Công tác giáo dục an toàn giao thông đã có chuyển biến rõ nét

GD&TĐ - Ngành giáo dục đào tạo đã tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong các nhà trường bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi báo cáo tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi báo cáo tại buổi làm việc.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục

Ngày 9/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” đã làm việc với Chính phủ với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi dự buổi làm việc và đã có báo cáo về "Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Ngành giáo dục từ năm 2009 đến hết năm 2023".

Thứ trưởng cho biết: Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Ngành GD-ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Nhận rõ được sự cần thiết, tính cấp bách của công tác bảo đảm TTATGT, Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo và phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục TTATGT trong trường học cho đội ngũ bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và HSSV để góp phần nâng cao nhận thức, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong phạm vi cả nước.

Giai đoạn 2009-2023, triển khai thực hiện các Chỉ thị của Trung ương, các Nghị quyết của Chính phủ và nhận được sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Ủy ban ATGT Quốc gia về chuyên môn, kinh phí hoạt động và các định hướng cụ thể để ngành Giáo dục triển khai thuận lợi công tác giáo dục ATGT cho HSSV trong trường học.

Bộ GD&ĐT đã đưa giáo dục ATGT vào chương trình giảng dạy chính khóa từ cơ sở giáo dục mầm non đến cơ sở giáo dục đại học theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, đưa công tác giáo dục ATGT là một trong những tiêu chí bình xét, đánh giá thi đua hàng năm của ngành.

Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục đã chủ động tăng cường công tác giáo dục pháp luật ngoại khóa về ATGT bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, đa dạng; nội dung tuyên truyền, giáo dục cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng lứa tuổi, phát huy, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của HSSV.

Đến nay, công tác giáo dục ATGT trong trường học đã có chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cơ sở giáo dục, hàng năm các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT cho HSSV.

Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định về ATGT của HSSV có chuyển biến nhưng một số HSSV tính tự giác chưa cao. Theo thông báo của ngành Công an về các trường hợp vi phạm, các lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, vừa điều khiển xe mô tô vừa làm việc khác như nghe nhạc, nghe điện thoại... vẫn còn xảy ra.

Quang Canh.jpg
Quang cảnh buổi làm việc.

Tai nạn giao thông được kiềm chế

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã báo cáo khái quát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ cũng như dự thảo Báo cáo của UBTVQH về giám sát chuyên đề này.

Đa số các ý kiến nhận thấy, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thực hiện để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật về giao thông đường bộ cơ bản đạt kết quả tốt. Sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương rất quyết liệt.

Tai nạn giao thông trên các lĩnh vực tiếp tục được kiềm chế, giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương qua các năm. Số lượng phương tiện vận tải tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân tham gia giao thông ngày càng được nâng cao.

Góp ý tại buổi làm việc, các ý kiến của Đoàn giám sát đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn nhằm nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông trong toàn dân; tiếp tục duy trì và tăng cường công tác giám sát thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.

Cũng tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã giải trình, làm rõ các vấn đề mà các thành viên Đoàn giám sát nêu. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo cũng như hoàn thiện thể chế liên quan đến an toàn giao thông.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, cơ bản Đoàn giám sát tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu, gồm cả báo cáo của Chính phủ, ý kiến tiếp thu, giải trình của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Sau buổi làm việc, Thường trực Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện Báo cáo để gửi xin ý kiến Chính phủ kèm theo dự thảo Nghị quyết trước khi báo cáo UBTVQH.

Bộ GD&ĐT đề xuất tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, HSSV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ