Cuộc sống du học sinh Việt ở Nhật bị xáo trộn

Cuộc sống du học sinh Việt ở Nhật bị xáo trộn

Chiều 10/4, ba ngày sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 7 khu vực, Lê Đức Nhật Anh ở Osaka, ra khỏi nhà, mang theo khẩu trang và nước rửa tay đến ngân hàng hoàn thành một số giấy tờ. Nhìn cảnh đường phố thưa thớt, ai cũng cố gắng đi thật nhanh và giữ khoảng cách với người xung quanh, Nhật Anh ngỡ ngàng dù đã chuẩn bị tâm lý.

Chàng trai sinh năm 2001 đến Nhật Bản đầu năm, học trường Nhật ngữ Meric. Sau khi hoàn thành khóa học đầu tiên kéo dài ba tháng, em được nghỉ khoảng 10 ngày để bắt đầu khóa học mới vào đầu tháng 4.

Thế nhưng ngày 7/4, Osaka xếp thứ hai trong danh sách 7 khu vực khẩn cấp với hơn 500 ca mắc Covid-19, trường của Nhật Anh đóng cửa một tháng. "Trước đó, chính phủ vẫn thông báo kiểm soát được tình hình nên em rất bất ngờ với quyết định của thủ tướng", Nhật Anh nói. Đến 10/4, Nhật Bản mới xét nghiệm 50.000 người, quá ít so với dân số hơn 120 triệu. Nhật Anh nghĩ số người nhiễm bệnh thực sự còn cao hơn con số 4.000 rất nhiều nên càng hoang mang.

Cuộc sống của Nhật Anh thay đổi rõ rệt khi Covid-19 bùng phát tại Nhật Bản. Số giờ làm thêm tại quán ăn giảm từ 28 xuống 15 giờ một tuần vì lượng khách giảm đáng kể. Việc rút ngắn giờ làm cũng khiến thu nhập giảm một nửa, còn khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng. Nếu số người nhiễm bệnh tại Osaka lên hơn 1.000, em sẽ chủ động nghỉ làm ở nhà. Số tiền tiết kiệm từ khi sang Nhật đủ cho Nhật Anh sống hai tháng, nếu nghỉ lâu hơn em nghĩ đến phương án nhờ bố mẹ hỗ trợ.

Những ngày nay, Nhật Anh không đạp xe loanh quanh khu phố để biết thêm đường hay tạt chỗ này chỗ khác sau giờ tan làm như mọi khi. Em có thói quen mới là đọc tin tức hàng ngày, gọi điện thông báo tình hình cho gia đình yên tâm.

Chàng trai Hải Phòng còn chuẩn bị "kịch bản xấu nhất" là bị nhiễm bệnh. Khi đó, em sẽ gọi điện cho đường dây nóng để thông báo và đợi hướng dẫn tiếp theo, nhưng "khả năng cao là được bảo tự cách ly ở nhà vì các bệnh viện ở Osaka đều quá tải". "Vì sống xa gia đình, lại không thể về nhà lúc này, em chỉ biết tự bảo vệ một cách tối đa. Sợ lắm nhưng cũng không biết làm như nào nữa", nam sinh nói.

Cuộc sống du học sinh Việt ở Nhật bị xáo trộn ảnh 1
Khu tham quan, ngắm hoa anh đào ở Osaka vắng vẻ hơn hẳn mọi năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cách Nhật Anh hơn 600 km, tại Fukuoka, một tỉnh trong danh sách khẩn cấp, cuộc sống của Lê Thị Thanh Tâm, 20 tuổi, quê Quảng Trị, thay đổi đột ngột.

Sang Nhật từ tháng 4 năm ngoái, cô gái sinh năm 2000 đang học tiếng Nhật tại trường Kurume Zeminaru. Ngay sau khi Thủ tướng tuyên bố tình trạng khẩn cấp, trường của Tâm cho sinh viên nghỉ một tháng, chuyển sang học online. Thứ sáu hàng tuần, Tâm đến trường để làm bài kiểm tra và được giáo viên đo nhiệt độ. Dự định tháng 7 nghỉ hè về thăm nhà, Tâm đành gác lại vì trường tổ chức học bù sau khi nghỉ dịch.

Chỉ vài ngày trước, Tâm vẫn vui vẻ, không lo lắng về dịch bệnh. Nhiều người bạn Fukuoka của Tâm còn không biết vùng có bao nhiêu người nhiễm bệnh vì cho rằng "người trẻ khó bệnh, có nhiễm cũng không chết". Tại quán ăn nơi Tâm làm thêm, khách vẫn nườm nượp, xếp hàng dài chờ đợi.

Từ sau khi lệnh khẩn cấp được tuyên bố, khẩu trang tại Fukuoka trở nên khan hiếm, mọi người giành giật nhau khiến nữ sinh chỉ mua được vài cái. Trước kia, 20 khẩu trang giá vài chục nghìn thì nay lên hơn 400.000 đồng. Nhu yếu phẩm cũng cháy hàng, Tâm phải nhờ người quen làm trong siêu thị mới mua được giấy vệ sinh. Ngoài đường, khung cảnh vắng lặng, người qua lại thưa thớt dù tháng 4 là thời điểm hoa anh đào nở và thời tiết dễ chịu.

Ngày 10/4, số ca nhiễm bệnh tại Fukuoka tăng lên hơn 250, bố mẹ liên tục gọi Tâm về, "bao nhiêu tiền cũng về". Tuy nhiên, Việt Nam đã dừng nhập cảnh với khách quốc tế và Tâm không muốn tình hình trong nước phức tạp vì du học sinh về tránh dịch nên quyết định ở lại.

Nữ sinh đi siêu thị mua đồ ăn và nước rửa tay, giấy vệ sinh. Sống một mình nên việc mua thực phẩm để ở trong nhà dài ngày không phải trở ngại đối với cô gái 19 tuổi. Tâm cho rằng điều quan trọng nhất hiện giờ là giữ cho mình bình tĩnh, ăn uống đủ chất, tăng cường sức khỏe.

Cuộc sống du học sinh Việt ở Nhật bị xáo trộn ảnh 2
Thanh Tâm đi ngắm hoa anh đào hồi cuối tháng 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tại Hiroshima, nơi có rất ít ca mắc Covid-19, anh Lã Hoàng Anh, 29 tuổi, quê Hà Nội, hiện làm nghiên cứu sinh tại Đại học Hiroshima cũng bị ảnh hưởng. Từ không có ca nhiễm bệnh nào, chỉ trong một tuần qua, khi số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản tăng nhanh chóng, thành phố anh sinh sống và học tập cũng đã xuất hiện những ca đầu tiên. Đến ngày 10/4, Hiroshima có 15 người nhiễm bệnh.

"Tuy số ca nhiễm ở thành phố này không nhiều, nó vẫn ảnh hưởng đến tâm lý và công việc của nhiều người bởi thành phố cũng đề nghị người dân hạn chế ra ngoài, đóng cửa cơ sở kinh doanh, khu vui chơi giải trí để giảm tập trung đông người", anh Hoàng Anh nói. Tại Đại học Hiroshima, những khu vực sinh hoạt chung, phòng thể thao đều đóng cửa. Sinh viên được khuyến khích ở nhà cách ly.

Là nghiên cứu sinh, anh Hoàng Anh thường xuyên ở phòng thí nghiệm (lab). Dù thuê nhà bên ngoài, phải 1-2 tuần anh mới về một lần nên sinh hoạt ít bị ảnh hưởng. Anh chỉ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên mỗi khi ra ngoài. Thế nhưng, công việc nghiên cứu của 9X Việt bị ảnh hưởng nặng nề.

Đang thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về những hợp chất thứ cấp trong cây lúa, nhưng Nhật Bản không thể trồng lúa vào mùa đông do thời tiết lạnh, anh Hoàng Anh có kế hoạch về Việt Nam trong đợt này để lấy mẫu làm thí nghiệm. Do ảnh hưởng của Covid-19, anh không thể bay về dẫn tới việc trao đổi vật liệu nghiên cứu giữa Việt Nam và Nhật không thể tiến hành. Điều này đồng nghĩa một số kết quả nghiên cứu làm từ lúc sang (tháng 9/2019) có thể phải gác lại.

"Tình hình thay đổi bất ngờ khiến tôi không kịp trở tay. Giờ tôi đang phải tính thay đổi kế hoạch, tìm hướng nghiên cứu khác với những mẫu sẵn có của lab để không bị bỏ phí thời gian", anh Hoàng Anh nói, hy vọng dịch bệnh sớm được dập tắt để cuộc sống, công việc trở lại bình thường.

Thủ tướng Shinzo Abe hôm 7/4 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại Tokyo và 6 khu vực khác khi số ca nhiễm nCoV tăng mạnh lên hơn 4.000, trong đó hơn 90 ca tử vong. Tuy nhiên, không giống lệnh phong tỏa chặt chẽ như tại các quốc gia khác, tình trạng khẩn cấp ở Nhật chỉ dừng lại ở việc đề nghị người dân hạn chế ra ngoài, cho phép chính quyền đóng cửa một số cơ sở kinh doanh, khu vui chơi giải trí. Đến ngày 11/4, Nhật Bản có hơn 6.000 ca mắc Covid-19, 99 người trong số đó tử vong.

Người Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản. Theo thống kê của sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, hiện có hơn 380.000 người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại nước này, trong đó khoảng 83.000 du học sinh, 240.000 thực tập sinh và lao động, cùng hơn 60.000 Việt kiều.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ