Bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội, nó để lại nhiều hậu quả thương tâm đối với những người phụ nữ, người vợ, người mẹ chân yếu tay mềm. BLGĐ không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ mà còn với cả trẻ em, gia đình trong toàn xã hội, vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.
Mặc dù ở nước ta Luật Phòng, chống BLGĐ đã có hiệu lực từ tháng 7-2008 nhưng hiện tượng BLGĐ không có dấu hiệu thuyên giảm mà gần đây còn xuất hiện nhiều vụ có mức độ tàn nhẫn khiến dư luận phẫn nộ.
1001 kiều “tra tấn”: Vác ghế, lấy chốt cửa đánh, đâm chổi vào vùng kín vợ
Tối ngày 19/6, sau khi uống bia rượu ở nhà một người bạn, Hoàng Hữu Tích (SN 1969) khật khưỡng về nhà. Như “thường lệ”, Tích lại chốt cửa đánh vợ. Tích đã chốt cửa, đốt màn, ngắt cầu giao điện rồi dùng then (chốt) cửa vụt tới tấp vào mặt, vào tay, vào đầu... khiến chị Hoàng Thị Hoa vợ Tích phải đi bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm.
Những vết thương của chị Hoa bị chồng đánh bằng chốt cửa . Ảnh: baomoi
Hay trước đó, vào tối ngày 5/4/2014, chị H’B Luân cùng ba con qua nhà bố đẻ (ông Y Juốt) cách nhà 50m để xem ti vi. Đến khoảng 20h30’ Y Del qua gọi vợ con về, nhưng do mải xem bộ phim trên truyền hình nên đến 21h thì 4 mẹ con mới đi về nhà. Vừa bước vào cửa nhà thì bị Y Del dùng tay đấm vào mặt chị Luân làm chị té ngã xuống nền hiên nhà, Y Del tiếp tục dùng chân đạp vào đầu. Chị Luân vừa bỏ chạy vừa kêu la nhưng Y Del rượt đuổi theo tiếp tục đấm đá vào nhiều vùng trên cơ thể, thấy chị Luân nằm im thì Y Del mới dừng lại.
Các con chị Luân chạy qua nhà ngoại kêu cứu, gia đình chạy sang phát hiện chị Luân bị bất tỉnh đã đưa đi Bệnh viện cấp cứu, nhưng chị đã bị chết trên đường tới Bệnh viện. Ngay sau đó Y Del đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, bắt khẩn cấp.
Hồi tháng 3/2012, trong cơn say bia rượu, Bùi Xuân Toàn (SN 1974, Quảng Trị) đã nhẫn tâm lôi vợ là chị Lê Thị Tưởng (SN 1981) vào phòng khóa trái cửa rồi dùng ống nước, ghế đánh vợ dã man, mặc cho mẹ chồng và các con của chị đứng bên ngoài khóc lóc, van xin. Sau trận đòn, chị Tưởng phải nhập viện điều trị trong tình trạng chấn thương nặng.
Chị Tưởng bị thương phải nằm bệnh viện. Ảnh: baomoi
Hay bị đánh đập đến mức muốn quyên sinh như một phụ nữ ở Hải Phòng mới đây. Đó là sáng ngày 19-10, trước ngày Phụ nữ Việt Nam có một ngày, chị đã bị chồng dùng dây điện vụt thâm tím khắp cơ thể. Quá uất ức chị bắt xe lên cầu Bính (Hải Phòng) để quyên sinh. Tuy nhiên chị đã được công an tiếp cận, ngăn cản kịp thời nên đã không thực hiện được việc tự tử.
Mọi người đang ngăn cản người phụ nữ quyên sinh. Ảnh: VNE
Hoặc tàn nhẫn hơn nữa là vụ án thương tâm chồng đâm cán chổi vào vùng kín vợ đến chết vì ghen gây bàng hoàng. Vụ việc như sau: Khoảng 19h ngày 9/9, nhậu về tới nhà thì ông Võ Minh Thảo (44 tuổi) phát hiện có số điện thoại lạ gọi vào máy vợ và đòi xem nhưng bị bà Nguyễn Thị Hà (46 tuổi) từ chối nên bực tức bỏ đi nhậu tiếp tới gần 1h hôm sau mới về. Khoảng 3h sáng, ông Thảo thức giấc tiếp tục lôi vợ xuống bếp đánh đập, tra hỏi về cuộc gọi từ số máy lạ.
Thấy vợ chỉ im lặng chịu đựng, ông Thảo bèn dùng cán chổi lông gà đâm nhiều lần vào "vùng kín" cho đến khi bà Hà nằm bất động trên vũng máu mới thôi. Kết quả khám nghiệm ban đầu cho thấy bà Hà bị cán chổi đâm xuyên vùng kín gây thủng bàng quang và tử vong do mất máu cấp. Sáng 10/9, ông Thảo đã tự đến công an xã Mỹ Hiệp Sơn đầu thú. Theo chính quyền địa phương, ông Thảo nghiện rượu nặng, thường xuyên đánh vợ mỗi khi nhậu say và đã bị chính quyền mời lên nhắc nhở nhiều lần
Hay mới đây nhất, TPHCM cũng chấn động vì phát hiện xác một người đàn ông bị giết dã man và bỏ vào tui nilon bỏ ngoài đường quốc lộ. Qua điều tra mới biết, đằng sau đó là cả một bi kịch của một gia đình tràn ngập sự bạo hành. Nạn nhân là ông Đặng Văn Rô (65 tuổi, Vĩnh Long).
Dù đã có tuổi nhưng ông Rô lại có những mối tình ngoài luồng, thường xuyên đánh đập, xua đuổi vợ con ra khỏi nhà. Suốt 30 năm chung sống, ông Rô thường xuyên đánh đập vợ, con. Ông đánh vợ bằng cả dây xích sắt… Trong một cơn nóng giận, Đặng Hùng Phương (27 tuổi) đã giết chết cha mình là ông Rô rồi bó xác mang lên TP HCM phi tang.
Giày lên bụng cả khi vợ mang thai
Việc đánh đập vợ con được nhiều người đàn ông coi như chuyện rất bình thường, đã là chồng thì có quyền dạy vợ bằng... vũ lực. Họ coi thường và đạp trên mọi đạo lý làm chồng, làm cha, xuống tay tàn nhẫn và đánh đập không thương tiếc bằng bất cứ vật gì có trong tay, bất kỳ thời điểm nào trong ngày và không vì bất cứ lý do gì. Và cũng đã có những sự phán kháng rất bi thảm.
Anh L nghiện rượu. Tất cả mọi vật dụng trong nhà lần lượt bị anh L. đem bán để đổ vào những bữa nhậu. Có hôm, thèm rượu, tiền trong nhà lại hết, anh L. yêu cầu vợ tháo đôi bông tai vàng đem bán nhưng chị không đồng ý. Chẳng cần suy nghĩ, anh lao vào, dùng tay đấm mạnh vào mặt vợ nhiều cái thừa sống thiếu chết. Chừng đó vẫn chưa đủ, anh ngồi chắn ngang bụng vợ để hành hạ dù lúc đó chị đang mang thai. Sau trận đòn nhớ đời đó, chị phải mang trên mình vết sẹo dài ở trên chiếc mũi bị gãy.
Không chỉ đánh vợ, anh L. còn tìm mọi cách hành hạ các con mỗi lần say rượu. Có lần đứa con gái đầu 12 tuổi đang ở ngoài đồng cùng cha, chẳng hiểu con bé nói gì mà anh L. đánh nó đến mức ngất xỉu. Đến chiều, không thấy con gái về, chị đi quanh tìm, ra đồng, lòng thắt lại khi thấy con gái nằm bất tỉnh giữa đồng vắng. Đưa về đến nhà, con bé vẫn hoảng hốt, sợ hãi không dám nói là do cha đánh. Rất lâu sau, khi được gợi hỏi thì nó mới kể sự thật.
Riêng đối với Lê Anh Tuấn (SN 1995, con trai giữa của chị Lai và anh L) cũng thường xuyên gánh chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết của cha. Khi lên 9 tuổi, cha say rượu, dùng roi đánh đập Tuấn rất dã man. Sợ con trai chạy thoát, anh L. còn dùng dây xích chân con.
Câu chuyện bạo hành này đã có cái kết rất bi thảm đau lòng, anh L đã bị chính con ruột của mình là cháu Tuấn đâm chết ngay trong ngày tết 2013 khi đang chửi mắng Tuấn vì tội tự ý lấy xe honda đi chơi tết mà không xin phép.
Tuấn tại phiên tòa xét xử tội giết cha
Trong phiên tòa xét xử Tuấn, người thân, hàng xóm đến dự, họ không tỏ ra căm phẫn về hành vi giết người của Tuấn, thậm chí lại tỏ ra thông cảm “Dù nó phạm tội tày đình, nhưng từ đây, mẹ và chị em nó không phải chịu cảnh bị đánh đập, chửi mắng, liên miên”. Tuy vậy, giải quyết mẫu thuẫn gia đình quá tiêu cực Tuấn vẫn phải nhận mức án tới 17 năm tù cho tội của mình. Vết sẹo này có lẽ sẽ đeo bám Tuấn suốt cả cuộc đời, khó mà quên được.
Sợ bị bạo hành, vợ trói cổ khiến chồng bị ngạt thở chết
Đó là một câu chuyện với cái kết bi thảm vừa xảy ra mới đây. Thường xuyên bị chồng đánh đập tàn nhẫn sau khi nhậu say nên khi thấy ông Bạch Văn Tệt (SN 1968; quê xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang; trú xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau) uống rượu một mình trong nhà, bà Trần Thị Gái (SN 1964) dùng dây trói cổ chồng từ phía sau rồi buộc vào cửa sổ rồi bỏ trốn. Trưa cùng ngày, bà Gái trở về thì thấy chồng đã bị ngạt thở chết.
Bà Gái khai sau mỗi lần nhậu, ông Tệt say xỉn thường đánh vợ tàn nhẫn. "Vì sợ chồng uống say đánh đập như mấy lần trước nên tôi mới dùng dây trói cổ ông vào cửa sổ rồi bỏ trốn. Tôi không cố ý giết chồng", bà Gái nói.
Do biết tính tình hung bạo của nạn nhân nên sau khi vụ việc xảy ra, gia đình ông Tệt đã gửi đơn đến cơ quan chức năng xin bãi nại cho bà Gái. Công an huyện U Minh hiện cho bà Gái tại ngoại. Cơ quan chức năng cũng đang cân nhắc xử lý bà Gái về tội Giết người hay vô ý làm chết người.
Làm thế nào để ngăn chặn BLGĐ?
Ngày 21-11-2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống BLGĐ (có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2008) . Sự ra đời của Luật này được kỳ vọng sẽ làm giảm, giúp phòng ngừa và hỗ trợ cho những nạn nhân của hành vi BLGĐ. Tuy nhiên, có vẻ như hiệu quả của nó vẫn chưa được như mong đợi.
Luật Phòng, chống BLGĐ nêu rõ: người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống BLGĐ có hiệu lực từ ngày 28-12-2013 cũng quy định mức phạt tiền đối với hành vi BLGĐ lên tới 30 triệu đồng.
Đánh đập vợ như kẻ thù. Ảnh: minh họa
Tuy nhiên, việc quy định mức phạt bằng tiền đối với hành vi này (khi chưa đến mức xử lý hành sự) có vẻ không phù hợp lắm với tình hình xã hội, tập quán của người Việt Nam ta. Vốn dĩ, người Việt luôn cho rằng chuyện gia đình là phải “đóng cửa bảo nhau” là không được “vạch áo cho người xem lưng” là “xấu chàng hổ ai”.v.v cho nên việc phô ra cho cả làng biết bị chồng đánh là rất xấu hổ.
Chồng có tật xấu dù là cực xấu như vũ phu đi chăng nữa thì cũng không thể để cho người ngoài biết được. Vậy nên nạn nhân các vụ bạo hành thường không đi tố cáo. Họ xử sự trong các tình huống rất thụ động, hoặc là giấu đi hoặc có hành động bộc phát dẫn đến những hậu quả thương tâm, bi kịch.
Các vụ bạo hành, BLGĐ thường chỉ được phát hiện tại… bệnh viện (như vụ chị Hoa, chị Tưởng…) hay khi có án mạng xảy ra (như vụ chị H’B Luân, chị Hà, anh L…).
Việc xử phạt bằng tiền có lẽ cũng càng làm cho các vụ BLGĐ “chìm sâu” vào bí mật. Bởi lẽ, việc xử phạt bằng cách đánh vào kinh tế (đến 30 triệu đồng) đối với một gia đình không phải chuyện nhỏ. Xử phạt là người chồng nhưng tiền bạc của hầu hết các gia đình người Việt ta (đặc biệt là các gia đình nghèo, học vấn thấp) tiền bạc đều là để chung một túi, “của chồng, công vợ”.
Như vậy, xử phạt người chồng bằng tiền cũng là đánh vào kinh tế chung của gia đình. Các bà vợ, nếu chẳng may bị chồng đánh chắc sẽ rất khó đi tố cáo vì sẽ phải lấy tiền nhà đi nộp phạt. Chưa biết chừng về còn bị chồng bạt tai vì tội “ngu” đi tố cáo chồng đánh để giờ bị… mất tiền nữa.
Nên chăng, việc xử phạt người có hành vi BLGĐ chỉ nên thực hiện trực tiếp trên chính người đó. Cụ thể là thực hiện triệt để việc đưa ra “bêu gương”, giáo dục ngay tại địa phương sinh sống, tại tổ dân phố; phạt làm lao động công ích trong nhiều ngày hoặc thông báo đến nơi làm việc…
Đối với những hành vi BLGĐ có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 104 BLHS, mức phạt đến tù chung thân ); tội hành hạ người khác (Điều 110 BLHS, mức phạt đến 3 năm tù); tội bức tử (Điều 100 BLHS, phạt từ 2 đến 12 năm tù)… Hình phạt đối với các tội này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn. |