Cúc vạn thọ hữu cơ làm dược liệu

GD&TĐ - Cúc vạn thọ có khả năng kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, bảo vệ gan, tiểu đường, chữa lành vết thương ngoài da… nên có thể phát triển thành dược liệu.

Nhóm nghiên cứu tại khu vực trồng thử nghiệm cúc vạn thọ theo quy trình hữu cơ.
Nhóm nghiên cứu tại khu vực trồng thử nghiệm cúc vạn thọ theo quy trình hữu cơ.

Xây dựng quy trình canh tác hữu cơ

Xuất phát từ định hướng tạo ra các sản phẩm dược liệu tốt cho sức khỏe con người và phục vụ nhu cầu xã hội, TS Hà Thị Quyến cùng các thành viên nhóm nghiên cứu Khoa Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) đã cùng nghiên cứu mô hình trồng cúc vạn thọ theo hướng hữu cơ.

TS Hà Thị Quyến cho biết, hoa cúc còn được biết đến như một loại dược liệu bởi những bộ phận hoa, lá, rễ của cây cúc vạn thọ đều có tác dụng dược lý. Trong y học cổ truyền, các bộ phận rễ, thân lá của cúc vạn thọ đều có thể được sử dụng trong các bài thuốc dân gian.

Y học hiện đại đã chứng minh cúc vạn thọ có khả năng kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, bảo vệ gan, tiểu đường, chữa lành vết thương ngoài da, chống trầm cảm, chống động kinh…

“Từ đây, nhóm nghiên cứu đã quyết định triển khai hướng nghiên cứu trồng cúc vạn thọ bằng phương pháp hữu cơ với mục đích tạo ra các sản phẩm dược liệu tốt cho sức khỏe từ loại hoa này. Đặc biệt, khi cúc vạn thọ được canh tác ở quy mô lớn bằng phương pháp hữu cơ sẽ giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học, sản phẩm thu được sẽ an toàn và chất lượng nếu để sử dụng làm thảo dược, đồng thời góp phần vào phát triển nền nông nghiệp bền vững”, TS Hà Thị Quyến chia sẻ.

Ban đầu, nhóm nghiên cứu thực hiện ý tưởng mô hình trồng cúc vạn thọ với quy mô rất nhỏ nhằm mục đích thử nghiệm trồng một số giống hoa cúc vạn thọ (Vạn thọ Mỹ, Vạn thọ Pháp, Vạn thọ Thái…) trong điều kiện thời tiết mùa Đông ở miền Bắc. Loài hoa này được sinh trưởng, phát triển rất tốt trong điều kiện thời tiết nắng ấm ở các tỉnh phía Nam.

Nhóm cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm mô hình cúc vạn thọ trong nhà lưới nhằm giảm thiểu sâu bệnh, lựa chọn được thành phần dinh dưỡng cũng như kiểm soát được hàm lượng dinh dưỡng trong điều kiện trồng bán thủy canh.

TS Hà Thị Quyến cho biết, nhóm nghiên cứu với định hướng trồng cúc vạn thọ theo hướng hữu cơ nhằm mục đích thu nhận nguyên liệu để phát triển các sản phẩm thảo dược là mục đích chính.

Trên thực tế, cúc vạn thọ được trồng ở các nông trại hay hộ nông dân, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam phần lớn là nhằm mục đích làm cây cảnh nên trong quy trình trồng, ngoài việc sử dụng phân bón hữu cơ (chủ yếu là giai đoạn bón lót), chắc chắn vẫn phải sử dụng nhiều loại phân bón vô cơ trong các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây.

Nếu sử dụng các bộ phận của cúc vạn thọ canh tác kiểu này để làm nguyên liệu tạo các sản phẩm thảo dược sẽ không kiểm soát được chất lượng của sản phẩm tạo ra, sản phẩm có thể tích lũy thành phần không tốt cho sức khỏe con người.

Hướng đến tự động hóa canh tác hữu cơ

Nhóm nghiên cứu cho biết, cúc vạn thọ sinh trưởng và phát triển tốt trong các điều kiện chăm bón mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện. Điểm nổi bật của mô hình nghiên cứu triển khai là lựa chọn được thành phần phân bón, quy trình chăm sóc để cây ra hoa đồng đều, kích thước bông tương đương nhau.

Hiện nay, mô hình mới này được nhóm nghiên cứu thử nghiệm trồng tại Khu thực nghiệm công nghệ nông nghiệp của Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ tại Hòa Lạc.

TS Hà Thị Quyến chia sẻ, nhóm nghiên cứu dược liệu của Khoa đang và sẽ triển khai dự án với sự tham gia tích cực của các bạn sinh viên, mong muốn mô hình này được mở rộng quy mô và áp dụng công nghệ IoT kết hợp tự động hóa cũng như sử dụng hệ thống trạm thời tiết, hệ thống tưới tự động hiện có của Trại thực nghiệm để canh tác cúc vạn thọ theo hướng hữu cơ nhằm phát triển các sản phẩm thảo dược từ loài cây này.

Hệ thống này giúp theo dõi các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, và ánh sáng, từ đó tối ưu hóa điều kiện phát triển cho cây trồng. Hệ thống tưới tự động thông minh giúp cây trồng luôn được cung cấp đủ nước một cách hiệu quả và tiết kiệm.

Bên cạnh đó, quy trình canh tác hữu cơ cùng với việc sử dụng chế phẩm vi sinh đã được áp dụng để đảm bảo sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn hạn chế sử dụng hóa chất, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Thời gian tới, TS Hà Thị Quyến cùng nhóm sẽ tiếp tục mở rộng mô hình với mong muốn có thêm diện tích đất trồng cho mô hình loại cây này và hướng tới việc sử dụng cúc vạn thọ làm nguyên liệu phát triển các sản phẩm thảo dược.

TS Hà Thị Quyến cho biết: “Tôi cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu đang tập trung vào một số loại dược liệu khác, đồng thời mong muốn mở rộng mô hình nghiên cứu đối với cúc vạn thọ, kết hợp cho sinh viên nghiên cứu triển khai đồ án tốt nghiệp. Qua đây, các em sẽ vận dụng được những lý thuyết đã học của các môn học trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ nông nghiệp vào thực tiễn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ