“Công chúa bảo mật” - Vũ khí bí mật của “gã khổng lồ” Google

Parisa Tabriz - 31 tuổi, người Mỹ gốc Iran được gọi là “công chúa bảo mật” của Google với lý do rất đơn giản, cô là “bóng hồng” hiếm hoi trong lãnh địa vốn dành riêng cho phái mạnh. 

Parisa Tabriz là một “hacker mũ trắng”, nhiệm vụ của cô là chống lại những “kẻ xấu” trên Internet.
Parisa Tabriz là một “hacker mũ trắng”, nhiệm vụ của cô là chống lại những “kẻ xấu” trên Internet.
Bóng hồng hiếm hoi ở thung lũng Silicon

Google là nơi hội tụ của những thiên tài “lập dị”, làm việc trong khuôn viên rực rỡ sắc màu ở Mountain View (California, Mỹ). Những tòa nhà được thiết kế lạ mắt để “khơi nguồn cảm hứng” cho các thiên tài. 

Một nhóm chuyên gia đang họp trên chiếc xe 7 chỗ, trong khi một vài người mang máy tính xách tay vào hố bóng khổng lồ để làm việc. "Tôi không thể nói rằng tôi đã hiểu tất cả về các đồng nghiệp của mình nhưng một điều chắc chắn, họ luôn có những suy nghĩ rất khác thường" - Cô Tabriz nói.

Parisa Tabriz được coi là vũ khí bí mật hàng đầu của Google, chịu trách nhiệm bảo vệ thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới hiện nay. Cô cùng nhóm cộng sự của mình lên mạng mọi lúc mọi nơi để bảo vệ gần 1 tỉ người sử dụng Google Chrome - trình duyệt Internet được sử dụng nhiều trên thế giới. 

Google trao phần thưởng lên đến 30.000USD cho hacker nếu họ có thể tìm thấy lỗi trên Chrome. Cho đến nay, hơn 1,25 triệu USD đã được trao và 700 lỗi trên Chrome đã được khắc phục.

Tabriz còn là lãnh đạo của một nhóm gần 30 nam giới rất giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Mỹ và châu Âu. "50 năm trước đây, tỉ lệ nữ trong ngành y và luật pháp cũng thấp như của lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi và lĩnh vực công nghệ thông tin cũng sẽ thay đổi vì đó là lĩnh vực phát triển nhanh nhất" - Tabriz nói. 

Tabriz cho biết, cô chưa bao giờ bị phân biệt đối xử vì là nữ giới ở Google kể từ khi bắt đầu làm việc ở đây vào năm 2007. Tabriz được nhận vào làm việc khi còn là sinh viên ở trường đại học.

Bề ngoài, Tabriz cũng giống như bất kỳ cô gái trẻ nào khác: Mặc bộ đồ màu đen giản dị, mái tóc bồng nhẹ, sơn móng tay màu hồng bóng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ bề ngoài đó là một cô gái mạnh mẽ và cá tính. 

Năm 2012, cô được tạp chí Forbes xếp hạng trong top 30 người phụ nữ dưới 30 tuổi thành công nhất. "Phụ nữ thường đánh giá thấp bản thân mình hơn nam giới, đó là một điều rất sai lầm” - Tabriz chia sẻ.

Từng nghĩ sẽ trở thành cảnh sát

Tabriz lớn lên ở ngoại ô Chicago trong một gia đình có cha là người Iran nhập cư và mẹ là người Mỹ gốc Ba Lan. Bố mẹ Tabriz đều hoạt động trong lĩnh vực y học nhưng không hay biết gì về máy tính. 

Bản thân Tabriz cũng không chạm vào máy tính cho đến khi trở thành sinh viên năm đầu của Đại học Illinois, chuyên ngành kỹ thuật máy tính.

"Khi tốt nghiệp trung học, tôi không biết sẽ theo nghề gì. Một lần trắc nghiệm xem công việc nào phù hợp, kết quả là tôi phù hợp với công việc của một nhân viên cảnh sát. Tôi đã cảm thấy rất buồn cười về kết quả đó nhưng bây giờ thì thấy có vẻ đúng, tôi đang làm việc để bảo vệ con người" - Tabriz nói. 

Tabriz kể cô quyết định chọn chuyên ngành kỹ thuật máy tính khi đọc câu chuyện về hacker đầu tiên, ông John Draper thường được gọi là Captain Crunch. Draper là nhân vật tài năng, ông đã làm việc như một kỹ thuật viên radar trong không quân Mỹ.

Truyền cảm hứng cho những người trẻ

Ngoài công việc, Tabriz còn làm cố vấn cho Hội nghị khoa học máy tính dành cho trẻ em dưới 16 tuổi được tổ chức hàng năm ở Las Vegas. 

“Tôi muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ và góp phần đào tạo những hacker tốt trong tương lai. - Tabriz chia sẻ - Tiền có thể thay đổi hacker mũ trắng thành hacker mũ đen. Đó là ranh giới rất mong manh. 

Tôi kịch liệt lên án những hacker đã phát tán bức ảnh riêng tư của những người nổi tiếng gây xôn xao trên mạng thời gian gần đây. Đó là hành vi xúc phạm phụ nữ, là tội phạm. Là một hacker, tôi rất buồn vì điều đó”.

Trinity Nordstrom - 16 tuổi, một trong những người tham dự hội nghị nói: "Parisa là hình mẫu mơ ước của tôi, nói đúng hơn là thần tượng, vì cô ấy mà tôi muốn mình trở thành hacker thực sự. 

Trong ngành công nghiệp bảo mật máy tính, kỹ năng quan trọng hơn việc bạn là đàn ông hay phụ nữ. Câu chuyện của Parisa đã chứng minh rằng, dù là phụ nữ nhưng có đam mê và trí tuệ, mọi việc chắc chắn sẽ thành công”.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ