Một tuần sau sự việc đáng tiếc xảy ra, cô Trần Thị Thanh vẫn rơm rớm nước mắt nhớ lại: “Tôi là người trực tiếp bế Phước từ lớp học đến bệnh viện. Khi đưa cháu cho các bác sĩ cấp cứu, tôi mới biết mình bị dao đâm. Lúc đấy, chỉ biết là làm sao để cứu các cháu nhanh nhất và không để ý gì thêm. Lao vào kẻ thủ ác như một bản năng của một người mẹ, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đứa con của mình”.
Cô Thanh kể lại, vào sáng 3/5, do trời mưa nên giờ ra chơi, cô không xuống văn phòng như mọi khi mà ở lại lớp với HS.
Khi đang đứng ở cửa lớp thì thấy một bóng đen chạy vụt qua mặt, lao vào lớp. Chưa kịp hiểu chuyện gì, chỉ nghĩ là “có chuyện” và các HS đang trong lớp cần được bảo vệ nên cô lao người theo để cản hung thủ.
Sự việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong giây lát đứng dậy sau cú vấp ngã, cô đã thấy em Lê Hữu Phước bị kẻ ác đâm gục xuống bàn. Trong lớp, các em nhỏ la thất thanh.
Cô Thanh ôm Phước, thấy máu từ người và tay em túa ra nên bế em chạy xuống tầng. Vừa chạy, cô Thanh vừa hô hoán thầy cô giáo trong trường đưa Phước đi bệnh viện.
Cô Thanh kể lại giây phút lao vào hung thủ để cứu HS. |
“Ngay lúc đó, thầy Lò Văn Thắng lấy xe máy chở tôi và em Phước vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh cấp cứu. Trời vẫn mưa nhưng tôi không kịp mặc áo mưa. Vào đến bệnh viện, nghe kêu cứu, các bác sĩ đón Phước và tôi vào phòng cấp cứu.
Đến lúc này, tôi mới biết mình cũng bị thương ở bàn tay trái, phải khâu 6 mũi. Vết thương không đau; tôi chỉ buồn khi không cứu được học trò” - cô Thanh òa khóc.
Câu chuyện cảm động về cô giáo Trần Thị Thanh bất chấp nguy hiểm, quên cả tính mạng của bản thân, xông vào kẻ thủ ác để cứu HS của mình đáng được tôn vinh và noi gương. Nhưng còn một điều mà chúng ta sẽ xúc động và trân trọng hơn khi biết thêm thông tin về cô, về một nghị lực sống và lòng yêu nghề.
Cô Thanh sinh năm 1977, đã có 17 năm làm giáo viên ở huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, trong đó 12 năm gắn bó với mái Trường Tiểu học Đồng Lương.
Cách đây 5 năm, chồng qua đời, để lại cho cô 2 con nhỏ cùng nỗi đau không gì bù đắp được. Kể từ đó tới nay một mình cô nuôi dạy 2 con, một cháu năm nay học lớp 10 và một cháu học lớp 3.
Dù vất vả nhưng cô Thanh luôn tận tuỵ, gắn bó với trường lớp, tìm tòi để đổi mới phương pháp giáo dục. Năm 2019, cô được nhận quyết định chuyển công tác về một trường học ở thành phố Thanh Hóa, sau nhiều năm gắn bó với giáo dục miền núi. Nhưng sau nhiều trăn trở, cô quyết định ở lại Lang Chánh, gắn bó với Trường Tiểu học Đồng Lương bởi tình yêu với những học trò nơi đây.
Hành động dũng cảm của cô giáo Trần Thị Thanh thực sự là minh chứng rõ nét nhất về tấm gương nhà giáo yêu nghề, người mẹ thứ hai của các học trò nhỏ ở Trường Tiểu học Đồng Lương. Cô Thanh thật sự đã viết nên câu chuyện đẹp trong hàng triệu tấm gương của các thầy cô giáo đã hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp giáo dục.