Chuyên gia hướng dẫn cách uống thuốc tây dựa vào những bữa ăn hàng ngày

Dựa vào bữa ăn có thể chia thuốc uống ra làm bốn loại: loại uống vào lúc no, loại uống lúc đói, loại nên uống cùng với bữa ăn và loại uống tùy thuộc tính chất của từng loại thuốc.

Chuyên gia hướng dẫn cách uống thuốc tây dựa vào những bữa ăn hàng ngày

Tất cả các loại thuốc nói chung, với thuốc tây nói riêng, đều có các hoạt tính nếu như không sử dụng đúng cách, đúng mục đích chữa trị bệnh tật sẽ gây ra các ảnh hưởng không tốt đến cho sức khỏe. Vì vậy mỗi chúng ta nên lưu ý một số điều sau đây khi sử uống thuốc tây.

Khi nào thức ăn, uống ảnh hưởng đến thuốc

Thức ăn thức uống nếu được dùng chung cùng với thuốc sẽ ảnh hưởng làm thay đổi mức độ hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc, do đó làm thay đổi tác dụng và cả độc tính đối với thuốc. Tức là, nếu dùng thuốc không đúng lúc, thuốc và thức ăn thức uống có thể gây tương tác với thuốc dùng một cách bất lợi. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều thuốc không ảnh hưởng bởi thực phẩm, muốn uống lúc nào cũng được.

Chuyen gia huong dan cach uong thuoc tay dua vao nhung bua an hang ngay - Anh 1

Không uống nhiều loại thuốc cùng một lúc.

Trước hết, thức ăn thức uống có thể làm thay đổi mức độ hấp thu của thuốc đưa đến thuốc có tác dụng nhanh hay chậm. Nếu uống thuốc vào lúc đói (trước khi ăn 1 giờ chẳng hạn) thời gian lưu thuốc tại dạ dày chỉ trong vòng vài chục phút rồi tống ngay xuống ruột giúp thuốc được hấp thu khá nhanh. Trái lại, nếu thuốc uống ngay sau bữa ăn, thời gian lưu thuốc tại dạ dày sẽ lâu hơn, từ 1 - 4 giờ làm ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc, tức thuốc được hấp thu chậm và kém, đưa đến thuốc cho tác dụng chậm.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM), dựa vào bữa ăn có thể chia thuốc uống ra làm 4 loại: loại nên uống vào lúc bụng no, loại uống vào lúc bụng đói, loại nên uống cùng với bữa ăn, và loại uống tùy thuộc vào tính chất của từng loại thuốc.

Thuốc nên uống vào lúc bụng no (tức uống ngay sau khi ăn)

Một số kháng sinh kém bền với môi trường acid như ampicillin, erythromycin, lincomycin… nên uống vào lúc bụng no (nhờ thức ăn trung hòa acid ở dạ dày); nếu uống vào lúc bụng đói làm tăng khả năng phân hủy thuốc do môi trường có nhiều acid tại dạ dày.

Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID: ibuprofen) nếu dùng dạng không bao bảo vệ niêm mạc dạ dày thì nên uống vào lúc bụng no để không hại dạ dày.

Thuốc nên uống vào lúc bụng đói (uống trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 1 - 2 giờ)

Có khá nhiều thuốc kháng sinh nên uống vào lúc bụng đói vì giúp hấp thu thuốc vào máu nhanh hơn để thuốc sớm cho tác dụng điều trị.

Còn thuốc được bào chế dạng bao tan ở ruột (như Aspirin pH8) hay dạng phóng thích dược chất kéo dài (như Adalate LP) nên uống vào lúc bụng đói, tức để thuốc được đưa xuống ruột nhanh giúp màng bao viên thuốc không bị vỡ gây ảnh hưởng đến tác dụng thuốc.

Thuốc nên uống cùng với bữa ăn

Các thuốc tan nhiều trong dầu mỡ như: vitamin A, D, E, K, kháng sinh kháng nấm griseofulvin nên uống cùng bữa ăn (ngay trước hoặc ngay sau cũng được) để nhờ chất béo của thức ăn thức uống giúp thuốc hấp thu tốt hơn. Thuốc trợ tiêu hóa bổ sung enzyme tiêu hóa pancreatin (Festal, Neopeptine…) cũng nên uống cùng với bữa ăn (hoặc trước khi ăn 5 - 10 phút) để giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Thuốc uống lúc nào tùy thuộc vào tính chất của từng loại thuốc

Vì mỗi loại thuốc có bản chất khác nhau nên không có quy luật chung về uống thuốc vào lúc nào cho tất cả các loại thuốc. Cũng như không có tài liệu nào trình bày đầy đủ cách uống thuốc cho mọi loại thuốc. Mà cách dùng thuốc lúc nào sẽ tùy vào sự hiểu biết về dược động học, dược lực học của từng loại thuốc cụ thể mà được áp dụng (thông thường bản hướng dẫn sử dụng thuốc có đề cập nhưng có khi không nói đến).

Chuyen gia huong dan cach uong thuoc tay dua vao nhung bua an hang ngay - Anh 2

Không lạm dụng thuốc.

Ví dụ thứ nhất cho thấy uống thuốc lúc nào tùy thuộc vào tác dụng của thuốc. Domperidon (Motilium-M) là thuốc có tác dụng kích thích nhu động của dạ dày, làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị sau bữa ăn; cho nên, domperidon được dùng trị chứng khó tiêu đầy bụng, no lâu do thức ăn chậm xuống ruột.

Cần uống thuốc domperidon 15 - 30 phút trước bữa ăn nhằm cho thuốc có đủ thời gian hấp thu vào máu cho tác dụng trị chứng khó tiêu do dạ dày hoạt động không tốt. Bởi vì sau khi uống doperidom khoảng 30 phút thì thuốc mới vào được trong máu và đạt được nồng độ đỉnh trong huyết tương, tức khi đó thuốc mới cho tác dụng tốt nhất. Nếu ta uống thuốc sau bữa ăn, và thời gian uống sau bữa ăn lại quá dài, domperidon không kịp phát huy tác dụng trị chứng khó tiêu đã phát sinh.

>>> Xem thêm: Cách cho con uống thuốc có thể hại chết trẻ nhiều mẹ Việt mắc

Ví dụ thứ hai cho thấy uống thuốc lúc nào không chỉ tùy thuộc vào tác dụng của thuốc mà còn tùy thuộc vào tác dụng phụ có hại của thuốc. Glimepirid là thuốc trị trị đái tháo đường týp 2 (ĐTĐ2) theo cơ chế kích thích tế bào bêta của tuyến tụy tiết insulin để giúp hạ đường huyết nếu có sự tăng đường huyết. Đối với người bệnh ĐTĐ2, thời điểm tăng đường huyết dễ xảy ra sau bữa ăn. Vì vậy, nên uống thuốc glimepirid ngay trước bữa ăn sáng hoặc bữa ăn chính đầu tiên trong ngày (có tài liệu ghi uống vào bữa ăn thì cũng tương tự).

Uống ngay trước bữa ăn để glimepirid có thời gian cho tác dụng đúng lúc đường huyết bắt đầu tăng do bữa ăn. Còn metformin cũng là thuốc trị ĐTĐ 2 nhưng nên uống metformin sau bữa ăn vì metformin có tác dụng phụ gây rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy), nếu uống bụng trống dễ bị rối loạn tiêu hóa hơn (uống trước bữa ăn do bụng đói dễ bị nôn hơn)..

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, để biết lúc nào uống thuốc tốt nhất, người sử dụng thuốc nên tham khảo thông tin bằng cách hỏi bác sĩ chỉ định thuốc, dược sĩ nơi mua thuốc, nhất là đọc kỹ bản hướng dẫn sử dụng thuốc. Nếu có yêu cầu về thời điểm đặc biệt dùng thuốc, bạn sẽ được hướng dẫn, còn nếu không thì uống thuốc lúc nào cũng được.

Theo SKCĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ