CÔN ĐẢO - Ngày trở lại

CÔN ĐẢO - Ngày trở lại

(GD&TĐ) - Trước đây, tôi đã từng được nghe, được biết về Côn Đảo qua những trang sử hào hùng của dân tộc, qua các tác phẩm văn học như Đập đá ở Côn Lôn của nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, những trang hồi ký Bất khuất của cựu tù Côn Đảo Nguyễn Đức Thuận… nhưng tôi không thể hình dung được sự tàn khốc và những mất mát, đau thương đã diễn ra trên mảnh đất này.

1. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi ở Côn Đảo là nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị tù đày từ những năm 1862 đến năm 1975 đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Hiện ở nghĩa trang Hàng Dương có 1921 mộ, trong đó có 25 mộ tập thể, 713 mộ có tên, 1208 mộ khuyết danh, và còn hàng ngàn anh linh khác đang bị vùi lấp chưa tìm kiếm được. Có thể nói rằng, dưới mỗi gốc cây, dưới từng thảm cỏ và dưới mỗi tấc đất mà chúng ta vô tình đặt chân lên đều là nơi yên nghỉ của các tù nhân cách mạng Côn Đảo.

Chúng tôi quây quần bên mộ chị Sáu để nghe hướng dẫn viên kể về cuộc đời huyền thoại của chị, từ tuổi thơ lam lũ trên quê hương Đất Đỏ giàu truyền thống cách mạng đến những trận đánh dũng cảm, táo bạo của chị cùng đồng đội, những giây phút kiên trung đối mặt với kẻ thù, những giây phút lạc quan trong nhà tù đế quốc và khí phách hào hùng oanh liệt trước pháp trường... Đã từ lâu chị Sáu được coi như một vị thánh trong đời sống tâm linh của người dân Côn Đảo.

Theo lời kể của nhiều người, chị Sáu rất linh thiêng, nếu viếng mộ chị lúc nửa đêm, mọi nguyện cầu sẽ có sự linh ứng. Chúng tôi quyết định đến viếng mộ chị thêm lần nữa, một phần để trải nghiệm không khí về đêm nơi đây, một phần để cầu mong sự tốt lành cho bản thân, gia đình, đồng nghiệp và quê hương, đất nước.

Đúng 12 giờ đêm, chúng tôi quay trở lại nghĩa trang Hàng Dương. Trên hàng ngàn ngôi mộ, những ngọn đèn năng lượng mặt trời lung linh tỏa sáng như những vì sao. Tiếng xào xạc của hàng dương trong gió như tiếng vỗ tay đón chào của các liệt sĩ. Trước mộ chị Sáu, từng đoàn người xếp hàng lặng lẽ, những nén hương được thắp lên cùng với những lời cầu nguyện đã làm cho không gian trở nên huyền ảo.

 

2. Chúng tôi đến thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” và cũng là nơi lưu giữ chứng tích tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đầu tiên chúng tôi đến tham quan trại Phú Hải, trại tù lâu đời nhất tại Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng. Nơi đây đã từng giam giữ các chiến sĩ cách mạng kiên cường như các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ và các sĩ phu yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế. Bước vào các phòng giam tập thể, các khám xà lim ngột ngạt và hầm xay lúa, tôi không tránh khỏi bàng hoàng, xúc động và tim nhói đau khi bắt gặp cảnh đọa đày các tù nhân được tái hiện lại qua những hình người mô phỏng. Tôi càng kính phục nghị lực, ý chí sắt đá và tinh thần kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước.

Đến tham quan trại Phú Tường, bên trong là cả “hệ thống chuồng cọp kiểu Pháp”. Tôi không khỏi rùng mình và xót xa khi được nghe hướng dẫn viên miêu tả lại những hình thức tra tấn và tàn sát tù nhân của bọn cai ngục, đã có nữ tù tự rạch bụng mình để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù.

Chúng tôi tiếp tục đến tham quan trại Phú Bình, nơi có 384 “chuồng cọp kiểu Mỹ” và điểm tham quan cuối cùng là khu “Biệt lập chuồng bò”, nơi mà bọn cai ngục đã sử dụng hầm phân bò sâu ba mét để tra tấn và ngâm các chiến sĩ cộng sản, làm tù nhân sặc phân bò đến chết.

Đến với nghĩa trang Hàng Dương, đến với cụm di tích nhà tù Côn Đảo, tôi mới thấu hiểu được cội nguồn và ranh giới giữa cái ác và cái thiện, giữa cái chính nghĩa và phi nghĩa. Những chứng tích tội ác này sẽ mãi mãi là địa chỉ giáo dục tinh thần yêu nước thiết thực nhất cho thệ hệ trẻ hôm này và cả mai sau.

Trần Thị Tuyết Mai (Đại học Huế)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ