![]() |
Quang cảnh Hội nghị |
Nhiệm vụ quan trọng nhất của GDCN trong năm học mới
Năm học 2013 - 2014, toàn hệ thống GDCN đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực TCCN phục vụ phát triển KT - XH của đất nước.
Nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm học 2014 - 2015 là tập trung mọi nỗ lực để thu hút học sinh vào các trường chuyên nghiệp, kể cả đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Đồng thời đổi mới quản lý ở các cấp trong hệ thống, xây dựng và hoàn thiện chương trình, giáo trình theo hướng phát triển năng lực, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp.
Thảo luận "nóng" vấn đề gỡ khó cho tuyển sinh TCCN
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, tập trung thảo luận các vấn đề về tuyển sinh, đổi mới quản lý ở các cấp, chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Các vấn đề đưa ra thảo luận nhằm xây dựng các giải pháp cụ thể về đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) nói riêng và giáo dục nghề nghiệp nói chung theo tinh thần Nghị quyết 29/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT. Vấn đề nóng nhất mà các đại biểu đề cập đến là sự khó khăn trong việc tuyển sinh vào các trường TCCN trong thời gian vừa qua.
Ông Phạm Văn Đại - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Những năm gần đây, hệ TCCN gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh vì nằm cùng trên địa bàn, có quá nhiều cơ sở TCCN, đồng thời có nhiều trường Trung cấp nghề có ngành đào tạo gần với ngành của TCCN.
Thêm vào đó, Tâm lí của đại đa số người dân đều muốn con em mình được học đại học hoặc cao đẳng. Do vậy tuyển sinh của các trường không đạt chỉ tiêu, chỉ chiếm 68% số chỉ tiêu được giao. Do không tuyển sinh được người học nên không có kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên, xây dựng giáo trình…
Còn ông Phạm Ngọc Thanh - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP HCM phát biểu: Số lượng, quy mô các cơ sở đào tạo TCCN ở TP HCM năm vừa qua có tăng nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
Chưa có chính sách thu hút các nhà đầu tư an tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại có tình chiến lược lâu dài, cở sở đào tạo của các trường ngoài công lập phần lớn phải đi thuê, chắp vá nên tính hấp dẫn người học chưa cao.
Nhận định về tình hình phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, ông Hoàng Văn Bình - Phó GĐ Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc - chia sẻ: Trong những năm gần đây, công tác đào tạo TCCN gặp nhiều khó khăn do số lượng các trường ĐH, CĐ ngày càng tăng, nhận thức của người dân còn nặng về bằng cấp nên các trường TCCN, các trường nghề gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Sự tồn tại đồng thời Trung tâm Dạy nghề và TTGDTX trên cùng một địa bàn có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ nên hiệu quả hoạt động chưa cao, gây lãng phí về cơ sở vật chất đội ngũ. Đồng thời cũng gây khó khăn về công tác tuyển sinh vì đối tượng tuyển sinh của 2 trung tâm này gần như giống nhau.
Nhiều đại biểu đặt ra những bất cập về công tác phân luồng học sinh sau THCS, đầu tư cho TCCN chưa tương xứng… Thêm vào đó, do yếu tố khách quan, do khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp trong những năm vừa qua gặp nhiều khó khăn về sản xuất nên không có nhu cầu tuyển dụng. Học sinh sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm nên công tác tuyển sinh TCCN gặp rất nhiều khó khăn.
Không nâng cao chất lượng, các trường TCCN sẽ vẫn khó khăn nguồn tuyển

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định: Việc khó tuyển sinh TCCN trong những năm vừa qua đòi hỏi phải có sự đổi mới ở hệ học này.
Hiện nay, không có cơ chế chính sách hoặc văn bản nào gây khó khăn cho các hoạt động và tuyển sinh của các trường TCCN.
Thứ trưởng khẳng định: Một số trường TCCN cho rằng vì mở rộng các trường ĐH - CĐ nên làm cạn nguồn tuyển sinh TCCN - Điều đó không đúng vì vẫn còn một số lượng rất lớn học sinh có nhu cầu học TCCN sau khi tốt nghiệp THCS mà các trường chưa tiếp cận được.
Để giải quyết được vấn đề tuyển sinh, các đồng chí lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các trường cần có cách tiếp cận khác.
Đối với điều hành vĩ mô về phân luồng, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường đại học đến năm 2017 kết thúc đào tạo TCCN. Đến năm 2015 một số trường ĐH bắt đầu chấm dứt tuyển sinh hệ TCCN. Tuy nhiên cũng không nên hi vọng khi các trường ĐH không tuyển sinh TCCN thì số lượng HS đấy sẽ vào TCCN nếu các trường TCCN không có cải thiện chất lượng học tập.
Nhu cầu học TCCN là rất lớn nhưng cần quan tâm đến vấn đề việc làm sau khi ra trường, điều đó đặt ra bài toán làm thế nào để học sinh theo học TCCN.
Trong thời gian chờ đợi giải pháp hữu hiệu các trường cần tập trung nghiên cứu một số giải pháp như đối tượng người học. Không chỉ nhắm vào đối tượng học sinh THPT vì nếu thế thì sẽ trùng đối tượng tuyển sinh với các trường ĐH, CĐ. Cần tập trung vào số lượng lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có nhu cầu tìm việc làm ngay.
Tiếp theo là cần phải gắn kết với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để giúp học sinh sau khi tốt nghiệp có được việc làm. “Nếu có việc làm ngay thì người học sẽ tự tìm đến trường đó, bất kể là Trung cấp hay Cao đẳng, Đại học.
Như trường Trung cấp Y tế của bệnh viện Bạch Mai, sau khi ra trường các em đều có việc làm nên số lượng đăng kí vào trường này rất đông, tỉ lệ chọi còn cao hơn cả Đại học Y Hà Nội. Như vậy, việc gắn kết với doanh nghiệp, với các cơ sở sản xuất là sự sống còn của hệ thống GDCN”- Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Thời gian tới cần phải sắp xếp lại hệ thống TCCN ở các địa phương, phải đổi mới cách quản lý. Hệ thống TCCN của chúng ta còn manh mún, có rất nhiều trường nhưng lại không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về trang thiết bị, về đội ngũ giáo viên.
Cần sắp xếp lại hệ thống các trường TCCN, cần đầu tư trọng điểm để phát triển một số trường, tạo những thương hiệu uy tín.
Việc chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác GD quốc tế trong GDCN là rất cần thiết. Các cơ sở GDCN trong nước cần liên kết đào tạo với các cơ sở GD nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.