Chuyện trên “đất nước lá phong“

GD&TĐ - Từ môi trường đến an toàn của cộng đồng, từ chăm sóc người già đến thực phẩm cho người nghèo… Dưới đây là những câu chuyện đáng kể mới nhất về “đất nước lá phong” Canada.

Nghệ sĩ biểu diễn bong bóng Kristal Yee
Nghệ sĩ biểu diễn bong bóng Kristal Yee

Các nghệ sĩ chống dự thảo lệnh cấm nghệ thuật bong bóng

Các nghệ sĩ của loại hình thể thao nghệ thuật bong bóng đã tiến hành cuộc chống đối dự thảo lệnh cấm biểu diễn bong bóng giúp vui tại các công viên Vancouver (Canada) và các trung tâm sáng tạo khác.

Theo họ thì lệnh cấm sẽ làm giảm cơ hội kinh doanh của họ và làm cho công chúng hiểu sai về nguồn gốc của rác thải trong các công viên.

Trước đó, người phụ trách Hội đồng công viên Vancouver (VPB), ông Stuart Mackinnon cho biết đã dự thảo lệnh cấm tất cả các loại bong bóng plastic và latex vì chúng “gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của muông thú và trẻ em lỡ nuốt phải bong bóng khi thổi hoặc vướng vào dây cột chúng”. Nhưng nghệ sĩ Kristal Yee khẳng định:

“Bong bóng đang trở thành vật tế thần của nạn xả rác bừa bãi. Bong bóng có màu sáng rất dễ phát hiện. Nến bạn nói thú vật ăn lầm bong bóng thì chúng cũng có thể ăn lầm tàn thuốc lá, giấy gói kẹo và mảnh thiếc văng ra từ vỏ lon bia.

Theo tôi, cấm bong bóng là cách dễ nhất để che giấu những vấn đề khác liên quan đến rác thải và sức khỏe cộng đồng”. Yee cùng với các đồng nghiệp và những người ủng hộ tham gia cuộc chống đối tại Trout Lake trong ngày 18/9/2017.

Là nghệ sĩ bong bóng chuyên nghiệp, Yee khẳng định tất cả các nghệ sĩ bong bóng đều dọn dẹp hết những gì mình thải ra tại hiện trường biểu diễn sau khi tiết mục kết thúc.

“Tôi cũng chưa bao giờ giao bong bóng cho trẻ em dưới 3 tuổi – chị nói – Ngoài ra, các bong bóng latex cao su tự nhiên có thể dùng lại được và tự hủy sinh học theo thời gian, dù phải mất vài năm”.

Lệnh cấm bong bóng tại các lễ hội và dạ hội sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của những người sống bằng nghề biểu diễn bong bóng. “Bất cứ nghệ sĩ bong bóng nào có ý thức về môi trường cũng không biểu diễn bong bóng theo cách thả lên trời một cách mất kiểm soát và không biết nó rơi xuống đâu để thu gom.

Chúng tôi hành xử như một công dân có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Vì vậy, theo tôi, nên qui định mức phạt cho những ai vi phạm chứ không nên cấm hoàn toàn.

Tăng cường lực lượng kiểm tra xả rác sẽ giảm được vấn nạn môi trường không chỉ từ bong bóng mà còn từ các nguồn khác” – Yee nói.

Mới đây, tổ chức nghề nghiệp Pro Environment Balloon Artist đã xúc tiến chương trình nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và an toàn cho các hội viên và những người quan tâm. Yee hy vọng cuộc họp của VPB sẽ tìm ra giải pháp được mọi người đồng tình.

Sách giáo khoa bị thu hồi vì dùng từ xúc phạm phụ nữ bản địa

Sách giáo khoa bị thu hồi - Susanna Moodie: Roughing it in the Bush

Một cuốn sách giáo khoa tại trường cấp 2 tỉnh British Columbia (BC, Canada) đã phải thu hồi để kiểm tra lại sau khi một phụ nữ thuộc lãnh thổ tự trị First Nations phát hiện ra con gái 14 tuổi của bà được yêu cầu định nghĩa từ “squaw”, một từ mang tính xúc phạm phụ nữ bản địa.

Một phụ nữ khác cũng lên mạng xã hội bày tỏ sự công phẫn vào cuối tuần qua về bài tập “chủ nghĩa thực dân bạo lực” (violent colonialism) mà con gái bà phải làm tại trường Templeton Secondary School ở Vancouver.

Cuốn sách tâm điểm của vụ lùm xùm là “Susanna Moodie: Roughing it in the Bush” được xuất bản lần đầu năm 1852 và được đưa vào sách giáo khoa từ năm 2016.

Nội dung của nó được mô tả là “phân chủng và phân biệt đối xử”. Từ “squaw” xuất hiện trong bản gốc đến 39 lần và giáo viên yêu cầu học sinh định nghĩa đúng nhất về từ này.

Đó là “phụ nữ bản địa” (Aboriginal woman). Second Story Press, công ty xuất bản cuốn sách giáo khoa này cho biết đã thu hồi cuốn sách để điều chỉnh và thật lòng hối tiếc về những bất bình cuốn sách gây cho cộng đồng.

Hội đồng trường Vancouver, nơi cuốn sách được sử dụng đang thẩm định nội dung cuốn sách giáo khoa này.

Yêu cầu của người cao tuổi sống trong nhà điều dưỡng

Một cuộc khảo sát mới nhất của một chuyên viên nghiên cứu về người cao tuổi cho thấy phân nửa người cao tuổi sống trong các nhà điều dưỡng tại BC đánh giá từ tốt đến tuyệt hảo chất lượng chăm sóc nhưng đa số than thở họ không có bạn bè để giao tiếp.

Bà Isobel Mackenzie vừa công bố báo cáo về cuộc khảo sát lớn nhất loại này tại Canada liên quan đến suy nghĩ của những người già sống trong các trung tâm an dưỡng.

Kết quả chi tiết: hơn 50% ông bà cụ được hỏi muốn được ăn ngon hơn, 42% không biết họ được cho thuốc gì và chỉ có 44% đánh giá việc khám bệnh của bác sĩ là tuyệt hảo.

25% người được hỏi cho biết họ ít khi được giúp vào toilet khi cần. 90% thấy an toàn khi sống chung và đa số thấy mình được tôn trọng.

Nhưng 60% phàn nàn là không được tắm thường xuyên như mong muốn. 57% xem nhà an dưỡng như nhà của mình nhưng 40% muốn được trở về trong ngôi nhà riêng của họ.

Người già ở nhà an dưỡng

Người già ở nhà an dưỡng

Nghiên cứu 2 năm trên 22.000 đối tượng đã đưa ra 8 đề nghị dựa vào hàng ngàn cuộc phỏng vấn những người được chăm sóc.

Đáng chú ý là đề cử thuê thêm nhân viên chăm sóc để thời gian chăm sóc từng người được nhiều hơn, bác sĩ tốt hơn, hoạt động giao lưu giải trí buổi tối và cuối tuần nhiều hơn.

Thức ăn, không khí trong lành, người đến thăm nên rửa tay kỹ lưỡng và nên tăng số lần tắm lên hơn một lần/tuần như hiện nay.

“Nói chung, người cao tuổi sống trong các cơ sở an dưỡng muốn được chăm sóc tốt hơn nữa” – bà Mackenzie nói. Bà tin rằng có nhiều khuyến cáo có thể làm ngay nhưng cũng có khuyến cáo cần thêm thời gian và nguồn kinh phí.

Cần cải tiến công nghệ giám sát và hệ thống tư pháp để ngăn chặn tội phạm

Bộ trưởng An toàn công cộng BC cho biết cần phải có thêm các biện pháp để bảo đảm là công nghệ quan sát và hệ thống tư pháp luôn được cập nhật mới nhất nhằm ngăn chặn tội phạm nguy hiểm tái phạm sau khi ra tù.

Ông Mike Farnworth đưa ra ý kiến này chỉ một ngày sau khi cựu tù nhân tình dục Raymond Caissie nhận tội cố sát Serena Vermeersch, 17 tuổi vào năm 2014.

Vụ giết người đã gây công phẫn cho nhiều cộng đồng dân cư, Thị trưởng Surrey lúc đó, bà Dianne Watts đặt câu hỏi tại sao Caissie, một tù nhân được xếp vào diện “có nguy cơ tái phạm cao” mới ra tù chưa đầy 1 năm đã phạm tội trở lại?

“Chúng ta cần nghiêm túc phân tích vụ án này, nhất là khi cựu tù nguy hiểm từ chối điều trị hoặc không được điều trị căn bệnh cuồng dâm của mình” - Farnworth nói và cho biết các bộ trưởng tư pháp tỉnh đã họp với tổng trưởng tư pháp liên bang tại Vancouver để thảo luận những việc cần phải làm ngay để những trường hợp tương tự không tái diễn.

Farnworth cho biết thêm, từ hôm nay, cảnh sát đã dùng công nghệ hiện đại hơn như GPS ghi nhận dịch chuyển của kẻ bị giám sát, không cho y có cơ hội gây án.

“Trước nay, tòa án đều phân loại tội phạm nào là nguy hiểm để áp dụng các biện pháp giám sát tốt nhất nhưng thỉnh thoảng vẫn có tái phạm xảy ra. Đây chính là điều tôi quan tâm và chúng ta cần rà soát lại hệ thống xem có điểm yếu nào để khắc phục” - ông nói.

Serena Vermeersch - nạn nhân của tên cựu tù nhân tình dục Raymond Caissie

Serena Vermeersch - nạn nhân của tên cựu tù nhân tình dục Raymond Caissie

Theo Vancouver News, Canada Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ