Chuyện về người chuyên "nhặt người"

Chuyện về người chuyên "nhặt người"

(GD&TĐ) - Ý niệm về 2 chữ “từ thiện” với mỗi người làm thiện nguyện mỗi khác. Cách làm cũng không hề giống nhau. Và, chuyện thiện nguyện của anh Lương Huy Hoàng (53 tuổi) cũng chẳng giống ai: Cứ thấy người vất vưởng dọc đường là anh đem về trung tâm bảo trợ của mình, dù chẳng biết trung tâm có kham nổi hay không.

Từ Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), bồng bềnh xe khách 2 tiếng đồng hồ xuống trung tâm bảo trợ xã hội Huy Hoàng (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) để tìm cái mới trong sự yêu thương không bao giờ cũ. Một nụ cười hiền, một bộ sơ mi giản dị, đó là tất cả những gì anh Hoàng dùng để đón chúng tôi trong chuyến thăm bất ngờ.

x
Cảnh sinh hoạt trong trung tâm

“Mình làm từ thiện từ lúc nào nhỉ?”

Thường, khi tim một người đầy ắp yêu thương, thì người đó mới nghĩ đến chuyện chia sẻ yêu thương. Huy Hoàng chẳng hiểu trái tim mình thế nào, chỉ biết sự chia sẻ của mình là do “cái tính mình nó thế”. Từ hồi nào đến giờ, ra đường thấy ai đói thì cho cơm, ai khát cho nước. Cho đến giờ, khi là chủ một trung tâm bảo trợ xã hội, anh vẫn còn ngơ ngác mỗi khi “sực nhớ” rằng mình đang ở vị trí này.

“Mình trông thấy một anh ăn xin ở chợ Bến Thành, quần áo rách rưới, nhưng mình lại không mang theo bộ đồ nào, đành cho anh ta mấy cái bánh mì. 4 năm sau tình cờ gặp lại người đó, vẫn bộ áo rách rưới không đổi, cái khác là tóc dài và xù như tổ quạ, móng tay móng chân dài ngoằng không cắt. Thế là mình dẫn về nhà, cho tắm rửa, thay quần áo mới, cắt tóc, cắt móng tay chân, cho ăn thật no. Và thế, ảnh ở luôn nhà mình không chịu đi. Một người, hai người, cứ thế, bây giờ là nhiều người” – anh nói.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng sự tình thì không phải thế. Vì cũng có người sợ bị Hoàng gạt nên đã bỏ chạy. Từ sự góp nhặt ngẫu nhiên đó mà bây giờ chỗ cưu mang của anh thành một trung tâm lớn. Nhưng không phải cứ dắt người không nơi nương tựa về nuôi nhiều thì nhà mình sẽ thành một trung tâm bảo trợ. Ban đầu Hoàng có dắt về một người bị nhiễm HIV, vậy là hàng xóm phản đối. Người ta khuyến cáo anh không được nên trình báo công an phường. Đến lượt công an cảnh cáo, họ bắt anh viết cam kết “không chứa người trái phép” và phạt tiền vì tội đó. Anh cam kết, nhưng không giải tán số người trong nhà như đã hứa, mà chỉ làm giấy tạm trú cho họ, bởi nghĩ rằng nếu đuổi họ đi thì họ sẽ đi đâu?

Rồi thì, có những người không hề có giấy tờ, không chứng minh, không khai sinh, vậy thì sao làm được giấy tạm trú? Anh bị phạt lần 2, lần 3, đến lần 4, số tiền phạt lên đến 1,2 triệu. Nhưng để bị phạt mãi cũng không hay. Có lúc, Hoàng đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng rồi vô số cái “duyên” tìm đến, để bây giờ, anh đã có một cơ sở bảo trợ xã hội của riêng mình. 

Để bây giờ, mỗi khi “sực nhớ” vị trí của mình, Hoàng ngơ ngác: “Mình làm từ thiện từ lúc nào nhỉ?”

Mảnh ghép của những cuộc đời

x
Anh Hoàng cùng với những người cơ nhỡ trong trung tâm

Đã 6 năm trôi qua kể từ khi Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm được thành lập (vào năm 2007). Nhà chật chội nên Hoàng xây thêm một căn nữa để nam nữ ở riêng. Hàng ngày, Hoàng mưu sinh chỉ bằng việc cho thuê phòng trọ sinh viên, tiền đâu có nhiều. “Ban đầu tôi mượn 300 triệu. Bà con anh em phải hỏi mục đích mới cho mượn, khó khăn lắm. Lần này thì những người tội nghiệp ấy có chỗ ở mới rồi. Tôi mua đất ở tận Đồng Nai chứ không phải ở Sài Gòn gần nhà. Quần quật mấy năm chơi chiêu ăn xổi, năn nỉ, sáng làm chiều trả tiền công. Rứa mà mọi chuyện cũng ổn” – anh Hoàng kể.

Cho đến giờ, hầu như chưa ai đến giúp đỡ người già hay trẻ nhỏ ở trung tâm này. Anh làm và trả nợ từ từ, vì tiền nuôi người khốn khổ là tiền của anh. Anh tự ngẫm điều này không có gì là vô lý, vì thời buổi thị trường, vật giá lên cao, người làm từ thiện sẽ chọn những trung tâm lớn để giới truyền thông quan tâm. Còn cái trung tâm của anh thì khó… vì anh làm cá nhân, anh gây dựng đơn lẻ và quá nhỏ, có ai biết đâu mà tới.

Có lẽ kể cả ngày cũng không hết những khó khăn của con người này. Ban đầu, người được anh dẫn về nhà đa số là trẻ em. “Chú cho con theo với, con làm gì cũng được, buổi tối con ngủ trước hiên nhà người ta, bị tạt nước lên đầu, con khổ quá chú!” - “Ba mẹ con bỏ con luôn rồi, con không có nhà để về chú ơi….” Những tiếng than vãn như thế ai nghe mà chẳng thương xót, nhưng khó ai can đảm dẫn về nhà.

Sau này khi đã có được chỗ ổn định, anh lại đi tìm người lang thang để dẫn về chứ không đợi người ta tìm đến anh. Ở trung tâm hơn 170 người, mỗi cuộc đời một câu chuyện. Hơn 50 cụ già không thân nhân, 5 người bị bệnh tâm thần và 40 trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên. Nhiều nhất vẫn là trẻ em. Oái ăm thay, nhiều bà mẹ trẻ lỡ dại có thai ngoài ý muốn, định phá thai, Hoàng biết chuyện mới nói thôi đừng phá, cứ sinh đi rồi tôi đem về nuôi. Có những trẻ ăn mày, vất vưởng ngoài đường. Có trẻ cha mẹ mất đột ngột.

Có những đứa ở lại trung tâm không đi đâu nữa, vì đây là nhà rồi. Cũng có đứa muốn về nhưng lại không có nơi để về. Có đứa rời trung tâm 5 - 7 lần rồi quay trở về. Mấy đứa hận lắm tiếng ba, hận cả tiếng mẹ. Thế mà chúng vẫn được cảm hóa, gọi anh bằng “ba”, tiếng “ba” được gọi một cách tự nhiên, không hề vấp váp.

“Ba ơi, bày con viết chữ Y với” – một bé gái chừng 7 tuổi, ú ớ. Viết được chữ Y rồi, thấy tôi ngồi ngẩn ngơ trên ghế đá, bất ngờ bé chạy lại: “Chú ơi chú học bài gì thế?”, - “Chú tập viết chữ Y, con tên gì?”- “Con tên Yến Linh, anh hai tên Bảo, anh ba là Huy, mẹ là Thảo, ba là Tuấn”. Bé nói như mặc nhiên rằng bé đang có một gia đình cụ thể với những cái tên người thân cụ thể. Đôi mắt bé trong veo. Bé hồn nhiên cười. Ở phương trời nao, ba mẹ có nghe được những lời thảng thốt này? Chỉ mới hai tháng tuổi đã bị mẹ bỏ trước cổng nhà thờ, sợ bé nhiễm bệnh thế kỉ nên không ai dám nhặt về. Lương Thạch Yến Linh (7 tuổi) – đó là tên của bé. Những đứa trẻ ở trung tâm Đồng Tâm đều mang họ Lương, họ của anh Hoàng. 

Có em Lương Thị Quỳnh Anh được Hoàng dắt về trung tâm từ năm 16 tuổi, bây giờ đã 20 tuổi rồi, đầu óc sáng suốt nhưng tay chân què quặt lắm. Vì mẹ em lỡ có thai với một người đàn ông nên ràng bụng lại để không ai biết, cuối cùng sinh ra em tật nguyền thì mang cho nhưng không ai nhận. Vẫn nụ cười hồn nhiên như Linh, nhưng đôi mắt em thì buồn xa xăm. “Em có gặp lại mẹ không? – “Không? - “Quê em đâu?” – “Em không biết” – giọng Quỳnh Anh tỉnh bơ…

Chát chúa những thân phận! Các em nhỏ đến tuổi đi học đã được đến trường, nhưng không được miễn giảm học phí. Số em khác thì học nghề cơ khí, sửa xe; những người điên thì ở trong một khu nhà riêng biệt. Anh Hoàng dự định sẽ xây thêm một khu cho riêng trẻ sơ sinh, mở thêm khu trồng trọt chăn nuôi nhưng biết kiếm đâu ra tiền. Trên trang Facebook cá nhân của mình, anh vẫn đăng đều đặn hình ảnh, thông tin của từng đứa trẻ, để có cha mẹ nào nhận ra con mình thì liên hệ với anh để nhận lại. Nhưng đăng hoài mà chẳng thấy ai trả lời…

Cái tên “Mái ấm Huy Hoàng” cũng chỉ tạm thời. Anh dự tính đặt một cái tên rất hay: “Mái ấm Đồng Tâm”, với mong muốn có người sẽ đồng hành cùng mình trong chuyện thiện nguyện. Bao sóng gió rồi trung tâm của anh vẫn tồn tại. Và trung tâm sẽ vẫn tồn tại. Bởi, với anh, nhặt một kiếp người nghĩa là đốt lên một ngọn lửa, lửa của tình yêu, của nguồn sống…

Mai Thành Dũng – Nguyên Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ