Sợ con gái đang gặp nguy hiểm, tôi đã nghĩ đến cách kiểm tra phòng riêng của con để xác nhận sự thật.
Khi biết bị mẹ đọc trộm nhật ký và lục tung máy vi tính lên tìm bằng chứng, con bé bất mãn, tuyệt vọng, “cắt quan hệ” với mẹ và dọa tự tử…(Thư của một bạn đọc ẩn danh)
Chuyện yêu sớm ở tuổi cắp sách đến trường có phổ biến ở nước ta hiện nay không? Câu trả lời là có, nhiều nữa là khác. Gia đình không nên nghiêm khắc đẩy vấn đề đi quá giới hạn của lòng tự ái, dẫn đến tuyệt vọng.
Ngăn cấm mà không đồng hành, không ở bên cạnh, không chia sẻ với con thì chỉ vô ích. Người lớn thường quên mất khi còn ở tuổi học trò, có khi mình cũng rơi vào tình cảm dại dột và liều lĩnh như vậy, sao đến lượt làm cha mẹ, mình lại ngặt với con đến thế?
Tình yêu thời nào cũng có và tình yêu học trò gắn với nhiều kỷ niệm đẹp nhưng thường khó đi đến hôn nhân bền chặt. Vì vậy “kẻ si tình” cần giới hạn chừng mực, không để sa ngã, quá đà, sau này khỏi hối hận. Cha mẹ cảnh giác với chuyện tình cảm của con cái là không sai, nhưng đừng phản ứng dữ dội quá, gây sức ép tâm lý cho con.
Vì ở tuổi học đường, nếu bị bêu riếu, mắng chửi, đặc biệt là trước chỗ đông người thì chàng trai, cô gái ấy sẽ rất xấu hổ và dễ làm điều dại dột. Bạn hãy thống nhất với con rằng: tuổi học sinh thì học hành là quan trọng nhất, nếu yêu nhau thì phải cùng phấn đấu học giỏi.
Nói về chuyện xây dựng lòng tin trong mối quan hệ giữa hai mẹ con, chị nên đưa ra những câu hỏi mở, nhìn vào con khi con đang nói và quan sát thái độ của con. Hãy giữ cho cuộc trò chuyện luôn cởi mở, hãy tin vào con và giúp con tự tin trong cuộc sống.
Một người mẹ cần phải biết liệu con gái mình có phải là nạn nhân tình dục hay không, “tập tành” làm người lớn khi đang ở tuổi vị thành niên hoặc do thiếu thốn tình cảm mà tìm cách tiếp cận tình dục. Nếu “xâm nhập” khoảng trời riêng của con là cách duy nhất để kiểm chứng linh cảm của mình thì cũng phải làm.
Chị nên kín đáo kiểm tra xem con có chat sex với người lạ không và tìm các lá thư bí mật của con gửi cho bạn bè. Đừng trì hoãn việc thu thập thông tin. Hãy nói chuyện với con ngay và phải can thiệp lập tức trước khi quá muộn.
Hiện tượng chán đời, chán sống ở thanh thiếu niên thu hút nhiều mối quan tâm hiện nay. Cha mẹ nên chú ý các dấu hiệu cho thấy con mình đang phải chịu đựng, dằn vặt hơn mức bình thường suốt hàng tuần, bao gồm các triệu chứng chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, không quan tâm đến người khác và thờ ơ với các sinh hoạt.
Trầm cảm biểu hiện ở việc ngừng mọi hoạt động thông thường, mất ngủ, tránh tiếp xúc với người khác và không tìm thấy niềm vui. Trầm cảm nặng còn khiến bệnh nhân quên cả vệ sinh cá nhân hàng ngày, nằm lỳ trên giường, khóc lóc, tỏ ra thất bại hoặc chán ghét bản thân.
Nếu có những biểu hiện như thế, chị cần phải gọi bác sĩ ngay. Đừng để hồi chuông cảnh báo cứ cất lên, mà đau lòng thay, ta thường chỉ nghe thấy khi đã thành hồi chuông báo tử!
Nếu đã xác nhận rằng con gái của chị đang gặp vấn đề nghiêm trọng thì can thiệp là việc cần thiết. Bắt đầu bằng cách nói với con rằng mẹ sẽ can thiệp và cho con biết lý do tại sao. Hãy nói với con những gì chị tìm thấy và sau đó lên kế hoạch giúp đỡ con, kể cả việc liên hệ nhà chuyên môn.