Hầu hết chúng ta có thói quen giặt quần áo khi mới mua về và trước khi mặc. Cũng có một số người kiên quyết nói “không” với việc này, phần vì lười biếng, phần vì cảm thấy không thật sự cần thiết. Đối với họ, “mới” đồng nghĩa với “sạch”.
Để có một cái nhìn khách quan hơn, chúng ta hãy cùng nghe ý kiến của các chuyên gia về việc có nên giặt quần áo mới trước khi mặc hay không.
Lindsey Bordone - Bác sĩ da liễu - chia sẻ rằng cô luôn giặt tất cả những quần áo mới mua, cho dù là mua online đi chăng nữa. Lý giải của cô về thói quen này là nhằm loại bỏ bớt vi khuẩn từ những người đã thử quần áo trước ấy, và cũng để loại bỏ chính những hóa chất từ trên vải. Thuốc nhuộm và hóa chất được sử dụng với nhiều quần áo có thể gây kích ứng da, nhất là với những làn da nhạy cảm.
Khi quần áo được vận chuyển, chúng sẽ được bảo quản cùng với một số chất giúp ngăn nấm mốc xâm nhập khi độ ẩm bị thay đổi. Một trong các chất ấy là formaldehyde, được sử dụng với mục đích ngăn ngừa nấm mốc và giúp cho quần áo bớt nhăn.
Chất này thường được tìm thấy trong khói của các đám cháy rừng, khí thải ô tô hay khói thuốc lá, và đã được chứng minh là có thể gây phát ban.
Một số hóa chất trên quần áo có thể gây kích ứng da
Hầu hết các quốc gia đều quy định lượng formaldehyde được phép sử dụng trong quần áo, tuy nhiên trong một cuộc nghiên cứu năm 2010 của một tổ chức thuộc chính phủ Mỹ, người ta tìm thấy nhiều quần áo được bán tại Mỹ có nồng độ các chất hóa học vượt quá ngưỡng quy định. Tiếp xúc với các chất này, điển hình là formaldehyde sẽ gây dị ứng và viêm da, nếu quần áo không được giặt trước khi mặc.
Giặt quần áo mới mua trước khi mặc cũng có thể giúp bạn thoát khỏi nguy cơ dị ứng do tiếp xúc với các loại thuốc nhuộm. Theo bác sĩ Lindsey Bordone, một số chất, điển hình như thuốc nhuộm màu xanh có thể gây kích ứng da cho nhiều người và bạn nên giặt quần áo một vài lần để loại bỏ hết chỗ thuốc nhuộm này đi.
Nói về việc quần áo mới truyền virus, vi khuẩn hay các bệnh nhiễm trùng từ người này sang người kia, bác sĩ da liễu Will Kirby nói rằng không hẳn không thể, nhưng nguy cơ này là vô cùng nhỏ.
Vi khuẩn, virus và nấm thực ra không lây truyền qua đường quần áo. Nguy cơ bạn bị lây nhiễm khi chạm vào cánh cửa dẫn vào các shop là nhiều hơn, bởi khi quần áo chỉ chạm nhẹ vào da của người này thì việc nó lây truyền các mầm bệnh sang người kia là vô cùng, vô cùng hiếm có.
Nguy cơ lây lan mầm bệnh, virus, nấm mốc qua quần áo là việc gần như không thể
Tuy nhiên, bác sĩ Kirby cũng cảnh báo rằng, nếu bạn mặc những trang phục tiếp xúc với những bộ phận nhạy cảm như đồ bơi, đồ lót thì lại khác. Nguy cơ lúc này sẽ được đẩy cao hơn một chút với lý do vùng da ở những khu vực nhạy cảm có nhiều khả năng truyền nhiễm hơn hẳn.
Và sau khi lắng nghe ý kiến từ hai chuyên gia da liễu, chúng ta có thể chốt lại rằng, việc giặt quần áo khi mua về sẽ giúp chúng ta tránh khỏi nguy cơ viêm da, dị ứng, đặc biệt với những ai có làn da nhạy cảm.
Tuy nhiên, việc lây lan virus, vi khuẩn hay căn bệnh gì đó chỉ với việc mặc quần áo mới mà không giặt thì gần như không có khả năng. Và giờ thì bạn đã giải tỏa được nỗi băn khoăn của mình chưa?
Ngoài việc lựa chọn chất tẩy rửa, cách giặt thì việc giặt đồ với tần suất như thế nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng của quần áo sau mỗi lần giặt.
Những cơn mưa dai dẳng và khí trời ẩm ướt luôn làm bà nội trợ phiền lòng vì quần áo lâu khô và dễ ẩm mốc. Bốn mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn giữ quần áo cả gia đình luôn thơm mát vào ngày mưa.