Công bố quyết định thành lập Trường ĐH Luật thuộc ĐHQG Hà Nội

GD&TĐ - Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội được tổ chức sáng 18/11.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định thành lập cho Trường ĐH Luật.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định thành lập cho Trường ĐH Luật.

Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, các doanh nghiệp; lãnh đạo ĐHQG Hà Nội và các trường, viện, cơ quan thuộc/trực thuộc ĐHQG Hà Nội; các thế hệ nhà giáo, người lao động, các thế hệ lãnh đạo khoa, trường nhiều thời kỳ, các thế hệ người học…

Ngày 23/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1124/QĐ-TTg về việc thành lập Trường ĐH Luật, thành viên ĐHQG Hà Nội trên cơ sở khoa Luật trực thuộc ĐHQG Hà Nội.

Việc thành lập Trường ĐH Luật không chỉ thỏa lòng mong đợi của nhiều thế hệ thầy và trò của nhà trường mà còn góp phần hoàn thiện mô hình phát triển của ĐHQG Hà Nội. Cùng với đó, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu luật ở Việt Nam; góp phần thực hiện đầy đủ, hiệu quả chính sách tự chủ ĐH của Đảng, Nhà nước trong điều kiện, mô hình ĐHQG Hà Nội.

Sự ra đời của Trường ĐH Luật cũng góp phần phát triển định hướng ĐH nghiên cứu và khuyến khích phát triển ĐH nghiên cứu thuộc lĩnh vực pháp luật trong điều kiện hiện nay của Việt Nam; giúp phát huy thế mạnh, tiềm năng của một cơ sở đào tạo và nghiên cứu luật uy tín hàng đầu của đất nước với gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng các thế hệ nhà giáo khoa Luật. Việc thành lập Trường hôm nay, theo Bộ trưởng, là sự ghi nhận những cố gắng của các thế hệ cán bộ, nhà giáo qua 46 năm không ngừng xây dựng, vun đắp, phát triển và nay đã bước vào chặng đường phát triển mới, với tên gọi mới, tầm vóc và khí thế mới.

Chia vui với 3 thầy cô được bổ nhiệm làm hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng nhà trường, Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng ĐHQG Hà Nội khi đón nhận thành viên thứ 9 - Trường ĐH Luật.

“Trong 2 ĐHQG, các ĐH vùng, ĐHQG Hà Nội với 9 thành viên là cơ cấu có nhiều trường ĐH thành viên nhất” - Bộ trưởng thông tin và cho rằng: ĐHQG Hà Nội với định hướng ĐH đa ngành, nhưng không phải cứ nhiều ngành là trở thành đa ngành hùng mạnh. Đa ngành nhưng trong đó gồm những gì mới là quan trọng.

ĐHQG Hà Nội trong cơ cấu đa ngành của mình hiện nay có khối khoa học cơ bản, có công nghệ, có y dược, có giáo dục, kinh tế, có luật và các trường khác… Đây là một cơ cấu đa ngành lý tưởng và phổ biến của các ĐH hàng đầu thế giới.

“Với sự thành lập của Trường ĐH Luật, chúc mừng ĐHQG Hà Nội vì có một cơ cấu đa ngành hùng mạnh nhất trong các ĐH của Việt Nam hiện nay.” Chia sẻ điều này, theo Bộ trưởng, đây cũng là niềm vui của ngành bởi có thêm một trường ĐH Luật, một trường mạnh trong khối các trường ĐH, CĐ.

Mỗi một trường ĐH ra đời, việc làm thủ tục, xem xét các điều kiện, khả năng đều phải rất thận trọng. Nhưng 3 khối ngành là khoa học sức khỏe, sư phạm, khối luật, sự thành lập, tổ chức đào tạo, cấp phép đào tạo càng cần đặc biệt thận trọng. Các quốc gia trên thế giới đều thận trọng trong thành lập, đào tạo 3 lĩnh vực này bởi tác động trực tiếp đến con người, hoạt động xã hội, quyết định sự an nguy của cả xã hội, đất nước. Nhắc đến điều này, Bộ trưởng khẳng định thêm ý nghĩa sự ra đời của Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội hôm nay; thể hiện sự trân trọng, sự khẳng định từ phía Chính phủ đối với nhà trường.

Ông Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội.
Ông Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong mỏi, Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống, bề dày trong nghiên cứu khoa học, đào tạo để tiếp tục lớn mạnh, tỏa sáng trong tương lai. Đặc biệt, nhà trường cần quan tâm đến chất lượng đào tạo; làm sao đây phải là nơi có chất lượng tốt nhất, tiên phong nhất, mẫu mực nhất - đó là trách nhiệm đương nhiên của một thành viên trong một ĐH hàng đầu của đất nước.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng mong nhà trường có những đóng góp thiết thực trong xây dựng các bộ luật, trong đó có Luật Nhà giáo - bộ luật quan trọng với ngành mà Bộ GD&ĐT đang bắt tay xây dựng.

Chia sẻ về đổi mới trong giáo dục - đào tạo hiện nay, Bộ trưởng cho biết: Ngành Giáo dục rất coi việc tạo dựng các giá trị cốt lõi cho học sinh, như đức tính trung thực, chăm chỉ, hiếu học, yêu nước… Nhưng có một giá trị rất cần phải lưu ý để dạy cho học trò, đó là ý thức chấp pháp, sự tuân thủ pháp luật. Giữa vô vàn các giá trị đầy tính trừu tượng, điều này vừa cụ thể, khả thi và trong luật pháp đã bao hàm những giá trị của đạo đức, văn hóa. Với nội dung này, Trường ĐH Luật có vai trò quan trọng với toàn ngành, với đất nước, bên cạnh đào tạo cử nhân, tiến sĩ ngành Luật.

Trong phát biểu, Bộ trưởng cũng nhắc đến triết lý Trường ĐH Luật nêu trong định hướng phát triển nhà trường là khai phóng, đổi mới sáng tạo, học tập suốt đời, ý thức trách nhiệm và phục vụ cộng đồng. Đây là những giá trị về học thuật sâu sắc, hiện đại, tuy nhiên nó hay cho mọi trường ĐH.

Nên với tư cách là một trường ĐH trong lĩnh vực pháp lý, Bộ trưởng gợi ý, Trường ĐH Luật nên cân nhắc, trong giá trị cốt lõi của trường cần nhấn mạnh thêm yếu tố thượng tôn pháp luật, liêm chính, công minh, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm quốc gia. “Đó mới là đặc sắc của Trường ĐH Luật thuộc ĐHQG Hà Nội.” - Bộ trưởng cho hay.

Tại buổi lễ, ĐHQG Hà Nội cũng công bố các quyết định bổ nhiệm cán bộ Trường ĐH Luật. Theo đó, bà Nguyễn Thị Quế Anh được bổ nhiệm là Hiệu trưởng; hai Phó Hiệu trưởng là ông Trịnh Tiến Việt và ông Nguyễn Trọng Điệp.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng gửi đến các thầy cô dự buổi lễ, cũng như các thầy cô giáo trên cả nước dồi dào sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp trồng người. "Sự thành công của chúng ta trong sự nghiệp trồng người sẽ tạo thành thành công lớn của quốc gia, dân tộc." - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...