Con chung - con riêng

Con chung - con riêng

(GD&TĐ) - Điều gì xảy ra khi những đứa trẻ không cùng chung huyết thống trở thành anh em trong một mái nhà? Đã có rất nhiều câu chuyện buồn vui phía sau mối quan hệ vốn không dễ thở và tiềm ẩn những đợt sóng ngầm ấy. Thậm chí sóng ngầm ấy có khả năng cuốn phăng một mái nhà, dìm xuống biển đen tan vỡ...

Khi mới lấy nhau, anh Thanh không quan trọng chuyện con chung con riêng. Nhưng rồi thuở ban đầu nồng nàn qua đi, những lúc va chạm với vợ, anh nhậu say về và lôi gốc gác con trai vợ ra đay nghiến, và trút lên nó những trận đòn hằn học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau ba năm làm dâu, chị Quyên quyết định ly dị vì không chịu nổi người mẹ chồng cay nghiệt và anh chồng nhu nhược, vũ phu. Ở cái tuổi “đang xoan” cùng với vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ một con, chị vẫn đủ sức thu hút nhiều người đàn ông khác. Một trong số đó là anh Thanh. Anh đề nghị nuôi cả con chị nếu chị lấy anh.

Thuở ban đầu, tình yêu còn nồng nàn nên việc “mua trâu được nghé” không là chuyện quan trọng. Anh Thanh vẫn thương yêu cu Bi nhưng cuộc sống chung không tránh khỏi va chạm. Những lúc ấy, anh nhậu say về và lôi gốc gác thằng bé ra đay nghiến, trút lên nó những trận đòn hằn học. Biết thân mình và thương mẹ, thằng bé chẳng bao giờ làm trái ý bố dượng, cũng không hề oán thán mẹ.

Không muốn ly dị lần nữa nên chị Quyên cố nhịn. Được thể, anh Thanh càng làm tới. Anh bắt cu Bi làm đủ việc, không để nó được vui chơi như bao đứa trẻ khác. 6 tuổi, thằng Bi đã biết xách chai đi mua rượu cho bố, 10 tuổi phải tự trông em - đứa con ruột mà anh Thanh cưng chiều hơn hẳn - và làm vô số việc nhà. 14 tuổi, thằng Bi không được đi học mà phải phụ mẹ bán rau ngoài chợ. 17 tuổi, Bi đi bụi đời. 

Hoàn cảnh gia đình chị Lan còn khó xử hơn. Khó xử là bởi chồng và các con của chồng đều nhuốm màu phân biệt đối xử với hai mẹ con chị. Khi các con tị nạnh nhau làm việc nhà, anh Kiên luôn miệng nói “em nhắc con em đi, để anh nhắc hai đứa nhà anh”  chị vừa bực lại vừa buồn cười. Không biết có phải lây tính của bố hay không mà hai con của anh động một chút là mách: con của dì thế nọ, con của dì thế kia…hay “khi trước mẹ con không làm như dì, không nói như dì…” làm Lan thấy ức chế và khó chịu.

Nuôi con của người khác không hề là chuyện mới, với truyền thống nhân ái của người Việt, từ xưa nhiều gia đình tuy đã đông con vẫn nhận nuôi những đứa cháu côi cút, hoặc những đứa trẻ tuy không cùng dòng máu nhưng cha mẹ chúng thất cơ lỡ vận không nuôi nổi cũng được cho người khác làm con nuôi.

Thế nhưng “cha kế, mẹ kế” thường để lại nhiều giai thoại, đặc biệt là người phụ nữ, từng bị chiết danh với từ “mẹ ghẻ”, tạo ra một thành kiến không dễ đập bỏ, dù cũng có những người mẹ kế tốt không kém gì mẹ ruột.

Chị Liên lấy chồng khi 28 tuổi. Khi đó, chồng chị đã có một đời vợ, 2 đứa con gái riêng. Anh chị đến với nhau đúng theo kiểu sét đánh và quyết định kết hôn của hai người đã làm bố mẹ chị phải đi bệnh viện vì buồn phát ốm. Nhưng đám cưới vẫn diễn ra. Rất may là cả hai cho đến giờ, khi đã có với nhau 2 đứa con đều không cảm thấy ân hận, và tình yêu khi vượt qua thử thách càng có trở nên vững bền. Nhưng chị Liên phải đối diện với một thử thách thật khó khăn, đó là sống chung với hai đứa con của anh ấy.

Lâu nay, chị chỉ nghĩ đơn giản nếu đối xử tốt với trẻ thì nó sẽ tốt lại với mình nhưng hóa ra không phải. Và chị nhận ra, nó rất khó chịu với sự tồn tại của hai đứa em, khi chị vắng nhà nó thường xuyên tìm cách hành hạ đứa lớn, đứa thứ hai bé quá nên có lẽ nó đã bỏ qua. Chị đem chuyện nói với chồng vì không còn cách nào khác. Anh rất thông cảm với nỗi khổ của chị. Anh nói chuyện với đứa nhỏ thì nó vẫn hồn nhiên trả lời: “Dù sao đó cũng chỉ là “dì ghẻ” không phải mẹ của con!”

Theo các chuyên gia tâm lý, việc gạt bỏ cái tôi ích kỷ để thực sự yêu thương, chia sẻ, bù đắp cho nhau là “liều thuốc” hữu hiệu tránh mọi sự xung đột. Chính sự hy sinh, dẹp bỏ những toan tính, ích kỷ tầm thường sẽ là cầu nối giúp cho hạnh phúc mãi được bền lâu.  Cũng theo các chuyên gia tâm lý, sống trong một gia đình hạnh phúc, đầy ắp yêu thương, đứa trẻ thường phát triển thuận lợi. Ngược lại, nguy cơ khiếm khuyết về mặt tinh thần sẽ ảnh hưởng đến tính cách cũng như quan niệm sống của những đứa trẻ bị đối xử phân biệt. Ở mức độ nhẹ, những đứa trẻ này thường tự ti, mặc cảm, cô lập mình. Nguy hiểm hơn, tâm lý hằn học, thù hận sẽ giày xéo tâm hồn trẻ thơ khiến chúng như con nhím xù lông trong cách cư xử với mọi người.

Linh Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ