Cùng giáo viên vượt khó

Cùng giáo viên vượt khó

Nhiều trường buộc phải giảm lương, cắt giảm nhân sự, chuyển nhượng, thậm chí đóng cửa. Không ít giáo viên rơi vào cảnh giảm, mất thu nhập, thất nghiệp. Câu chuyện những giáo viên mầm non tư thục phải làm việc nhà, bóc vỏ tôm thuê, bán hàng online, chạy xe công nghệ… để mưu sinh, chờ qua mùa dịch bệnh bám trụ với nghề đã không còn là chuyện hiếm trên cả nước.

Theo thống kê của dự án H.A.T (Help a Teacher), trong số gần 200 hồ sơ gửi đến H.A.T xin nhận hỗ trợ, có đến 76% giáo viên không có nguồn thu nhập nào trong 1 tháng qua; 22% giáo viên có thu nhập dưới 5 triệu đồng. Cũng theo người điều hành dự án này ước tính, có khoảng 472.000 giáo viên thuộc các trường, nhóm, lớp ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Chia sẻ với người lao động yếm thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương có những giải pháp hỗ trợ. Bên cạnh hướng đến người dân nói chung, nhiều gói hỗ trợ đã trực tiếp hướng đến ưu tiên đội ngũ giáo viên. Như ở TPHCM, ngoài chính sách chung đối với người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 của thành phố (dự kiến hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người trong 3 tháng), Công đoàn còn hỗ trợ giáo viên giảm thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh khoảng 1,2 triệu đồng/người. Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang cũng chi hỗ trợ tiền cho giáo viên các trường tư thục gặp khó khăn do nghỉ phòng dịch từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/người...

Song song với sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, nhiều dự án sáng tạo, doanh nghiệp trong cộng đồng cũng sẵn sàng chung sức với thầy cô vượt qua khó khăn. Tổ chức Tài chính Vi mô (CEP) thực hiện chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ chủ trường mầm non, giáo viên ngoài công lập vay vốn để cùng người lao động vượt qua khó khăn. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Sản xuất Nông sản Kim Sáng… tổ chức chương trình bình ổn giá hỗ trợ, ưu đãi các sản phẩm dịch vụ thiết yếu.

Mới đây nhất, chị Văn Đinh Hồng Vũ, CEO Elsa Speak, cùng những người bạn đã xây dựng dự án H.A.T (Help a Teacher) nhằm hỗ trợ những giáo viên “vượt bão Covid” và trụ lại với nghề. Với mức hỗ trợ 8,4 triệu đồng/suất, tương đương 2 tháng lương tối thiểu vùng của năm 2019, mục tiêu của dự án là giúp được ít nhất 100 - 150 GV mầm non ngoài công lập để họ có động lực vượt qua khó khăn mùa dịch.

“Nếu không có các hỗ trợ kịp thời, tình trạng hàng loạt trường học tư thục rơi vào tình cảnh khó khăn, giải thể, hàng nghìn giáo viên, nhân viên của các tổ chức này bị thất nghiệp sẽ gây ra các thiệt hại lâu dài cho nền giáo dục nói riêng và thành quả xã hội hóa giáo dục của Việt Nam nói chung”, chị Hồng Vũ chia sẻ với truyền thông.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, người thầy, đặc biệt ở các trường ngoài công lập phải xác định tiếp tục đối diện với mưu sinh ngắn hạn, chủ động khắc phục khó khăn, để qua dịch tiếp tục nghiệp bảng đen phấn trắng. Nhưng trong cuộc vượt khó của mỗi người thầy đã không còn là sự nỗ lực đơn lẻ. 

Sự tiếp sức, chia sẻ, đồng hành từ Nhà nước cho đến các tổ chức xã hội những ngày qua, không chỉ góp phần giải quyết khó khăn về tài chính trước mắt, mà còn là nguồn tinh thần quý giá, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để thầy cô bám trụ và vững vàng hơn với nghề. Điều này hết sức đáng quý, không chỉ trong thời điểm này. Bởi chỉ không ít thời gian nữa, rời vai chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, người thầy lại tiếp tục là những chiến sĩ trên mặt trận quốc sách hàng đầu - vào cuộc với sự nghiệp đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình - sách giáo khoa mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ