Coi chừng yếu “tinh binh” vì… thuốc lá

GD&TĐ - Đứa con đầu đã 12 tuổi mà đợi mãi, đứa thứ hai vẫn chưa thành hình, lo lắng vợ chồng anh Huy (TPHCM) đưa nhau đến bệnh viện khám. Kết quả vợ ổn, chỉ anh là… yếu.

Coi chừng yếu “tinh binh” vì… thuốc lá

Tìm hiểu những nguyên nhân liên quan đến lối sống của anh, bác sĩ đã tá hỏa khi nghe mỗi ngày con bệnh của mình đốt đến… gần hai gói thuốc lá!

Những trường hợp như anh Huy không phải là hiếm. Qua kinh nghiệm thăm khám của mình, một chuyên gia về hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ TPHCM cho biết trong các cặp vợ chồng tới khám hiếm muộn có không ít ông chồng… nghiện thuốc lá!

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Sinh sản Aberdeen (Scotland) sau khi nghiên cứu trên 16.000 mẫu tinh dịch của 7.500 đàn ông trong vòng 13 năm đã thấy rằng lượng tinh trùng trong tinh dịch nam giới ngày nay đã sụt giảm gần 1/3 so với những năm trước 1989 (từ 87 triệu tinh trùng/ml tinh dịch trước năm 1989 xuống còn 62 triệu năm 2002) và có khả năng sẽ sụt giảm hơn nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp. 

Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra cảnh báo chính thức về tác hại rõ rệt của rượu và thuốc lá lên chất lượng tinh trùng, trong đó, thuốc lá được liệt vào diện khắc tinh của “tinh binh”.

Vậy, thuốc lá đã ảnh hưởng đến tinh binh như thế nào? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất chuyển hoá chính của khói thuốc (là những chất trong khói thuốc được hít vào rồi chuyển hoá trong cơ thể) được tìm thấy trong tinh dịch. Thậm chí một số chất còn tập trung tại đây (cotinine, trans 3 hydroxycotinin). 

Các thành phần của thuốc lá tìm thấy trong tinh dịch có những chất có thể kìm hãm sự hoạt động của hệ thống enzym choline acetyltransferase, enzym này cần thiết cho tinh trùng có thể hoạt động được. 

Nam giới hút thuốc so với những người không hút thuốc thì có nồng độ testosterone thấp (hormon này cần thiết cho việc sản xuất tinh trùng) và làm tăng nồng độ hormon kích thích nang (hormon nữ hoá). 

Đối với người từ bỏ thuốc trong vòng 6 tháng thì mật độ tinh trùng sẽ được cải thiện. Một nghiên cứu tổng quan kết quả 20 nghiên cứu của Vine và cộng sự. (1994) cho thấy so với người không hút thuốc, mật độ tinh trùng của người hút thuốc giảm 13% (CI: 8 -21%).

Một số nghiên cứu khác cũng đã phát hiện ra phần trăm tinh trùng của người hút thuốc không di chuyển bình thường cao hơn. Để quá trình thụ thai xảy ra, tinh trùng cần phải di chuyển bình thường để tới buồng trứng. 

Người hút thuốc cũng có xu hướng ít số lượng tinh dịch hơn người không hút thuốc. Người nghiện thuốc có thể phải gánh chịu nặng nề hơn về ảnh hưởng này. 

Giảm khả năng phóng tinh dịch có thể do ảnh hưởng của nicotin tới hệ thống thần kinh, làm suy yếu hệ thống thần kinh liên quan tới khả năng phóng tinh dịch. 

Nguyên nhân thứ hai có thể do giảm lượng kích thích tố sinh dục nam của người hút thuốc. Sự giảm lượng kích thích tố sinh dục nam có thể là do giảm sự kích thích của túi tinh và số lượng phóng tính thấp.

Không chỉ giảm chất lượng “tinh binh”, nam giới hút thuốc có tỷ lệ bạch cầu trong tinh dịch lớn hơn ngay cả khi không bị viêm nhiễm. Điều này dẫn đến tinh trùng của người hút thuốc ít có khả năng đi vào buồng trứng. 

Đáng ngại là hiện nay đã có một số bằng chứng đáng tin cậy kết luận những người hút thuốc có tỷ lệ tinh trùng dị dạng cao hơn. Điều này có thể dẫn tới sảy thai, thai nhi dị tật bẩm sinh, hoặc biến chứng khi sinh. 

Đáng lo ngại là nhiều năm hút thuốc có thể dẫn tới chứng liệt dương hoặc ảnh hưởng khả năng cương cứng. Bằng cơ chế tương tự, hút thuốc gây tắc nghẽn mạch máu ở tim đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, hút thuốc cũng là một trong những nguyên nhân cốt lõi của bệnh xơ vữa động mạch trong mạch máu của dương vật. 

Theo GS.TS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen hút thuốc lá gây rối loạn tình dục và vô sinh ở nam giới. 

Cụ thể những người hút thuốc có nguy cơ bị liệt dương cao gấp 2 lần so với nhóm không hút. Nguyên nhân là những chất độc trong thuốc lá gây xơ vữa động mạch ở dương vật, làm giảm tưới máu, từ đó gây bệnh liệt dương do mạch máu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ