Có khoảng 390.900 loài cây đã được phát hiện trên toàn thế giới

GD&TĐ - Con số này vừa được công bố bởi Thảo Cầm viên Hoàng gia Anh – Kew, thông qua việc kiểm đếm và rà soát. Đây là một đánh giá tổng thể về những loài thực vật trên toàn cầu được phát hiện lần đầu tiên.

Có khoảng 390.900 loài cây đã được phát hiện trên toàn thế giới

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 2.034 loài thực vật mới được phát hiện vào năm 2015. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng 21% các loài cây và hoa có nguy cơ tuyệt chủng, với các mối đe dọa biến đổi khí hậu, môi trường sống thay đổi, dịch bệnh và sự phát triển các loài xâm lấn.

GS Kathy Willis, Giám đốc khoa học tại Kew, cho biết: “Nghiên cứu thực sự quan trọng, nó cung cấp cái nhìn tổng quát về nhiều loài, nhóm và mối liên hệ giữa chúng. Nó còn cho thấy tầm quan trọng của các loài thực vật đối với sự thịnh vượng của con người… Các loài cây cung cấp nguồn lương thực cho chúng ta, cung cấp nhiên liệu và nhiều loại thuốc cho con người - thậm chí giúp kiểm soát khí hậu Trái đất”.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra tổng số các loài thực vật mới thông qua những cơ sở dữ liệu hiện có. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy có sự chồng chéo trong dữ liệu, ví dụ rất nhiều loài được đặt cùng lúc nhiều cái tên do được nhiều người tìm thấy ở những thời điểm và khu vực khác nhau.

Theo ước tính, trong tổng số các loài thực vật, không bao gồm tảo, rêu, có 390.900 cây thực vật, trong đó có khoảng 369.400 loài cây có hoa. “Đây chỉ là bề nổi. Có hàng ngàn loài thực vật chưa được phát hiện trong tự nhiên” - GS cho biết.

Hiện nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới cũng đang thực hiện các nghiên cứu tìm kiếm loài thực vật mới. Một trong những phát hiện nổi bật của năm 2015 là một cây gọi là Gilbertiodendron maximum, khi chúng trưởng thành có thể cao đến 45m, được tìm thấy tại khu rừng Gabon tại Tây Phi. Cũng trong năm 2015, có 90 loài Begonia mới (Thu hải đường) cũng đã được phát hiện, cùng với đó là 5 loài hành và cây thân leo với màu sắc sặc sỡ. Các nhà thực vật học đến từ Trung Quốc, Australia và Brazil là những người tìm được nhiều loài thực vật nhất.

Nhóm nghiên cứu tại Kew cũng tìm hiểu những vấn đề phải đối mặt của hệ thực vật trên thế giới. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng thay đổi môi trường sống, bao gồm cả sự sụt giảm diện tích các khu rừng ngập mặn và rừng, đang có một ảnh hưởng lớn trên nhiều loài. Sâu bệnh cũng là một vấn đề nghiêm trọng, trong khi đó hiện nay các nghiên cứu chỉ tập trung vào vấn đề sâu bệnh của các loài cây trồng thương mại hơn là những loài cây hoang dã. Các nhà khoa học cũng xem xét sự dịch chuyển của các loài thực vật trên thế giới.

“Những loài thực vật gây hại là một thách thức lớn nhất đối với sự đa dạng sinh học bản địa” - TS Colin Clubbe, người đứng đầu nhóm nghiên cứu khoa học tại Kew cho biết. Theo đó, với những thiệt hại mà chúng gây ra cho môi trường cùng với chi phí cao để loại trừ, các loài thực vật xâm lấn có hại ước tính gây thiệt hại khoảng 5% kinh tế thế giới. Các nhà bảo tồn hiện đã phát hiện tổng cộng có 4.979 loài xâm lấn trên khắp thế giới. Theo TS Clubbe, chúng là những kẻ thù của hệ thực vật.

Đánh giá toàn cầu của Kew hiện được thực hiện thường niên, cho phép các nhà khoa học theo dõi cách thức thực vật đang thay đổi theo thời gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.