Con uống nhầm hóa chất, cha mẹ phải làm gì?

GD&TĐ - Vì sự bất cẩn của người lớn, nhiều trẻ uống nhầm phải hóa chất. Phản ứng thường thấy của nhiều cha mẹ là lập tức móc họng gây nôn hay vội vàng hô hấp cho con mà không biết vô tình đẩy con vào nguy hiểm hơn.

Con uống nhầm hóa chất, cha mẹ phải làm gì?

Nguy kịch vì bột thông bồn cầu

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành rửa thực quản, dạ dày cho bệnh nhi N.V.D. 1 tuổi ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) do ngộ độc vì ăn nhầm bột thông bồn cầu.

May mắn, bệnh nhi chỉ bị tổn thương nhẹ ở thực quản và không nguy hại đến tính mạng vì được cấp cứu kịp thời và lượng bột thông bồn cầu ít. Theo gia đình cho biết, chiều 21/4, trong khi chơi với bà ở nhà, bé ăn nhầm phải bột thông bồn cầu. Ngay khi phát hiện bé có dấu hiệu nôn, quấy khóc gia đình đã đưa đi cấp cứu.

Trước đó không lâu, một bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng nôn nhiều, đau họng, bỏng vùng miệng. Nguyên nhân do tưởng gói thông bồn cầu là gói C nên bé đã đưa lên ăn. Vào viện bé đã được cấp cứu kịp thời nên qua nguy kịch.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện cũng đã từng cấp cứu nhiều bệnh nhân ăn nhầm bột thông bồn cầu vì nghĩ là đường. Như năm 2015, tưởng bột thông cống là đường, 4 bé trai ở Hưng Yên đã uống nhầm. Các bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được. Có cháu với tiên lượng xấu được chỉ định phải cắt bỏ thực quản vì những tổn thương quá nặng.

Bên cạnh đó, không hiếm trẻ đã uống nhầm dầu hoả, xăng và các hóa chất có tính ăn mòn như axit, thuốc tẩy rửa, thuốc diệt cỏ... do tưởng nước uống vì chúng được cha mẹ đựng trong các chai nước ngọt. Nhiều trường hợp vào cấp cứu trong tình trạng bỏng rát thực quản nặng, thậm chí bỏng đến tận tá tràng. Các trường hợp này về sau có thể gây hẹp thực quản không ăn được hoặc không uống được nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), việc ăn, uống nhầm hóa chất là một dạng tai nạn khá phổ biến ở trẻ em. Chất tẩy rửa có hai nhóm là nhóm mang tính kiềm có nhiều sút và nhóm có axit. Nếu ăn, uống phải đều gây tổn thương đường tiêu hóa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau tùy loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải. Trường hợp nhẹ, phát hiện sớm và điều trị tổn thương chỉ ở mức độ viêm, đỏ, đau. Nặng hơn gây trợt, loét nông, loét sâu và thậm chí hoại tử nặng.

Biểu hiện khi trẻ ăn, uống nhầm hóa chất thường hay ho sặc sụa, đau họng, đau miệng, đau bụng, khó thở, nặng hơn là cơ thể tím tái… Ngoài ra, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt do bé đã nuốt phải một loại chất độc ăn mòn. Những hoá chất thuộc nhóm bay hơi như xăng dầu, acetone... khi uống phải sẽ gây nên tình trạng hít vào phổi gây suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi rất nặng.

Riêng bột thông cống, theo các nhà hóa học, chúng có chứa nhiều hóa chất tẩy rửa mạnh. Thành phần hóa học chính là các Sodium Hydroxite và các Potassium Hydroxite, phụ gia có các tính chất hóa học chứa chất kiềm nên có thể ăn mòn rất nhanh. Khi sử dụng cần tuyệt đối tránh để dính bột vào da hoặc vương vãi ra khắp nơi trong gia đình. Bởi lẽ các chất phân hủy này có thể ăn da tay và da chân gây nguy hiểm cho người sử dụng. Các gia đình có trẻ nhỏ, việc ăn nhầm càng nguy hiểm hơn nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Sai lầm gây nguy hiểm cho con

Nếu trẻ ăn, uống nhầm hóa chất việc sơ cứu ban đầu là rất quan trọng, tuy nhiên không ít bậc cha mẹ mắc phải sai lầm. BS Nguyễn Văn Thường (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho rằng, đa phần cha mẹ khi thấy con uống nhầm hóa chất đều rất hoảng sợ, thậm chí vội vàng hô hấp nhân tạo hay móc họng gây nôn cho con. Khi không biết hóa chất trẻ uống nhầm là gì, thực hiện những cách này sẽ gây thêm nguy hiểm cho trẻ.

Điều này là do các chất có tính kiềm, axit, xăng dầu… việc kích thích nôn làm trẻ ho nhiều hơn khiến hóa chất tràn vào khí quản. Hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp sẽ gây ngộ độc, bỏng khí quản, nặng có thể suy đa tạng nguy hiểm tính mạng. Còn khi hô hấp nhân tạo, người thực hiện vô tình lại hít phải khí này mà ngộ độc vì các chất này dễ bay hơi.

Cách xử lý an toàn nhất là cần bình tĩnh xem loại hóa chất con ăn, uống phải. Với các hoá chất bay hơi, các loại axit như nước tẩy bồn cầu, acetone… bazo (xà phòng tắm, nước rửa bát, dầu gội…) nên cho trẻ uống nước từng ngụm nhỏ để có thể trung hòa lượng hóa chất đã đưa vào cơ thể. Nhiều cha mẹ cầu kỳ pha nước chanh, nước muối hay dung dịch điện giải cho con uống nhưng không cần thiết mà mất thêm thời gian vàng sơ cứu. Điều cần lưu ý là khi uống cần tránh để trẻ bị sặc nước khi đó sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Dụ, trong trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất trong nông nghiệp thì lại phải gây nôn càng sớm càng tốt. Phụ huynh cho trẻ nằm thấp để tránh sặc vào phổi, hoặc có thể cho trẻ uống than hoạt tính để hấp thụ chất độc. Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc.

Để tránh trẻ uống nhầm hóa chất, các chuyên gia khuyến cáo:

Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Những chất có độc tính cao như các hóa chất diệt côn trùng, dung môi pha sơn… cần để những hộp riêng, có khóa, không để ở tầm với của trẻ.

Không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất. Ngược lại không đựng các hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống như Lavie, trà C2… nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp tận dụng vỏ chai nước khoáng để đựng dung dịch cần phải ghi rõ loại hóa chất, không để trên mặt bàn hoặc nơi để đồ uống và để xa tầm với của trẻ em.

Không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo không nên để trẻ tự chơi một mình nên có người lớn hướng dẫn và theo dõi chăm sóc trong quá trình vui chơi.

Theo Giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ