Đa dạng hoạt động tập huấn hè cho học sinh phổ thông tại Nam Định

GD&TĐ - Trong các ngày 5 và 6/6, Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Công Trứ (TP Nam Định) đã tổ chức lớp tập huấn phòng chống ma tuý và bạo lực học đường cho học sinh khối 10, 11 của trường.

Tập huấn tuyên truyền phòng chống ma túy và bạo lực học đường là hoạt động hè bổ ích cho các em học sinh.
Tập huấn tuyên truyền phòng chống ma túy và bạo lực học đường là hoạt động hè bổ ích cho các em học sinh.

Hoạt động hè ý nghĩa

Tham dự tập huấn có ông Phạm Văn Nghĩa - Trưởng phòng Văn xã thuộc UBND tỉnh Nam Định; ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT; Thượng tá Nguyễn Đức Tiến - Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thuộc Công an tỉnh; ông Nguyễn Danh Khoa - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Viện Khoa học An toàn Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Công Trứ cho biết, nhằm mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích nói chung; phòng chống ma tuý, xâm hại và bạo lực học đường trong ngành giáo dục nói riêng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Nam Định đã ra các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2030 và phòng chống ma tuý trong ngành Giáo dục đến năm 2025.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Công Trứ khẳng định vai trò của công tác tuyên truyền trong phòng chống ma túy và bạo lực học đường.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Công Trứ khẳng định vai trò của công tác tuyên truyền trong phòng chống ma túy và bạo lực học đường.

Mục tiêu của hoạt động tập huấn lần này giúp các em học sinh nâng cao nhận thức về tác hại của ma tuý cũng như các chất gây nghiện, tác hại của việc xâm hại, bạo lực đối với tâm lý và sức khoẻ của giới trẻ. Đồng thời trang bị, giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học khỏi các tác hại nói trên. 

Đây là hoạt động rất có ý nghĩa và thiết thực hưởng  ứng  Tháng  hành  động  vì  trẻ  em  năm  2022 với  chủ  đề  “Chung  tay  bảo  vệ  trẻ  em  hãy  lên  tiếng  phòng,  chống  xâm  hại, bạo lực trẻ em”. Từ đó giúp thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi của học sinh nhà trường biết hướng đến những điều tốt đẹp, biết tự bảo vệ mình và bảo vệ những người bên cạnh mình; góp phần xây dựng nhà trường  trở thành ngôi trường văn minh, an toàn, học sinh tích cực, thân thiện.  

Phòng chống ma túy và bạo lực học đường

Chuyên gia chỉ ra những tác hại của ma túy với cơ thể con người để học sinh chủ động tránh xa.
Chuyên gia chỉ ra những tác hại của ma túy với cơ thể con người để học sinh chủ động tránh xa.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã chỉ rõ cho các em học sinh hiểu được cách nhận biết cũng như tác hại của ma túy. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện ma túy chính là do sự thiếu hiểu biết, lối sống buông thả, tâm lý đua đòi ở một bộ phận giới trẻ. Do đó, để tránh xa tệ nạn ma túy, học sinh cần có cho mình lối sống lành mạnh, không ăn chơi đua đòi. 

Đồng thời, các em phải ngoan ngoãn, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo. Thi đua chăm chỉ học hành tiến bộ, đi đến nơi về đến chốn; thời gian rảnh nên làm một số công việc nhà giúp đỡ gia đình. Tuyệt đối không tò mò, không thử ma túy dù chỉ 1 lần. Cương quyết tránh xa, không chơi với các bạn xấu có liên quan đến ma túy. Không tham gia sử dụng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc xúi dục người khác tham gia dưới bất kỳ hình thức nào. Tuyên truyền, vận động cho mọi người cùng phòng tránh ma túy... 

Một nội dung quan trọng khác cũng được đề cập trong quá trình tập huấn đó là phòng chống bạo lực học đường. Tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia, tại tất cả những cấp học, lớp học khác nhau. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh. 

Các em học sinh được trả lời câu hỏi giao lưu trực tiếp với chuyên gia về chống bạo lực học đường.
Các em học sinh được trả lời câu hỏi giao lưu trực tiếp với chuyên gia về chống bạo lực học đường.

Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp và ám ảnh. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành. Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em mình đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng. 

Vì vậy, để phòng tránh bạo lực học đường, các em học sinh cần tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, thầy cô giáo; chấp hành tốt nội quy trường lớp. Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lý. Các em cũng cần học cách kiềm chế cảm xúc; tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người của mình.

Để tránh xa ma túy và phòng chống bạo lực học đường, chính các em phải rèn cho mình lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động bổ ích.
Để tránh xa ma túy và phòng chống bạo lực học đường, chính các em phải rèn cho mình lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động bổ ích.

Đối với nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục cũng cần tích cực hoàn thiện bộ rèn luyện kỹ năng sống và đưa bộ môn dạy kỹ năng sống vào trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động sân trường, hoạt động tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp các em phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân.

Nhà trường cũng nên có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra bạo lực, có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân của các vụ bạo lực. Tổ chức tuyên truyền tác hại và cách phòng tránh bạo lực học đường đối với giáo viên và học sinh. Phối hợp với gia đình và cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn xã trong công cuộc phòng tránh bạo lực học đường. 

Bên cạnh đó, các thầy cô cần thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tham gia dạy kỹ năng sống. Có biện pháp can ngăn giáo dục kịp thời đối với hiện tượng có nguy cơ dân đến bạo lực đối với học sinh trong lớp chủ nhiệm haowjc tham gia giảng dạy. Tại gia đình, các bậc cha mẹ cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.