(GD&TĐ) - Những đứa trẻ bị tổn thương về mặt tinh thần, thể xác trong gia đình bạo lực, cha mẹ li hôn sẽ bị ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách trước mắt và tương lai sau này. Các nhà tâm lý học, các cơ quan luật pháp đã khẳng định tỷ lệ trẻ em hư hỏng, bỏ học, bị lôi kéo vào con đường phạm tội ngày càng nhiều có nguyên nhân chính do thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Hiện chưa có một thống kê đầy đủ nào về số trẻ em phải sống cảnh xa cha mẹ hay bị tổn thương về tinh thần khi gia đình đổ vỡ…
Tuổi thơ bị đánh cắp
Không biết từ khi nào bố mẹ H đã có những bất đồng, đã có những lời lăng nhục, chửi rủa rồi cả đánh đập nhau... Chỉ biết trong tiềm thức non nớt của trẻ thơ, H nhớ lúc đó anh trai H học lớp 3 còn H vẫn được ông bà thay nhau dỗ dành, chăm sóc. Lớn hơn một chút H cảm nhận được nỗi khổ của mẹ sau những trận đòn roi, mắng chửi của cha. Giờ mới 8 tuổi đầu nhưng H đã có những tháng ngày oằn mình với đòn roi tàn nhẫn của mẹ kế.
Sau khi mẹ bỏ nhà đi vì không chịu được người chồng vũ phu, luôn kiếm cớ đánh vợ sau những chuyến buôn bán thất bát, cha rước mẹ kế về sống chung. Mẹ kế bắt hai anh em H nghỉ học để đi làm kiếm tiền.
Anh trai, theo mấy bác thợ xây trong làng đi làm phu hồ. Còn H được một người hàng xóm giới thiệu làm giúp việc, bế em cho một người bà con ở Hà Nôi. Công việc trong nhà tưởng đơn giản như nấu cơm, quét dọn nhà cửa, bế em... nhưng ở thành phố mọi thứ với H đều rất bỡ ngỡ. Từ nấu cơm, quét nhà, rửa bát đều hiện đại, chưa bao giờ H được làm. Mặc dù đã mấy lần được cô chủ nhà hướng dẫn nhưng H vẫn không làm vừa lòng cô chủ. Rồi việc bế em, chăm sóc em cũng không giống như H đã từng bế em, chăm em ở nhà. Từ chế độ ăn, ngủ đến cho em chơi, H cũng làm cô chủ phật ý. H cứ nghĩ H chỉ việc cõng em đi chơi, đến bữa đưa em về nhà cho em ăn là xong nhưng trẻ thành phố đâu có giống trẻ thôn quê H. Một bữa cho em ăn có khi H mất cả buổi sáng, vì em lười ăn. Có bữa vừa cho em ăn xong bát cháo em lại nôn, chớ ra sạch, thế là H phải dỗ em ăn lại từ đầu.
Một tuần, rồi một tháng qua đi, H thấy mình quá sức và cô chủ cũng không vừa ý đã trả H về nhà. Dì ghẻ H bực tức mắng H là đồ vô dụng, và rồi những trận đòn roi lại đổ xuống đầu H...
Còn T, cậu bé bị số phận xô đẩy thành cậu bé đánh giầy kiêm trộm cắp móc túi tại bến xe. Tình cờ gặp em trong một lần đi công tác. Vừa bước chân ra khỏi phòng bán vé thì em mời: “Cô đánh giầy nhé, giầy cô bẩn, cháu đánh chỉ một lát là như mới, giá lại rẻ…”. Tôi xua tay ra hiệu không đánh. Thằng bé không bỏ đi mà cứ lẵng nhẵng theo, khi tôi rẽ vào quán nước ngồi uống chén trà vì trời nắng, xe lại chưa có khách. Thằng bé không chịu đi mà cứ lớn vởn quanh quẩn gần chỗ tôi, chợt bà chủ quán quát “đi chỗ khác làm ăn”, thằng bé đứng trân trân một lúc rồi mới bỏ đi.
Ảnh MH |
Sau khi cu cậu bỏ đi rồi bà chủ quản bảo tôi: “Thằng này chuyên móc túi, cô phải cẩn thận”. Tuy vừa nói vậy xong, bà chủ quán nước lại dịu giọng, quay sang tôi bà nói như than thân trách phận thay cho thằng bé: “vì cuộc sống biến thằng bé ra thế này!”. Rồi bà kể cho tôi nghe về cuộc đời của nó: “Mẹ nó bỏ bố con nó lên biên giới làm ăn, sau đó qua Trung Quốc lấy chồng, biền biệt gần chục năm rồi. Nó đến từ Hưng Yên, quanh quẩn làm ăn ở bến xe nay dễ thường cũng 4-5 năm nay. Lúc đầu nó cũng ngoan ngoãn, làm ăn chân thật, tôi cũng quý. Nhưng sau theo chúng bạn đầu đướng xó chợ rồi sinh hư không hút hít lại trộm cắp ấy mà. Nghĩ cũng tội, thương chúng nó mà chẳng giúp được gì. Bán hàng nước ở cái bến xe này đã lâu, tôi biết nhiều hoàn cảnh như nó lắm. Vì cuộc sống phải mưu sinh nên có những việc bất đắc dĩ vẫn phải làm. Đã có những lúc nó buồn và ân hận lắm. Muốn về lại quê hương nhưng nhà chẳng còn ai. Bố nó từ ngày vợ bỏ cũng sa vào hút hít, giờ cũng biệt tăm. Nhiều lúc buồn nó thường đến uống nước và tâm sự với tôi. Nó cũng là đứa tình cảm lắm. Nó luôn ước ao có một mái ấm thực sự để chấm dứt cuộc đời khó nhọc tối tăm này.”.
Vết thương tâm hồn
Bất cứ những hành vi bạo lực gia đình nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi bạo lực trong cách cư xử của bố mẹ cũng gây tác hại to lớn, làm tổn thương tâm thần ở trẻ em, có khi kéo dài suốt cả cuộc đời.
Người lớn không thể hiểu hết nỗi khổ và sự khiếp sợ của con trẻ khi phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Trong đầu óc non nớt của chúng mới chỉ hiểu được gia đình là chỗ che chở, bao bọc chúng bấy lâu nay, đột nhiên phải chứng kiến những cảnh cha mẹ đánh chửi nhau thì chúng chưa từng có cảm giác ấy và rất sợ hãi.
Ánh mắt thơ ngây của trẻ sẽ không còn trong sáng khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh bạo lực gia đình. Những hình ảnh bạo lực gia đình trở thành một vết thương khó phai mờ trong trí não trẻ. Khi trưởng thành, chúng khó hoà nhập với cuộc sống, dễ bị căng thẳng thần kinh, dễ bị kích động bạo lực hoặc có tư tưởng trầm uất. Những bé trai dần dần sẽ hình thành nhận thức rằng làm đàn ông có quyền đánh đập phụ nữ và rồi khi trở thành chồng cũng có cách ứng xử như vậy đối với vợ. Với các bé gái, chứng kiến cảnh mẹ bị cha mắng chửi, đánh đập thì có thể sau này sẽ cam chịu cảnh bạo lực hoặc ác cảm với đàn ông.
Khi trưởng thành, những đứa con, đặc biệt là con trai, lại có xu hướng "lặp lại" cách cư xử độc ác đó với người thân. Có lẽ đó là "di chứng" của tình trạng BLGĐ đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của họ.
Con cái trong những gia đình bố mẹ cư xử với nhau bằng bạo lực thường không có cơ hội tìm thấy sự bình an trong tâm hồn, khó hoà nhập với cuộc sống cộng đồng trong tương lai, cũng như không sao khắc phục được tư tưởng trầm uất triền miên trong cuộc sống riêng tư.
Theo các nhà nghiên cứu, trẻ từ 5 đến 10 tuổi dễ bị tổn thương tinh thần nhất. Ở lứa tuổi này, trẻ hiểu tất cả mọi việc, nhưng do còn quá nhỏ và yếu đuối nên trẻ không thể làm được gì ngoài việc bắt buộc phải chứng kiến cảnh ẩu đả của cha mẹ xảy ra trước mắt mình. Và hệ quả là sự suy sụp tinh thần và sự suy kiệt thể chất của trẻ, bởi những hình ảnh ấy tạo ra một ấn tượng kinh hoàng khó phai mờ trong trí não trẻ. Khi trưởng thành, chúng dễ trở thành người bị căng thẳng thần kinh, tính tình cục súc hoặc dễ mắc bệnh tật hơn những trẻ lớn lên trong một gia đình yên ổn.
Những con số thống kê về bạo lực gia đình ngày càng tăng. Con số ly hôn ngày càng nhiều. Trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực gia đình và bị tổn thương về thể chất và tinh thần đã và đang là vấn đề bức xúc của xã hội cần được giải quyết triệt để.
Để mỗi gia đình thực sự là một tổ ấm, các bậc cha mẹ, mỗi người nên tự biết điều chỉnh lại chính mình, sống có trách nhiệm hơn để ngọn lửa yêu thương luôn được ấm áp... Những đứa trẻ - sợi dây kết nối yêu thương luôn được bền chặt để cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng tràn ngập hạnh phúc.
Phương Thủy