Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên tháp tùng đã chia sẻ vài thông tin bên lề cuộc gặp mà người viết bài này không có dịp được chứng kiến.
Trung tâm hội nghị quốc tế ở Myanmar bố trí cho mỗi đoàn khách một phòng họp. Đoàn Hoa Kỳ ở một vị trí đắc địa nhưng khuất nẻo bởi phải rẽ từ hành lang phụ.
Thông thường, những cuộc gặp song phương, chủ đón khách trong phòng cửa đã mở sẵn. Trân trọng hơn, ngay trước cửa. Nhưng Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama đã ra tận chỗ rẽ hành lang cách phòng họp chính gần 20 m để đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam.
Khách (tạm gọi thế) Việt Nam tới đã thấy những vuông cờ đỏ sao vàng, cờ sao và vạch của Hoa Kỳ được lễ tân tháp tùng Tổng thống chuẩn bị trước. Những lá cờ hai nước khổ lớn đã ngay ngắn chĩnh chiện tại vị trí trang trọng trong căn phòng.
Có điều gì như khang khác khi trên truyền hình cùng các phương tiện truyền thông thấy đưa hình ảnh Tổng thống Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngồi bên cạnh nhau cùng trao đổi?
Các cuộc gặp chính thức, hai vị Trưởng đoàn hoặc thành viên hai đoàn thường ngồi đối diện? Một chi tiết phải là người trong cuộc mới biết ấy là lễ tân đã bố trí riêng hai chiếc ghế cho Tổng thống và Thủ tướng ngồi chuyện trò trước.
Cùng nhau trông mặt cả cười. Có lẽ vận câu Kiều với cái bắt tay thân mật của Tổng thống và Thủ tướng có lẽ cũng phải? Cái cả cười ấy như tưởng thưởng cho những tiến triển đạt được trong quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, nhất là từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập khuôn khổ hợp tác Đối tác toàn diện năm 2013; hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, nhân đạo, năng lượng sạch được tăng cường; đối thoại trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng và quyền con người được tiến hành thường xuyên; cùng tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nụ cười như tái hiện trên gương mặt Tổng thống Barack Obama khi ông khẳng định, Hoa Kỳ mong muốn thấy một đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng; cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở các lĩnh vực ưu tiên được đề ra trong quan hệ đối tác toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước…
Cuộc gặp hôm nay dường như vẫn đương tiếp tục Phong cách ngoại giao của các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là tranh thủ song phương trong đa phương?
Trong các hoạt động đối ngoại liên tục, dày đặc, ông đã sử dụng một phương tiện, một thông lệ của phương pháp ngoại giao nhưng sáng tạo, hiệu quả theo cách riêng của mình?
Những cuộc thăm hữu nghị chính thức đến một quốc gia và làm việc với những người lãnh đạo quản trị quốc gia ấy, thường vô số những thủ tục những nhiêu khê tốn kém nhưng cần phải có, phải thực thi của một cuộc thăm song phương.
Phải vậy chăng nên ngạch ngoại giao đã xuất hiện cái nhánh ngoại giao song phương nhân các cuộc gặp đa phương?
Khó mà kê biên hết ra đây những song phương trong đa phương trong hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Năm ngoái, trong nhóm báo chí tháp tùng, chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến chỉ trong một ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân thế giới lần thứ 3 được tổ chức tại La Hay (Hà Lan) với tư cách một thành viên vừa có cuộc gặp song phương với 20 nguyên thủ quốc gia…
Không phải lần đầu diện kiến! Ngài Tổng thống Hoa Kỳ, trong phương pháp song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp ngắn bên lề tại Campuchia nhân Hội nghị Cấp cao Đông Á năm 2012.
Và hai bên đã có lịch trình cụ thể một cuộc song phương ở Brunei nhân Hội nghị cấp cao ASEAN nếu TT Obama không vướng bận cái nạn khủng hoảng chính phủ. Và tại La Hay, Tổng thống và Thủ tướng VN cũng đã có một cuộc gặp ngắn.
Tổng thống Obama bay thẳng từ Bắc Kinh đến Nay Pyi Daw vào buổi chiều với một phái đoàn hùng hậu. Chuyên cơ chuyên xa và rất nhiều phóng viên.
Hơn 1.300 phóng viên đến thủ đô Miến Điện lần này, gấp đôi so với cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần trước vào tháng 5 vừa qua cũng ở Nay Pyi Daw.
Các ký giả tới Miến Điện vượt trội lần này, có lẽ họ không muốn bỏ qua cơ hội sự hiện diện của TT Hoa Kỳ bởi dịp Thượng đỉnh Đông Á vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã không thể đến dự.
Lần này, ông Obama đến Miến Điện trong khuôn khổ một chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương cũng là để khẳng định lại vai trò của Mỹ trong khu vực cùng là chính sách xoay trục?
Lại khang khác tiếp một việc, thông thường sau mỗi cuộc đón việc hội kiến kết thúc thì mới diễn ra việc gặp gỡ báo chí. Nhưng trước khi diễn ra cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì Tổng thống Obama đã ra hiệu mời báo chí vào…
Sự kiện TT Hoa Kỳ Obama chủ động gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ngay tại bản doanh của Đoàn Hoa Kỳ tại Trung tâm Hội nghị Myanmar đã thu hút đội quân báo giới chuyên tháp tùng Tổng thống và báo chí quốc tế có mặt ở Thượng đỉnh 25.
Tất nhiên, số may mắn có thẻ sự kiện để tham dự vào những cuộc gặp đại loại như cuộc gặp của TT Mỹ và Thủ tướng Việt Nam như thế này thường không nhiều.
Lèn chật ních căn phòng hẹp ngay bên cạnh phòng tiếp khách của TT Hoa Kỳ là những ký giả nhanh nhậy mẫn cán. Gần như xôm tụ sự hiện diện của giới truyền thông cộm cán Reuters, The President The Wall Street Journal, AP, AFP, UPI, Washington Post, Asia News Networ ABC News,…
Khi được thông báo, họ liền ùa ra phòng khách chỗ hai vị Tổng thống và Thủ tướng đang ngồi kề bên với tất tật những sự nhanh gọn có thể.
Chừng như giữa Tổng thống và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng thuận một nội dung thông tin cho báo giới?
Tổng thống Obama với vẻ điềm tĩnh cởi mở vốn có đã hướng về phía các ký giả gần như thông báo vắn tắt trước những nội dung cuộc gặp gỡ bàn thảo với Thủ tướng Việt Nam sắp diễn ra (mà sau đó, nhiều kênh truyền thông đã loan tải).
Có lẽ thời gian dành cho báo chí hơi eo hẹp? Chỉ đủ cho thời gian ghi hình. Thay vì những câu hỏi thì gian phòng hẹp vang dậy chuỗi âm thanh các cửa chập, các cung bậc bấm máy.
Sau đó là cuộc gặp mới chính thức diễn ra.
Trong nhiều vấn đề mà Tổng thống cùng Thủ tướng bàn thảo và đạt được sự nhất trí cao, có lẽ điểm nhấn vẫn là TPP và biển Đông.
Chợt nhớ cuộc gặp như nối dài, nối thêm một cách sinh động cụ thể cuộc gặp ngắn bên lề nhân Hội nghị Cấp cao Đông Á năm 2012 ở Campuchia. Lần gặp ấy thời gian eo hẹp, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thông báo với TT Obama những điều cần nói.
Thủ tướng đề nghị rằng trong 12 quốc gia tham gia TPP, do Việt Nam phải tiến hành lâu dài cuộc tái thiết khôi phục hậu họa sau các cuộc chiến tranh vệ quốc nên VN là một nước nghèo.
Đề nghị Hoa Kỳ cần có sự linh hoạt ưu tiên để VN sớm hội nhập và phát huy thế mạnh của mình ở sân chơi TPP. Tổng thống Hoa Kỳ đã vui vẻ đồng ý và quay sang các trợ lý cùng Bộ trưởng Thương mại đi theo nói là cần ghi nhớ lời đề nghị đó của VN!
Ở cuộc gặp lần này rành rẽ, cụ thể thêm vì có thời gian. Vì hình thức cuộc gặp là chính thức theo gợi ý của Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao vai trò của Tổng thống Barack Obama và khẳng định Việt Nam quyết tâm cùng với Hoa Kỳ và các nước tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định TPP trên cơ sở bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên tham gia và dành cho các thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thời gian chuyển đổi hợp lý để thực thi Hiệp định; đề nghị Tổng thống Obama chỉ đạo đoàn đàm phán Hoa Kỳ đáp ứng các lợi ích của Việt Nam về mở cửa thị trường và có những linh hoạt cần thiết phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.
Tổng thống Obama khẳng định sẽ xem xét dành những linh hoạt cần thiết đối với Việt Nam và phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Những linh hoạt cần thiết ấy có lẽ cũng chỉ là một khái niệm chung chung? Mà bạn đọc đang muốn được tiếp cận bằng những việc, chi tiết cụ thể sinh động? Có lẽ thời điểm chuẩn bị hoàn tất TPP hoặc diễn ra việc ký kết, khái niệm ấy sẽ được bạch hóa?
Mà theo đó chúng ta sẽ được tường tận, được chứng kiến những cố gắng những thiện chí của các đối tác cũng như những gắng gỏi của người từng trực tiếp đàm phán.
Quan điểm nhất quán xuyên suốt của Việt Nam về vấn đề biển Đông tại diễn đàn Thượng đỉnh 25 cũng như song phương như với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Thủ tướng LB Nga Medvedev, Thủ tướng Australia Tony Abbott, Cấp cao Đông Á… và bây giờ với Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Việt Nam cũng thẳng thắn về những diễn biến phức tạp đang gia tăng căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.
Tình hình biển Đông lại phức tạp thêm bởi việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC.
Để ASEAN chủ động có trách nhiệm hơn trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực cần tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 của Tuyên bố này, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Đồng thời, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN - Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc COC có tính ràng buộc.
Tổng thống Hoa Kỳ như có cách riêng, như nhân lên sự biểu thị sự đồng cảm với quan điểm của Thủ tướng Việt Nam trong phát biểu với báo giới ngay sau cuộc gặp.
"Về chủ đề an ninh, chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm rằng điều quan trọng là tất cả các nước trong khu vực dù là nước lớn hay nước nhỏ đều phải tuân theo những qui tắc dựa vào luật lệ cũng như luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp".
(Và ngày 15/11/2014, tại Diễn đàn Thượng đỉnh G.20 ở Úc, đã vang lên âm sắc của ngài Tổng thống Hoa Kỳ Obama với lời phát biểu Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam cải cách sâu rộng nền kinh tế và tăng cường năng lực hàng hải).
Có thể dễ nhận ra những nét tất tả phong sương chừng như quá sức của ngài Tổng thống Hoa Kỳ, nhất là những thời điểm gian nan sóng gió mới đây trong nhiệm kỳ của mình?
Rồi hàng núi công việc đối nội khi quyền hạn của Tổng thống đã vơi vợi bớt trong đó cộm cán là việc cải tổ chính sách nhập cư cũng gian nan như việc liên kết với thế giới để chống khủng bố và bạo lực gia tăng ở Iraq và Syria. Mà quỹ thời gian hai năm còn lại liệu có đủ trang trải cho những bộn bề này khác?
Nhưng ông đã đến Á Châu trong cuộc công du 10 ngày. Người ta nói giành được một giờ với TT Mỹ đã khó đủ biết chính sách xoay trục không thay đổi và quan trọng như thế nào với sự kiến tạo bình an cho thế giới?
Một đồng thuận cuối cuộc là lời mời Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tổng thống Obama cười nói rằng, "tôi và vợ tôi đã rất muốn thăm Việt Nam từ lâu những chưa có cơ hội. Mong hai bên thu xếp sớm để sang năm vợ chồng tôi thăm Việt Nam dịp mối quan hệ chúng ta tròn hai mươi tuổi".
Cuộc gặp song phương với những kết quả ngoài mong đợi của cả hai bên diễn ra, theo lịch trình chỉ hơn 30 phút nhưng đã hơn 50 phút trôi qua mà chủ khách vẫn còn nhiều điều muốn trao đổi.
Có lẽ cũng không có ai liếc đồng hồ nhưng các tùy tùng đều biết, cuộc gặp đến lúc phải khép. Bởi chỉ còn vài phút nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Việt Nam phải tham dự sự kiện quan trọng là tới địa điểm bên cạnh để dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+ Trung Quốc.