(GD&TĐ)Cồn Cỏ - Cái tên hòn đảo nhỏ ở Quảng Trị có diện tích chỉ nhỉnh hơn 2 km² đã gợi lên tình cảm hết mực thân thương trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đó còn là cái tên tiêu biểu cho tinh thần kiên cường trong đánh giặc cứu nước đã 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng.
Tôi đến Cồn Cỏ vào một ngày cuối tháng 5 trời yên biển lặng. Thời tiết đã ủng hộ đoàn chúng tôi vì những ngày gần đó miền Trung mưa liên miên. Từ Cửa Tùng, tàu mất gần 3 tiếng đồng hồ để ra tới đảo. Đây là chuyến đi mà tôi mong đợi từ lâu lắm rồi, từ ngày tôi mới đôi mươi, khi là tân binh tại mặt trận B5 khói lửa. Tôi vẫn nhớ ngày đó, trên đường hành quân, những giai thoại về hòn đảo Cồn Cỏ anh hùng được kể cho nhau nghe rất nhiều và tôi đã ao ước một lần được bước chân đến mảnh đất thiêng liêng và cũng đậm chất truyền thuyết ấy.
|
Cồn Cỏ chỉ cách bở biển Cửa Tùng khoảng 30 km, đó là khoảng cách không quá xa đối với người đi biển và không quá gần cho những người thích đi tìm một nơi cách biệt với không khí rặt biển đảo. Đứng từ nơi cao nhất trên đảo, nhìn về phía tây, ta sẽ thấy rõ màu xanh của rừng phi lao ven biển cửa Tùng và cát trắng trước thềm địa đạo Vịnh Mốc. Phía tây nam là một dải bờ nam sông Bến Hải. Nếu trời trong thì ta còn có thể nhìn thấy dãy Trường Sơn tím nhạt một màu hư ảo. Chính vì ở vị trí đó mà Cồn Cỏ như tiền đồn giữa vĩ tuyến 17 trấn giữ phía đông Tổ quốc. Trong chiến tranh chống Mỹ, đảo bị phá hoại nặng nề. Đất mẹ bị hàng ngàn tấn bom giày xéo, máu đỏ chảy xuống nhuộm đỏ cả những rặng san hô dưới đáy biển. Người ta ước tính, trong chiến tranh, lượng bom ném xuống trên mỗi đầu người ở Cồn Cỏ là gần 40 tấn, một con số quá khủng khiếp.
Cồn Cỏ trở thành huyện đảo từ năm 2004, chính thức chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự. Ngày mới thành lập có một đội thanh niên tình nguyện ra đảo, trở thành thế hệ dân đảo đầu tiên, góp công, góp sức xây dựng đảo ngày một phát triển. Dân số huyện đảo ngày thành lập là 400 người, rồi thế hệ thứ hai ra đời đem lại những tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ thật ấm áp. Trường mầm non Hoa Phong Ba cũng vì những mầm non mới nhú của đảo mà dựng nên.
|
Cho đến tận ngày ra đảo, tôi mới thấu hiểu cảm giác sung sướng và hạnh phúc của người đi biển khi nhìn thấy đất liền là như thế nào. Mặc dù thời gian lênh đênh trên biển không dài nhưng cũng đủ để tôi trải nghiệm từ cảm giác chênh chao mới lạ trên sóng nước cho đến cảm giác thèm được bước vững vàng trên mặt đất. Cồn Cỏ có nhiều tên lắm: Hòn Cọp, Hòn Mệ, Thảo Phù... những cái tên gắn với những sự tích của đảo hay đơn giản là con người gọi tên theo ấn tượng của mắt nhìn. Từ xa, hỏn đảo giống như trảng cỏ xanh non bồng bềnh giữa biển. Tiến gần hơn đảo lại trông giống con cọp đang vờn bắt bóng mặt trời.
Thuyền vào bến đỗ. Cái nắng ban trưa trở nên gay gắt hơn. Mặt biển sáng loá cả mắt. Sóng biển vỗ oàm oạp vào những bãi đá đen. Nhìn những chiếc thuyền thả neo nằm nghỉ trong âu thuyền đem lại cho tôi cảm giác thật bình yên. Màu xanh của rừng cây trên đảo mát cả mắt. Dưới ánh nắng tràn trề, cây cối giống như được khoác lên một lớp áo xanh lấp lánh.
Chúng tôi được đến thăm doanh trại của các chiến sĩ đồn biên phòng, được ngắm những vườn cây tự cung tự cấp mà trong lòng đầy ngưỡng mộ. Vườn rau xanh tốt, hàng chuối cây nào cây nấy lặc lè vì những buồng nặng trĩu. Thế mới biết bộ đội ta không chỉ giỏi trong chiến đấu mà còn xuất sắc trong sản xuất. Được biết, trên đảo, những ruộng bí ngô của dân và quân thu được năng suất rất cao, mỗi năm thu được vài ba tấn quả. Ngoài ra, quân và dân còn trồng khoai sắn, nuôi lợn, nuôi bò...
Mặc dù đảo nhỏ nhưng thực vật tự nhiên rất phong phú. Rừng chiếm 3/4 diện tích và đó cũng là lá phổi mà dân đảo quyết giữ không để con người cũng như tự nhiên xâm hại. Ngoài đồi tranh rậm rạp, rừng còn có những loài cây lạ như cây "dầu máu", là loại cây có nhiều đốt, da nhẵn như thân cây ổi nhưng rất to và cao, gỗ cứng và nặng, nhựa cây có màu đỏ như máu. Xen lẫn giữa những cây cổ thụ 3, 4 người ôm là loài khoai dại lá to như cái ô. Trên đảo còn có những giống cây ăn trái như đu đủ, dâu da, dừa...Dừa là loài cây phù hợp với khí hậu biển nên vào năm 1989 đã được Tỉnh đoàn Quảng Trị đem 4000 cây trồng trên đảo tượng trưng cho 4000 năm dựng và giữ nước.
|
Đến đảo Cồn Cỏ có hai loài cây rất đặc trưng đó là cây phong ba và cây bàng vuông. Cây phong ba mọc nhiều hai bên đường chạy quanh đảo. Cây phong ba mọc lên rất xanh tốt, cành lá sum suê đan vào nhau như che chắn cho đảo nhỏ. Nhìn qua cây phong ba giống như cây hoa sữa nhưng tán cây mọc từ thân cây sát mặt đất tạo thành những bụi cây cao. Hoa cũng mọc thành từng chùm gồm nhiều vòi dài với những bông trắng xanh bé xíu. Cuối tháng 5 hoa đã nở nhiều. Người trên đảo bảo rằng tháng 6 mới đúng mùa hoa phong ba. Lúc đó chắc khung cảnh sẽ còn tuyệt vời hơn nhiều.
Cây bàng vuông nhìn cũng không khác cây bàng trong đất liền là mấy. Chỉ khác là cây bàng ở đảo các cành, các tán không mọc cao ở trên mà chia nhánh ngay gần gốc để tạo cái thế vững chãi trước gió biển. Quả bàng to khoảng bằng nắm tay, đầu cuống nhọn, đầu còn lại hình vuông hoặc hình lục giác. Lá bàng to, dày và đổi màu theo mùa rất đẹp.
Cua đá cũng là một trong những biểu tượng của đảo. Hình ảnh con "cá đua" đã được đưa vào thơ ca nên ai đến đảo cũng mong ước được nhìn thấy cái con " có 8 cái que, có 2 cái càng " và được nếm thử đặc sản cua đá. Nhưng giờ tìm ra một con cua thôi cũng không phải dễ. Cua đá đã được đưa vào danh sách cần được bảo vệ của đảo để tránh bị tuyệt chủng một giống cua quý. Mặc dù thiếu cua đá nhưng vẫn còn rất nhiều hải sản tươi ngon để ta lựa chọn như ốc nón, cá, đẻn...
Rạn san hô biển Cồn Cỏ phân bố xung quanh cả 4 mặt của đảo. Rạn có cấu trúc dạng viền bờ, phân bố chủ yếu ở mặt phía đông và đông bắc. Đặc biệt, nơi đây có loài san hô đỏ quý hiếm và rất thiêng nữa. Nhiều người dân tin rằng nếu ai mang san hô đỏ ra khỏi đảo thì sẽ không gặp may mắn.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rạn san hô có tầm quan trọng đối với nguồn tài nguyên thuỷ sản cũng như du lịch biển. Những nơi có rạn san hô phát triển tốt, ngành khai thác thủy sản có thể đạt sản lượng cao hơn nhiều so với những nơi ở các rạn san hô chết. Đối với ngành du lịch, cảnh quan ngầm của hệ sinh thái rạn san hô là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận của du lịch biển. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản trong năm 2006 & 2007 đã chỉ ra rằng rạn san hô thuộc khu bảo tồn biển dự kiến đang có chiều hướng suy thoái. Vì vậy nhu cầu thành lập khu bảo tồn biển để duy trì được những rạn san hô ở đây cũng như nguồn lợi thủy sản và các loài sống phụ thuộc vào rạn san hô là một nhu cầu hết sức bức thiết.
Cồn Cỏ một mặt phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh cũng như đảm bảo đáp ứng yêu cầu khi mở rộng các dịch vụ về du lịch, mặt khác, đảo đứng trước trước vấn đề lớn là phải giữ gìn môi trường biển cũng như rừng. Chứng kiến cảnh các công trình xây dựng đang ngổn ngang bên cạnh một số trụ sở đã hoàn thành, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đảo có đầu tư thì ắt sẽ có phát triển, mừng vì dân trên đảo sẽ bớt thiếu thốn, nhưng lo đảo sẽ bị bê-tông hoá, môi trường sẽ mất đi cái hoang sơ, mộc mạc va trong lành.
Cồn Cỏ mùa hè khan nước. Cơ quan, doanh trại bộ đội cũng như nhà dân trên đảo đều phải có bể chứa nước mưa. Vào mỗi mùa mưa, người ta phải hứng cho đủ nước dùng cả năm nên phải xây dựng các bể chứa nước dưới nền hoặc trên tầng. Có nhiều gia đình xây bể chứa nước rất lớn, hơn cả diện tích xây nhà. Nước là vấn đề sinh tồn của con người nên người dân quý từng giọt nước ngọt trời cho.
Bên cạnh món quà thiên nhiên ban tặng, đảo còn là một kho các di tích lịch sử của những năm tháng chiến tranh ác liệt. Các nhà khảo cổ còn phát hiện ra Cồn Cỏ đã có những dấu vết của thời đại đá cũ. Và từ những năm đầu Công nguyên, Cồn Cỏ đã có những cư dân Chăm sinh sống, đó cũng là nơi những đoàn thuyền Đại Việt ghé nghỉ ngơi trên những hành trình vượt biển...
Khám phá đảo mà chúng tôi có cảm giác đang du ngoạn khắp đất nước, bởi lẽ mỗi khu vực trên đảo lại có cái tên các tỉnh thành Việt Nam. Nào là Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng... Đó là những cái tên do các chiến sỹ đặt từ hồi chiến tranh để thỏa nỗi nhớ quê nhà. Chúng tôi ghé thăm đài tưởng niệm liệt sỹ để thắp nén nhang cầu cho linh hồn các anh được siêu thoát. Trên đảo vẫn còn hệ thống hầm hào, địa đạo, lô cốt chằng chịt. Đi thăm các điểm chiến đấu còn sót lại, ký ức những ngày chiến tranh lại hiện về nguyên vẹn trong tôi. Dường như tôi ngửi thấy phảng phất mùi bom đạn trong cái vị mặn mòi của biển. Sau khi lang thang quanh đảo, chúng tôi trèo 100 bậc thang để lên đỉnh ngọn đèn hải đăng ở vị trí cao nhất trên đảo. Từ trên cao, tầm mắt mở rộng, xung quanh tôi bốn bề là màu xanh mượt mà của rừng cây rồi mở ra màu xanh nước biển nối tiếp màu xanh của bầu trời sau đường chân trời.
Cồn Cỏ là hòn đảo nhỏ nhưng thật "giàu có" bởi những giá trị thiên nhiên cũng như giá trị lịch sử. Con người và tất cả những sinh vật trên đảo cũng giàu sức sống và nghị lực vượt lên khó khăn để xứng đáng là huyện đảo anh hùng đứng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ Quốc.
Nguyễn Thị Minh Hoạt