Nhức nhối
Số lượng học sinh bỏ học những năm gần đây ở Nghệ An vẫn còn dai dẳng và nhức nhối tại các huyện miền núi đặc biệt khó khăn như: Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương, Kì Sơn… Số học sinh bỏ học tập trung chủ yếu là các em ở cấp THCS và THPT.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2010 - 2011 đến nay, tình trạng học sinh bỏ học ở Nghệ An diễn ra khá phổ biến, mỗi năm có gần 2.000 em. Riêng năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có 1.819 học sinh bỏ học, trong đó tập trung nhiều ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Năm học mới bắt đầu, hiện tượng học sinh bỏ học đang là mối lo của ngành Giáo dục Nghệ An.
Bà Vi Thị Bích Thủy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương - cho biết: Năm học vừa qua huyện Tương Dương có 915 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ huy động được 73% học sinh thi vào THPT. Đến thời điểm này, dù đã có kết quả tuyển sinh mà vẫn còn 80 em trúng tuyển nhưng chưa đến nhập học.
Nguyên nhân
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT các huyện miền núi, nguyên nhân khiến học sinh bỏ học chủ yếu là do điều kiện gia đình kinh tế khó khăn; học sinh nhà cách trường xa, đi lại khó khăn. Điều nữa khiến nhiều học sinh bỏ học là do học lực yếu kém.
Ngoài những yếu tố trên thì theo phản ánh của nhiều phụ huynh và các trường học, do chế độ, chính sách của Nhà nước đến với học sinh quá chậm.
Điển hình như ở Con Cuông năm học vừa qua, đến thời điểm các em học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp, tiền hỗ trợ theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng mới về đến nơi. Chính điều này cũng gây chán nản trong học sinh và phụ huynh.
Thực trạng, học sinh miền núi vùng cao bỏ học mấy năm trở lại đây cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là tình trạng tảo hôn xảy ra khá phổ biến. Có những em đã phải làm bố, làm mẹ khi tuổi đời mới 13, 14..
Điều đáng buồn nữa là một số đối tượng xấu đã vẽ ra cuộc sống như mơ ở thành phố để dụ dỗ nhiều học sinh bỏ học đi làm công ty, nhưng thực chất là đi bán sức lao động ở những môi trường làm việc khó nhọc, độc hại như khai thác quặng, vàng trái phép, hoặc bị bán vào động mại dâm hay bị bán sáng Trung Quốc…
Những giải pháp
Trao đổi về thực trạng học sinh bỏ học ở vùng miền núi, ông Nguyễn Phùng Đạt - Phó ban Giáo dục Dân tộc miền núi (Sở GD&ĐT) - cho biết: Thời gian qua, Nhà nước và tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh vùng cao .
Đó là hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung, hỗ trợ gạo. Học sinh bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường; đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung. Tỉnh cũng đã đầu tư ngân sách để xây dựng các trường nội trú, bán trú ở các huyện vùng sâu, vùng xa.
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã thành lập và xây dựng lại 7 trường nội trú, thành lập được 25 trường bán trú. Dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng tổng số trường bán trú lên 40 trường.
Nhiều nơi vận động phụ huynh, kêu gọi các nguồn xã hội hóa để xây dựng các trường bán trú dân nuôi, tổ chức nấu ăn cho học sinh để các em yên tâm đến trường.
Ngoài ra, hàng năm vào đầu các năm học, giáo viên các trường đều tổ chức đi vận động để con em đến trường đầy đủ, có chính sách ưu tiên giúp đỡ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Theo các chuyên gia về giáo dục và các nhà xã hội học thì để giải quyết dứt điểm thực trạng này, ngoài những nỗ lực trên thì chính quyền các cấp cần có những hoạch định chiến lược tích cực nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân miến núi. Cuộc sống đồng bào được nâng cao, chắc chắn sẽ không còn tình trạng học sinh bỏ học nhiều như vậy.