 - 4 bệnh nhi nằm một giường bệnh, nhưng nhiều bệnh nhi tay - chân - miệng vẫn phải nằm ở hành lang do không đủ chỗ
Dù đã phải sắp xếp từ 3 - 4 bệnh nhi nằm một giường bệnh, nhưng nhiều bệnh nhi tay - chân - miệng vẫn phải nằm ở hành lang do không đủ chỗ

Hiện tại, tại Trung tâm phụ sản - nhi Đà Nẵng đang có 15 bệnh nhi bị tay - chân - miệng ở mức độ nặng đang được điều trị tại khoa hồi sức. Tiếp nhận điều trị cả cho những bệnh nhi đến từ Quảng Nam và Quảng Ngãi, mỗi ngày, khoa Y học nhiệt đới của Trung tâm tiếp nhận từ 14 - 25 trẻ nhập viện vì bệnh này. Ngoài số lượng trẻ bị bệnh tăng đột biến thì theo như bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ - Quyền quản lý khoa thì hai tháng đầu năm 2012, diễn biến của bệnh diễn biến rất phức tạp. Cụ thể: Nếu cuối tháng 12 chỉ có 40 trường hợp trẻ mắc bệnh thì đến nay đã tăng lên 140 trẻ. Độ tuổi của trẻ mắc bệnh cũng khác trước, nếu trước đây chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi mới bị thể nặng thì hiện nay, trẻ trong độ tuổi từ 3 - 4 tuổi cũng bị bệnh nặng. Cũng theo bác sĩ Ngữ, nếu năm 2011, bệnh tay chân miệng xuất hiện có yếu tố dịch tễ như tập trung ở nhà trẻ, cơ sở nuôi trẻ, trường học nhưng thời điểm này, nhiều nơi không có yếu tố dịch tễ nhưng vẫn có trẻ bị bị tay - chân - miệng như vùng Nông Sơn, Đông Giang của tỉnh Quảng Nam.

Tại Đà Nẵng, số lượng ca bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng cũng tăng đáng kể. Nếu tháng 2.2011, Đà Nẵng chỉ có 4 ca tay chân miệng thì chỉ từ ngày 6.1 đến ngày 12.2.2012 đã có 46 ca, và trong vòng 1 tuần lễ, từ ngày 13 đến 19.2 đã tăng lên 61 ca tay - chân - miệng. Đã ghi nhận trường hợp một bệnh nhi 22 tháng tuổi bị tử vong vì tay - chân - miệng. 

Trước tình hình này, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã có công văn gửi các Phòng GD&ĐT đề nghị tăng cường công tác chăm sóc giáo dục trẻ, phòng chống dịch tay - chân - miệng và đảm bảo VSATTP trong các cơ sở GDMN. Trong đó nhấn mạnh, các trường phải thực hiện tổng vệ sinh, khai thông hệ thống thoát nước trong và bên ngoài khu vực nhà trường; khử trùng toàn bộ đồ dùng, đồ chơi, đồ dùng vệ sinh cá nhân, thiết bị phục vụ ăn uống của trẻ, vệ sinh sàn nhà hằng ngày theo sự hướng dẫn của cơ quan y tế; thường xuyên làm thông gió lớp học. Bảo đảm tất cả người chăm sóc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: như vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch và thường xuyên trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay quần áo và làm vệ sinh cho trẻ. 

Sở GD&ĐT cũng khuyến nghị các trường cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe trẻ ở các nhóm lớp, phát hiện kịp thời trẻ có biểu hiện mắc bệnh để đưa đến khám tại các cơ sở y tế. Khi trẻ đến lớp có sốt, loét miệng, phỏng nước, nhà trường phải thông báo cho gia đình và cơ quan y tế trên địa bàn. Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, yêu cầu phải cho lớp đó nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền. Các cơ sở GDMN phải thông báo cho phụ huynh của trẻ cùng lớp được biết và tư vấn phụ huynh chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà trong thời gian nghỉ học.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, phụ huynh cần theo dõi kỹ các triệu chứng của trẻ, khi phát hiện nổi bọng nước ở tay, chân, mông, có sốt (38,5 độ), đi phân lỏng, không ăn uống…thì cần phải đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp bệnh nhi không được phát hiện bệnh kịp thời nên khi đưa đến bệnh viện thì bệnh đã ở độ 2 khá nguy hiểm. Cách tốt nhất là để phòng bệnh cho trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cùng với nhà trường cần phải vệ sinh sạch sẽ nơi ăn, ở của trẻ; thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc...

Nguyên Anh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ