Cơ hội nào cho phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, xã hội

GD&TĐ - Việt Nam là một trong những nước được đánh giá cao về hoạt động bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực.

Vai trò của lao động nữ cho phát triển kinh tế, xã hội là rất lớn
Vai trò của lao động nữ cho phát triển kinh tế, xã hội là rất lớn

Tuy nhiên, so với nam giới, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế, xã hội và đặc biệt là chính trị không nhiều.

Bên cạnh nguyên nhân do thiếu kỹ năng lãnh đạo, trách nhiệm kép của phụ nữ và khó khăn trong cân bằng công việc với gia đình là
rào cản lớn với chị em.

Nữ giới làm lãnh đạo: Không nhiều

Phụ nữ tham chính là một trong những thước đo thể hiện sự bình đẳng nam - nữ trong xã hội. Việt Nam đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân
(HĐND) các cấp từ 35% - 40%.

Cùng với đó, “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020” cũng xác định phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là trên 35%. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,7%, cấp huyện là 24,6% và cấp cơ sở là 27,7%.

Như vậy, so với mục tiêu của Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách khá lớn, chưa tương xứng với tiềm năng, lực lượng và sự đóng góp của phụ nữ.

Còn theo đánh giá của Liên minh Nghị viện thế giới, tỷ lệ
phụ nữ tham gia chính trường những năm gần đây có dấu hiệu giảm mạnh.

Tại thời điểm cuối năm 2011, Việt Nam đứng thứ 43 trên thế giới về tỷ lệ nữ trong các chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan, giảm so với thứ 36 vào năm 2010. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội hiện nay thấp nhất
kể từ năm 1997.

Phụ nữ tham gia chính trị đã khó, với hoạt động xã hội, kinh tế, chị em cũng gặp không ít rào cản. Lan Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) từng có công việc đúng như mơ ước nhưng sau khi lấy chồng và sinh liền 2 em bé, cô đành gác giấc mơ nghề nghiệp để tập trung vào việc chăm con.

“Lúc đầu mình chỉ định nghỉ 1 năm để con cứng cáp rồi đi làm nhưng kế hoạch “vỡ trận” liên tục. Khi con đến tuổi đi học mẫu giáo, mình quay lại với công việc thì gặp vô vàn trở ngại từ kiến thức đến kinh nghiệm và sức khỏe”, Lan Anh chia sẻ.

Còn chị Hồ Tuyết (Khoái Châu, Hưng Yên) cũng bị chồng cấm tiệt chuyện tham gia hội phụ nữ ở địa phương bởi anh muốn chị chuyên tâm chăm lo gia đình…

Cơ hội nào cho phụ nữ

Nghiên cứu của ActionAid năm 2012 chỉ ra rằng rào cản lớn nhất đối với chị em trong việc tham gia lãnh đạo, đoàn thể là từ những nguyên nhân có tính chất cấu trúc như:

Nhận thức gia trưởng và trọng nam khinh nữ trong xã hội; Không có hoặc có ít nữ lãnh đạo ở cấp huyện và cơ sở được tuyển chọn, bồi dưỡng để tham gia vào các cấp cao hơn và trong lĩnh vực quan trọng, có quyền ra quyết định.

Bên cạnh đó, trách nhiệm kép của phụ nữ và những khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc với gia đình là rào cản khiến phụ nữ ít có cơ hội tham gia hoạt động chính trị, xã hội và cả kinh tế.

Bà Nguyễn Kim Thúy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển cho rằng phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới và vì vậy, họ có thể đảm nhiệm 50% quyền và trách nhiệm ra quyết định là công bằng.

Đồng quan điểm này, bà Đỗ Hạnh Chi, cố vấn kỹ thuật về Quyền phụ nữ và Giáo dục của ActionAid nhận định, việc thúc đẩy phụ nữ tham chính không chỉ là thực hiện quyền của phụ nữ mà còn đảm bảo chất lượng và trách nhiệm giải trình của quyết định được đưa ra, nhằm mang lại công bằng và công lý xã hội cũng như hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ