(GD&TĐ) - Tuổi già là giai đoạn được nghỉ ngơi, được chăm sóc và vui vầy bên con cháu. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, tình cảm gia đình, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng xa nhau, sự gần gũi, quan tâm, chia sẻ của con cháu với ông bà dường như ngày càng ít đi. Chính vì lẽ đó, người già trong xã hội hiện đại thường rơi vào trạng thái tâm lý cô đơn, buồn chán.
Cô đơn trong giàu có
Bà Lan là cán bộ nhà nước vừa về nghỉ hưu. Chồng bà mất sớm, một mình bà nuôi hai đứa con một trai một gái trưởng thành, có công việc ổn định. Anh con trai của bà làm ăn phát đạt, mua nhà rộng và đẹp, trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại. Nhìn bên ngoài, cuộc sống của bà là niềm ao ước của nhiều người già. Hàng ngày các còn đi làm, các cháu đi học, bà ở nhà dọn dẹp cơm nước cho con cháu. Mỗi buổi tối sau khi ăn xong, hai vợ chồng anh con trai và 2 đứa con ai về phòng nấy. Mới 9 giờ tối mà phòng khách chỉ còn mình bà. Căn nhà lạnh ngắt với những đồ đạc vô tình càng khiến ông bà cảm thấy cô đơn, trống trải. Bà cảm thấy hình như con cái không quan tâm đến bà, sống giữa bao nhiêu đồ đạc đắt tiền mà bà cảm thấy mình chẳng khác gì một người vô gia cư.
Ảnh MH |
Một số gia đình giàu có hiện nay quan niệm, cứ cung cấp đầy đủ vật chất cho bố mẹ là họ đã làm tròn bổn phận. Nhưng quả thật, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy, những đồng tiền không thể mang lại cho người già hạnh phúc, cái họ cần là sự ấm áp của tình cảm gia đình, được vui vẻ chuyện trò cùng con cháu.
Thiếu những bữa cơm sum họp
Ngày nay, với cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều gia đình đã không còn giữ được sự nồng ấm của mỗi bữa cơm. Sự thật là họ bị cuốn theo nhịp sống, mỗi người mỗi việc. Một trong những hội chứng cô đơn của tuổi già chính là hiện tượng con cháu vô tâm không coi trọng những bữa cơm gia đình. Theo quan niệm truyền thống bữa cơm là dây phút cả nhà quây quần, sum họp, chia sẻ mọi chuyện. Nhưng quan niệm này như đang dần mất đi, người ta không còn coi trọng khía cạnh giao lưu tình cảm gia đình trong bữa ăn nữa. Cách sống cơm hộp, mì ăn liền trong giới trẻ đã dần những bữa cơm sum họp. Với những người già khi rơi vào hoàn cảnh ấy họ hụt hẫng vô cùng. Bữa cơm đối với người già là dây phút hưởng hạnh phúc, sự ấm áp của tình cảm gia đình.
Gia đình ông Quang bà Lan ở khu tập thể nhà tôi là một ví dụ. Những bữa cơm sum họp cả gia đình thật là hiếm hoi. Con trai ông làm phó giám đốc một doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, hầu như hôm nào cũng đi làm về muộn. Cô con dâu làm ở một ngân hàng cũng bận bịu tối ngày vì vừa phải đi làm vừa đi học nâng cao. Cậu con trai được ông bà đưa đi học rồi đón về, bao giờ ông bà cũng cho ăn cơm trước cả gia đình. ông bà hầu như ngày nào cũng chờ con cái về rồi ăn nhưng chẳng mấy khi họ được ăn cùng con cháu. Nhìn mâm cơm đầy đủ thức ăn mà có khi ông bà Quang -Lan không sao nuốt nổi.
Sự bất đồng suy nghĩ
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người già cảm thấy cô đơn chán chường và có cảm giác bị cô lập. Gia đình càng nhiều thế hệ thì càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Mỗi thế hệ có những quan điểm, sở thích, cách nhìn nhận cuộc sống riêng.
Chị Hà về làm dâu được hơn một năm thì sinh em bé. Bà nội mừng lắm vì có cu Tý là cháu đầu. Con được hơn 1 tháng, Hà bế con ra ban công tắm nắng buổi sáng, bà đi chợ về thấy thế giận dỗi: Bế nó ra đấy làm gì cho lạnh, đã dặn thế rồi mà vẫn không nghe, nó mà ốm ra thì lại khổ tao. Chị ấm ức: Con đọc báo thấy bác sĩ bảo nên cho trẻ tắm nắng thường xuyên lúc mặt trời mới lên sẽ tránh được bệnh còi xương... Bác sĩ, bác seo gì, vớ vẩn-bà vừa nói vừa ôm thằng bé vào nhà.
Còn chị Chi, lần về nghỉ tết cu Bi đã được gần hai tuổi. Đến bữa chị hì hụi xuống bếp nấu cháo cho con, bà nội thấy cháu vẫn ăn cháo liền bảo: Tập cho nó ăn cơm đi chứ, nó 16 tháng rồi còn gì, trẻ ở đây hơn một tuổi đã ăn cơm hết rồi. Chi thanh minh: Cháu còn ít răng quá, con cũng sợ mớm cơm thì mất vệ sinh. Đợi cháu hai tuổi con tập cho cháu ăn cơm. Chẳng hiểu bà giận con dâu hay thấy con dâu nói có lý mà quay đi chẳng nói câu gì.
Việc bất đồng quan điểm là nguồn cội của những phiền não ở người già. Theo nghiên cứu tâm lý thì giai đoạn tuổi già con người có xu hướng trở lại thời... trẻ con, có tâm lý thất thường hay giận dỗi. Việc không được con cháu thừa nhận, nhiều cụ còn bị ám ảnh đến mức mất ngủ, chán ăn khiến cơ thể suy nhược và suy sụp tinh thần.
Tình cảm gia đình, khoảng cách giữa các thế hệ đang ngày càng xa nhau nên khó tìm được tiếng nói chung về quan điểm. Đối với người già thì đây là điều khó chấp nhận nên họ dễ có cảm giác buồn phiền, cô đơn, lạc lõng. Vì thế mỗi người hãy dành thêm thời gian chuyện trò, chia sẻ để các cụ được hưởng trọn niềm vui lúc tuổi già.
Phương Thủy