CPI tháng 2 "leo" lên mức 2,09%

CPI tháng 2 "leo" lên mức 2,09%
(GD&TĐ)- Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, trong tháng 2/2011, chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng (CPI) tăng đến 2,09% là mức cao, nhưng đây là mức tăng trung bình so với cùng kỳ những năm gần đây. 
Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, giải pháp quan trọng nhất kiềm chế CPI tháng 3 và những tháng tiếp là tránh tăng giá do tâm lý do điều chỉnh giá điện và xăng dầu. 
CPI tháng 2/2011 tăng cao là do gánh sức mua của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão. Ảnh minh họa, internet
CPI tháng 2/2011 tăng cao là do gánh sức mua của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão. Ảnh minh họa, internet
Cơ quan này đánh giá, CPI tháng 2 tăng cao là do sức mua tăng cao trong dịp tết Nguyên Đán Tân Mão, giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng cao hơn. Sau Tết, thị trường nhanh chóng trở lại bình thường. Nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống được cung ứng đầy đủ nhưng giá nhiều loại hàng hóa bắt đầu có xu hướng tăng. 
Giá lúa gạo có xu hướng nhích lên 200- 300 đồng/kg từ cuối tháng 1 do nhu cầu thu mua phục vụ xuất khẩu. Giá thực phẩm sau khi tăng mạnh hồi cuối tháng 1, hiện nay giá nhiều loại thực phẩm (rau, củ, quả) lại giảm mạnh do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào; giá thịt lợn giảm nhẹ tại một số địa phương; tuy nhiên, một số mặt hàng như thịt gà, thịt bò vẫn đứng ở mức cao. 
Nhiều sản phẩm sữa bột nhập khẩu tiếp tục tăng giá từ 5 đến 18% do ảnh hưởng chi phí đầu vào. Giá phân bón tăng 500- 1.000 đồng/kg (tùy chủng loại) do ảnh hưởng của chi phí sản xuất và miền Bắc đang chính vụ Đông Xuân. Do ảnh hưởng từ giá phôi thép nhập khẩu, tỷ giá, lãi suất nên giá thép bán buôn tiếp tục tăng 500.000- 1.000.000 đồng/tấn. Sau một thời gian dài khá ổn định, giá bán xi măng bắt đầu tăng 60.000- 80.000 đồng/tấn… Đặc biệt mới đây, 2 mặt hàng quan trọng là điện và xăng dầu đã được điều chỉnh tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường hàng hóa.
Cũng theo Tổ điều hành thị trường trong nước, nguyên nhân tác động tăng giá hàng hóa trong nước trước hết là do giá nhiều hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới giá hàng nhập khẩu, gây áp lực lên giá hàng hóa trong nước. 
Theo IMF, chỉ số giá các nhóm hàng thiết yếu tháng 1/2011 tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 4% so với tháng trước. Chỉ số giá lương thực tháng 1/2011 đạt mức kỷ lục kể từ tháng 11/2006 đến nay, tăng 28% so với cùng kỳ 2010 và tăng 3,46% so với tháng 12/2010. Thứ hai, việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 9,3% (từ 18.930 lên 20.693 VND/USD) tác động đến hầu hết đến giá hàng nhập khẩu. Thứ ba, nhiều mặt hàng bị kìm giữ giá lâu ngày không tăng để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường thời gian cuối năm 2010 và Tết như phân bón, thép xây dựng, giấy in, giấy viết đã tăng ngay sau Tết. Thứ tư, tâm lý lo ngại lạm phát cao khi giá vàng liên tục tăng và điều chỉnh tỷ giá làm cho các doanh nghiệp tăng giá đón đầu.
Các thành viên Tổ điều hành là đánh giá, hiện nay giá cả thế giới vẫn đang có xu hướng đi lên; thị trường đảo chiều tăng nhanh. Việc điều chỉnh tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng tác động dây chuyền đến các mặt hàng nhập khẩu và có nguồn gốc nhập khẩu. Đặc biệt, việc tăng giá điện và xăng dầu sẽ tác động không nhỏ tới CPI tháng 3.
Đồng thời đánh giá, việc điều chỉnh giá xăng sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 0,65% (chưa tính được tác động của vòng tiếp theo và yếu tố tâm lý); điều chỉnh giá điện tác động trực tiếp tăng CPI khoảng 0,38%. Như vậy, 2 mặt hàng này sẽ tác động vòng 1 đến CPI trên 1%. Với những yếu tố đó, CPI tháng 3 khó có thể ở mức thấp.
An Sương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ