(GD&TĐ) - Chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đang vấp phải những khó khăn không nhỏ, nhất là việc cắt giảm ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang là cái cớ để Tổng thống Barack Obama thuyết phục Quốc hội Mỹ tăng ngân sách quân sự, tạo cú hích cho Mỹ trở lại châu Á - Thái Bình Dương mà Trung Quốc không có lý gì để phản đối.
Sôi động trên bán đảo Triều Tiên
Từ cuối tháng 3 năm nay, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã lên tiếng đe dọa tấn công Hàn Quốc và Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Cuối tuần trước, Bình Nhưỡng khuyến cáo các đại sứ quán, phái bộ ngoại giao nước ngoài nên sơ tán nhân viên của họ ra khỏi CHDCND Triều Tiên. Đầu tuần này, hãng KCNA dẫn lời Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng không muốn nhìn thấy người nước ngoài tại Hàn Quốc trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Dù biết khá rõ rằng Bình Nhưỡng gây căng thẳng là nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán về việc dỡ bỏ cấm vận, hỗ trợ lương thực và tài chính..., tại sao Mỹ vẫn triển khai lực lượng trong khu vực? Hàng loạt tên lửa đánh chặn hiện đại được Washington bố trí bổ sung ở những nơi trọng yếu, từ Alaska đến Guam và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, tàu khu trục Fitzgerald với hệ thống phòng không hiện đại Aegis đã đến bờ biển Hàn Quốc nhằm đối phó với tên lửa của Triều Tiên - Hãng Kyodo đưa tin.
Bóng ma chiến tranh luôn rình rập trên bán đảo Triều Tiên |
Trước đó, Washington đã đưa máy bay ném bom FB-22, tàu ngầm hạt nhân USS Cheyenne và máy bay ném bom tàng hình B-2...
Washington khẳng định rằng họ cần đối xử nghiêm túc với những đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên.
Triều Tiên ở đâu trên bàn cờ địa chính trị?
Theo các nhà phân tích, tình hình khu vực Đông Bắc Á đã đẩy CHDCND Triều Tiên và Mỹ trở thành “liên minh khách quan” trong mấy chục năm qua.
Từ giả thuyết rằng mối đe dọa mang tên Bình Nhưỡng kể từ năm 1948 đã biện minh cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực. Hàng chục ngàn quân viễn chinh Mỹ đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc trong nhiều năm qua cho phép Tokyo và Seoul ít phải chi phí cho quốc phòng, rảnh tay phát triển kinh tế. Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc cho phép Mỹ lập căn cứ quân sự trên đất nước mình, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều chuốc lấy nhiều phiền nhiễu. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Okinawa liên tục biểu tình đòi loại bỏ căn cứ quân sự của Mỹ ra khỏi hòn đảo của họ.
Vấn đề thống nhất Triều Tiên lại càng trở nên nan giải hơn. Đã có lúc hai miền Nam - Bắc Triều Tiên tỏ ra thân thiện tưởng như việc thống nhất đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, việc thống nhất Triều Tiên không chỉ phụ thuộc vào ý chí và nguyện vọng của người Triều Tiên mà còn phụ thuộc vào không ít các thế lực khác.
Nhật Bản không chỉ lo sợ bởi đe dọa chiến tranh hạt nhân từ Bình Nhưỡng mà còn lo ngại một nước Triều Tiên thống nhất. Nếu hai miền Triều Tiên thống nhất sẽ nhân đôi sức mạnh địa chiến lược của đối thủ kinh tế của Nhật Bản. Chỉ tính riêng Hàn Quốc, Goldman Sachs vừa xếp nước này vào vị trí thứ 8 (vượt Đức và Nhật Bản) trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2050. Ngoài ra, một nhà nước Triều Tiên thống nhất sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của không chỉ Nhật Bản. Bao năm qua, Trung Quốc có quan hệ đặc biệt với CHDCND Triều Tiên và cũng từ mối quan hệ đặc biệt này, Bắc Kinh hưởng lợi khá nhiều trong các cuộc mặc cả với các cường quốc trên thế giới. Hơn thế nữa, Triều Tiên luôn là tiền đồn của Trung Quốc ở phía đông, nơi có tới 30 ngàn quân Mỹ đồn trú. Rõ ràng, Bình Nhưỡng đang như một nắm đấm của Bắc Kinh ở phía đông bắc, giúp họ rảnh tay giải quyết vấn đề Đài Loan - cái gai trong quan hệ Trung -Mỹ bấy lâu nay. Hơn ai hết, Bắc Kinh thừa hiểu những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là cái cớ để quân Mỹ kéo đến châu Á - Thái Bình Dương, nhưng họ không thể làm khác được.
Với Mỹ thì sao? Thời gian gần đây, giới phân tích nhắc nhiều đến cái mà họ gọi là “trò chơi hai mặt” của Washington với Bình Nhưỡng. Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ không rốt ráo ngăn chặn “nguy cơ hạt nhân” từ CHDCND Triều Tiên như đã làm với Iraq, Lybia? Quả thật, Mỹ đã cố tình làm ngơ chuyện này, để đến bây giờ dù không muốn vẫn phải thừa nhận Triều Tiên đã là cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Bao năm qua, Triều Tiên luôn là “kẻ thù hữu ích” của Washington. Cái gọi là “mối đe doạ từ Triều Tiên” đã giúp Mỹ có lý do rải quân khắp các nước phụ cận Trung Quốc - đối thủ địa chính trị duy nhất có khả năng lật đổ vị thế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trong nhiều năm, bóng ma chiến tranh luôn rình rập trên bán đảo Triều Tiên. Đất nước Triều Tiên bị chia cắt, nhân dân luôn sống trong lo sợ về một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chỉ có các cường quốc được hưởng lợi mà thôi.
Duy Long (TH)