Con chung trong hôn nhân nhiều tập

Bức tranh gia đình chỉ thực sự toàn vẹn, lung linh khi được tô vẽ bởi sắc màu con cái. Ngay cả trong hôn nhân nhiều tập - dù đã có những đứa trẻ của riêng mình - thì con chung vẫn là niềm khao khát. 

Con chung trong hôn nhân nhiều tập

Nhưng, đâu phải ai cũng sẵn lòng cho hành trình mang tên “con của chúng mình”…

Khát khao

Bước vào cuộc hôn nhân mới, khi đã từng “tháo chạy” khỏi cảnh đổ nát từ một cuộc hôn nhân; trên tất thảy, điều khiến người ta lo nghĩ, là phải toan tính làm sao cho chu toàn quan hệ: con anh - con tôi - con chúng ta. 

Thế nên, bỏ qua những yếu tố khách quan về sức khỏe, tuổi tác, hoàn cảnh kinh tế…, có đến trăm ngàn lý do để nói không trước quyết định có hay không có con chung. Mà, lý do nào cũng trở thành ích kỷ khi từ chối nỗi khát khao khắc khoải của người mới.

Chị Nhã Lan (33 tuổi, H.Nhà Bè, TP.HCM) kể, khi chị “thủ thỉ” chuyện sinh con thì y như rằng, phản ứng của anh Minh Quang - 38 tuổi, chồng chị hoàn toàn giống với điều chị tiên liệu. Anh tròn mắt, giãy nảy: “Con cái gì nữa. Hai đứa vẫn không đủ cho em chăm sóc hay sao?”. Rồi anh “khai sáng” thêm: “Em cứ nuôi dạy, thương yêu các con anh như núm ruột của mình; sợ gì chúng bỏ rơi em”. 

Chị Lan lập gia đình cách đây ba năm; khi ấy, anh Quang đã có gần hai năm làm ông bố đơn thân, sau cuộc hôn nhân đầu thất bại. Không đếm hết bao trở ngại, khó khăn đòi hỏi phải rất nỗ lực, cố gắng; chị Lan mới có thể khép dần khoảng cách với hai con riêng của chồng - sáu và tám tuổi.

Càng chung sống, chị với hai đứa trẻ càng gần gũi, quấn quít, yêu thương nhau. Nhưng, con anh vẫn là con anh. Không phải chị Lan lo sợ ngày nào đó chuyện hiếu đễ của các con chồng đối với mình thành món quà xa xỉ. 

Chị vừa cố gắng núm níu, chắt chiu yêu thương trao gửi để “ngăn” không cho ngày ấy đến, nhưng vẫn vừa mong một đứa con chung. Càng nuôi dưỡng, chăm sóc con của người, nỗi thèm khát đứa con do mình mang nặng đẻ đau càng bỏng cháy.

Làm chủ một công ty, thu nhập ở ngưỡng đáng mơ ước; với anh Quang, sinh thêm một đứa con không phải là trở ngại. Vấn đề nằm ở chỗ, anh… bằng lòng với việc đã có hai con riêng. Cho rằng thành viên mới - đứa con chung - xuất hiện chỉ thêm xáo trộn nếp sinh hoạt, tình cảm… ổn định hiện thời, anh Quang không quan tâm đến mong mỏi của chị Lan.

Khi đến với nhau, anh Quốc Khương (42 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) và chị Ngọc Khánh (34 tuổi) đều từng một lần “đắm” đò. Chị Khánh được quyền trực tiếp nuôi đứa con năm tuổi; trong khi hai con riêng của anh Khương cùng về sống với mẹ. 

Xác định tuổi của chị Khánh không còn trẻ nên sau hai tháng kể từ ngày đám cưới, anh Khương nhiều lần đề nghị vợ sớm nghĩ đến sinh con. Ậm ừ mãi cho qua chuyện, để rồi, trong một cuộc nói chuyện nghiêm túc, chị Khánh thẳng… ruột ngựa: “Sự nghiệp đang lên, em không thể dừng lại. Mà chúng ta cũng đã có những đứa trẻ của mình, việc sinh thêm con có cần thiết không?”.

Anh Khương… há hốc. Mặc dù yêu vợ, anh Khương học cách trở thành người cha hoàn hảo của con riêng chị Khánh; cũng không chê vào đâu trong giao đãi của chị Khánh với hai con riêng của chồng.

Nhưng, người mình yêu sinh cho mình những đứa con - mang hình hài, dáng dấp, nét mặt, cá tính của mình là nỗi trông mong đang từng ngày giày xé anh Khương. Ấy vậy mà, hễ anh bày tỏ tâm tư là chị gạt.

“Cúi xuống” để… “thấy” nhau

Chung sống gần hai năm, một hôm chị Khánh mới giật mình, nghĩ: “Có lẽ phải sinh con cho chồng”. Chị gọi cho người bạn là bác sĩ để thăm hỏi những can thiệp, thăm khám y khoa trong lộ trình mang thai, sinh con vì biết rằng tuổi của mình đang ở “ngưỡng” cảnh báo.

Cơn giật mình của chị Khánh khởi nguồn từ tin nhắn - chị nhận ra là không biết từ lúc nào đã trở thành thông báo mỗi chiều của anh Khương: “Mẹ con em ăn cơm trước. Anh về trễ, tự lo được, không phải để phần!”. Chị Khánh hiểu rằng, dường như, mái gia đình này chỉ mang tính… lắp ghép, nên có cảm giác rời rạc, tạm bợ.

Tình yêu anh chị dành cho nhau là thứ duy nhất neo giữ cuộc chung sống này; nhưng tình yêu trong hôn nhân, suy cho cùng, qua năm tháng phải gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm trong mối ràng buộc, quan tâm chung là con cái. Mà anh còn đó vẹn nguyên nỗi khát khao đứa con chung với chị thì lấp sao cho hết khoảng trống kia; dù anh vẫn hết lòng thương yêu, chăm sóc đứa con riêng của chị. 

Lúc này, trong chị Khánh lại thêm nỗi lo khi có con với nhau rồi, liệu có tình trạng “phân biệt đối xử” nào diễn ra trong tổ ấm không?

Con cái là món quà, kết tinh của tình yêu, giúp cho cuộc chung sống thêm đậm đà, gắn kết. Hôn nhân… tập nào thì ngoại trừ những lý do khách quan nên không thể có con, bất cứ ai cũng muốn được “ràng buộc” bởi đứa trẻ mang gương mặt, hương vị tình yêu của mình với đối phương. 

Nhưng, thực tế, trong những cuộc hôn nhân này, điều rốt lại phải bàn, đáng bận tâm nhất vẫn là nỗi lo sẽ phải đương đầu với bài toán mối quan hệ giữa con riêng - con chung. Thành thử, dù cho người trong cuộc có phải vẽ ra trăm ngàn lý do để từ chối có con, cuối cùng vẫn tựu về nỗi ái ngại phải giải bài toán khó nói trên. Mà, vì tránh né bài toán ấy, không ít người sẵn sàng khoác chiếc áo lạnh lùng, ích kỷ, nhẫn tâm với người phối ngẫu.

Cũng biết, khi đã có con chung - bên cạnh những đứa trẻ riêng - là một hành trình thực tế khác, với các nghệ thuật ứng xử, nuôi dạy, chung sống khác sao cho đạt đến sự dung hòa, công bằng. 

Nhưng, khoan hãy nghĩ đến hành trình ấy; trước tiên, việc phải làm là hãy “cúi xuống” để “nhìn thấy”, thấu cảm tâm tư, nỗi lòng của nhau; để từ đó sẻ chia và tìm cách tháo gỡ, đi đến sự đồng thuận. Bởi, đây mới là nền tảng tiên quyết cho một cuộc gắn bó lâu dài.

Theo Phụ nữ Online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ