Mối tình chị em
Thấy có tiếng người đến, chị Trang lần mò trong bóng tối tìm đường ra cửa để mời tôi vào nhà. Còn anh Vũ (chồng chị - PV) dùng hai tay dò công tắc điện để bật đèn cho sáng.
Căn nhà nhỏ cấp 4 trên phố Dương Quảng Hàm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là tổ ấm của vợ chồng anh Vũ và cô con gái nhỏ 3 tuổi.
Căn nhà cấp 4 này là tổ ấm của anh chị cùng cô con gái nhỏ.
Nhà chị nhỏ chỉ đủ kê một chiếc giường đôi, còn một góc là phòng tẩm quất mát xa cho khách – “cần câu cơm” nuôi sống gia đình chị nhiều năm nay.
Mặc dù không nhìn thấy gì nhưng mọi sinh hoạt từ nấu nướng, giặt giũ, cho con ăn…anh chị đều tự lo hết. Nói rồi, anh Vũ chỉ chiếc gậy dựng góc nhà nói: “Hàng ngày đi chợ hay đón con từ trường mầm non thì dùng cái kia”.
Anh Long Văn Vũ (sinh năm 1982, người dân tộc Tày) sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em ở Cao Bằng.
Năm anh 3 tuổi mắc bệnh sởi nhưng không ai biết và cũng không có tiền chạy chữa nên bị biến chứng lên mắt rồi lấy đi ánh sáng cuộc đời anh.
“Ngày ấy gia đình tôi ăn sắn, ăn khoai, mấy miệng ăn còn chẳng đủ ăn thì lấy đâu ra tiền chạy chữa. Bị sởi 1 tháng bố mẹ thấy tôi không nhìn thấy gì nên đưa ra thầy lang trong bản nhưng quá muộn rồi!”, anh Vũ kể lại với giọng trầm buồn.
Tuổi thơ đối mặt với bóng tối dày đặc, điều anh thấy thiệt thòi là không được đi học như bao người bình thường. Vì vậy anh luôn khao khát được đến trường lấy chữ, lấy nghề, giúp đỡ gia đình.
Đến năm 2007, không muốn phụ thuộc vào người khác, anh xin bố mẹ và kiên trì làm đơn lên Hội người mù tỉnh Cao Bằng để được xuống Hà Nội học nghề tẩm quất mát xa tại Trung tâm Phục hồi chức năng (Trung Kính, Hà Nội) tự nuôi sống bản thân.
Đó là cơ duyên đưa anh gặp chị Trần Thu Trang (sinh năm 1979) – một cô gái có giọng hát trong trẻo, đầy cảm xúc trong một chương trình của hội năm 2008.
Anh Vũ nói: “Cảm thấy nói chuyện hợp nhau thì đến với nhau”. Còn chị Trang thì: “Ban đầu gặp nhau chỉ nghĩ là hai người bạn thân cùng cảnh ngộ tâm sự, chia sẻ thôi.
Mình ấn tượng với cá tính dứt khoát nói là làm, đức tính chân thật của anh ấy. Nhưng mình nghĩ anh ấy kém mình 3 tuổi chắc không đến với mình đâu, dặn mình đừng quá mơ mộng viển vông.
Sau vài lần anh ấy mời uống nước, qua nhà mình chơi mình có cảm tình quý mến. Năm ấy bố anh ấy mất đột ngột, anh sốc bị suy sụp nhiều nên chị cũng động viên nhiều. Và rồi càng ngày hai đứa cảm thấy hợp nhau nên có tình cảm lúc nào không hay”.
Chị nhớ cuộc nói chuyện qua điện thoại lâu nhất giữa hai người là 30 phút – đó cũng là lần anh tỏ tình. Bình thường anh Vũ ít nói và trò chuyện rất ngắn.
“Hôm đó anh nói rằng hoàn cảnh của mình vất vả như nhau, chung sống sẽ còn nhiều khó khăn, nếu hai đứa cùng cố gắng vượt qua thì đến với nhau”, chị Trang kể lại.
Lời tỏ tình mộc mạc ấy đã khiến chị khóc và gật đầu đồng ý dù chị biết nếu hai người khiếm thị đến với nhau sẽ trở ngại nhiều lắm!
Năm 2009 anh chị làm đám cưới với niềm hạnh phúc vô bờ bến nhưng ẩn sâu bên trong suy nghĩ của hai vợ chồng người khiếm thị này là nỗi lo lắng: “Sẽ phải sống ra sao? Kiếm việc như thế nào?”.
Ước một lần được thấy mặt con
Trong căn nhà nhỏ của anh chị chẳng có nhiều đồ đạc giá trị. Dù thiếu thốn nhiều thứ nhưng tôi thấy ánh lên trong đôi mắt của anh chị là ánh sáng của niềm tin, sự lạc quan và tình yêu thương.
Cô con gái nhỏ Long Trần Bảo Ngọc ra đời là niềm vui lớn lao và nguồn động lực lớn nhất của anh chị trong cuộc sống còn quá nhiều khó khăn này.
Bởi đối với chị điều hạnh phúc nhất cuộc đời này là khi còn bé biết bi bô, biết gọi tiếng mẹ đầu tiên trong đời.
Nhắc đến tên con bé, chị Trang rưng rưng, nước mắt chực trào ra. Nghẹn ngào nói với tôi, chị kể tên Bảo Ngọc là do chị đặt. “Sinh bé ra là điều rất khó, lúc cháu sinh ra được 2,3 kg nhỏ bé như búp bê thôi.
Từ lúc con bé cất tiếng khóc chào đời, cháu như viên ngọc quý của vợ chồng tôi”.
Anh Vũ nói thêm vào: “Lúc mang thai con bé, ông bà lo lắng sợ con bé cũng bị mù lòa như bố mẹ nó nhưng vợ chồng tôi luôn tin tưởng ở tương lai”.
Hàng ngày, nụ cười của cô con gái nhỏ Bảo Ngọc là niềm vui của anh chị mặc dù không nhìn được khuôn mặt của con. Con bé như “đôi mắt” giúp anh chị lấy đồ đạc, dẫn đường…
Một lần con bé nói với anh Vũ: “Bố ạ, con biết bố không nhìn thấy, con thương bố lắm” khiến anh cay khóe mắt.
Hay những lần con gái anh nhặt cho mẹ chiếc cốc bị rơi khi chị Trang đang quờ quạng tìm. Rồi khi hai mẹ con sang hàng xóm chơi, lúc về cháu loay hoay tìm dép cho chị rồi đưa chị về nhà.
Khẽ thở dài khi tôi hỏi về thu nhập của gia đình, anh Vũ tâm sự: “Thu nhập chỉ đủ ăn qua ngày, chỉ ngày nào hay ngày ấy”.
Anh kể, trung bình mỗi ngày 2 khách đến tẩm quất được 140 nghìn đồng chưa trừ tiền điện, nước. Với công việc như vậy, mỗi tháng thu nhập của anh chị khoảng 3-4 triệu đồng. “Chẳng được bao nhiêu, tiêu dè xẻn thì đủ em ạ”, chị Trang nói.
Khó khăn là vậy nhưng chị không bao giờ ước giàu có mà chỉ muốn: “Một lần được nhìn rõ khuôn mặt của con, của chồng, của bố mẹ”.
Nói đến đây chị vừa sờ bức ảnh con gái, chị rưng rưng bởi chị biết sẽ chẳng bao giờ đôi mắt mình sáng lại.
Cảm phục tinh thần vượt khó của vợ chồng anh Vũ, ông Nguyễn Văn Hội (Chủ tịch Hội người mù quận Cầu Giấy) nói: “Đây là một trong những hộ khó khăn nhất của Hội. Anh Vũ, chị Trang là những người rất có nghị lực vươn lên số phận”.