“Báo cáo phát triển thế giới 2016: Lợi ích số” do World Bank công bố cho thấy: Rào cản lớn nhất đối với công nghệ số không phải là công nghệ. Môi trường kinh doanh tại một nước sẽ định hình cách thức các doanh nghiệp tiếp nhận và áp dụng công nghệ ở nước đó. Trong các ngành khác với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), môi trường kinh doanh kém và các nhóm lợi ích là những yếu tố kìm hãm tiếp nhận công nghệ. Trong ngành kinh doanh trực tuyến, bản chất kinh tế của Internet có xu hướng dẫn tới độc quyền tự nhiên để khai thác vị thế chi phối.
“Như vậy, sẽ gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà cung cấp. Và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trực tuyến và ngoại tuyến làm cho cơ quan quản lý lúng túng tìm cách bảo vệ người tiêu dùng và người lao động...” - Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới nêu.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng mối quan hệ tác động qua lại giữa công nghệ và quản lý cho thấy Chính phủ phải tìm ra phương cách đảm bảo môi trường kinh doanh để mọi doanh nghiệp có thể kết nối và cạnh tranh.
Tán thành với quan điểm này, trong phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rằng: Nhà nước phải đưa ra một môi trường pháp lý tốt, bởi công nghệ tự nó không phát triển tốt nếu không có môi trường pháp lý tốt. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng kể lại thời điểm Internet vào Việt Nam đã có những tranh luận về quan điểm, cách tiếp cận sử dụng kỹ thuật số. Nhờ quan điểm rất mạnh dạn là đưa Việt Nam đi thẳng vào phát triển kỹ thuật số và tận dụng các thế mạnh, cơ hội mà nó mang lại, mà công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam mới được như ngày hôm nay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện nay không phải lúc bàn lợi ích của công nghệ số là thế nào mà phải khẳng định: “Bản thân công nghệ số có những mặt trái, nhưng không phải do công nghệ mà do người sử dụng công nghệ. Vì thế, không có lý gì vì tác động mặt trái của nó mà kìm hãm nó, mà phải tìm mọi cách để nó phát triển”.