Chuẩn bị tâm thế bước vào kỳ thi ĐH đợt 2

Chuẩn bị tâm thế bước vào kỳ thi ĐH đợt 2
Thí sinh làm thủ tục dự thi. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh làm thủ tục dự thi. Ảnh: gdtd.vn

Hà Nội: Ghi nhận của phóng viên, tại một số trường có lượng hồ sơ dự thi lớn trong đợt thi này, số lượng thí sinh đến làm thủ tục đều tăng hơn so với năm trước. Như trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sáng nay có 9086 thí sinh đến làm thủ tục trên tổng số 12.242 thí sinh đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 74,2%, tăng khoảng 8% so với năm 2009.

Trường ĐH Ngoại thương đạt tỷ lệ số thí sinh đến làm thủ tục sáng nay so với tổng số thí sinh đăng ký là 60%, tăng 3% so với năm 2009. Cụ thể, số đến làm thủ tục là 2251 trên tổng số 4248 thí sinh đăng ký dự thi (khối D tại cơ sở 1).

60% thí sinh đến làm thủ tục/số đăng ký dự thi cũng là con số mà trường ĐH Hà Nội công bố, tăng nhẹ so với năm trước. Năm nay, ĐH Hà Nội có 7374 thí sinh đăng ký dự thi tại 6 điểm thi với 188 phòng thi; 4357 thí sinh đã đến địa điểm thi làm thủ tục trong  buổi sáng nay.

Ghi nhận tại nhiều Hội đồng thi, những sai sót trong hồ sơ dự thi của thí sinh là không nhiều, chủ yếu là những lỗi thường gặp như sai về họ tên, ngày tháng năm sinh hoặc ... Những lỗi này đã được chỉnh sửa ngay trong buổi sáng. Riêng Hội đồng thi trường ĐH Xã hội & Nhân văn (ĐHQGHN), sáng nay, một số thí sinh muốn thay đổi khối thi nhưng không được phép. Còn tại ĐH Đà Nẵng, trong sáng nay, chỉ có khoảng 10 thí sinh phải chỉnh sửa sai sót về ngày sinh trên giấy báo thi.

Năm nay, việc làm thủ tục đăng ký cũng nhanh hơn nhiều do không phải thu lệ phí thi. Tại ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, chỉ hơn 9 giờ sáng, đội tình nguyện hướng dẫn thí sinh và phân luồng giao thông làm việc tại đây đã thu dọn đồ đạc, kết thúc công việc.

Bên cạnh việc chỉnh sửa những sai sót trong hồ sơ dự thi, mục đích của các thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng nay còn là nghe phổ biến về quy chế thi. Vì đây là đợt thi có nhiều khối thi và nhiều môn thi tự luận nên kỷ luật phòng thi càng được thiết chặt. Nội dung phổ biến thí sinh không được mang tài liệu, các vật dụng không đúng quy định, đặc biệt là điện thoại di động được nhấn mạnh.

Riêng đối với môn Địa lý, không giống như thi tốt nghiệp, trong kỳ thi ĐH, CĐ, thí sinh nên nhớ không được mang Atlat địa lý vào phòng thi.

Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, bà Đào Thị Thu Giang cho biết, trường vẫn quán triệt cả thí sinh và cán bộ coi thi tăng cường giám sát ở cả 3 “trạm”, từ bảo vệ đến sinh viên tình nguyện và giám thị. Ở cả 3 trạm này, thí sinh đều được nhắc nhở để hạn chế tối đa việc mang tài liệu vào phòng thi, đặc biệt là điện thoại di động. Trường cũng bố trí 20 sinh viên tình nguyện tiếp nhận túi, vật dụng tư trang của thí sinh dự thi, trong đó có cả di động.

Tại trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, việc tuyệt đối không được mang các vật dụng trái phép vào phòng thi cũng được quán triệt nghiêm túc. Bên cạnh đó, phòng thi nào cũng có dán thông báo nhưng vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Theo ông Lê Quốc Hạnh, quyền Trưởng phòng đào tạo nhà trường, nhờ thực hiện nghiêm túc điều này mà trong đợt thi đầu tiên, không có tthí sinh nào dự thi tại trường vi phạm quy chế.

Ngày mai 9/7, thí sinh sẽ chính thức thi môn đầu của đợt thi thứ 2. Thí sinh hai  khối C, D sẽ thi môn Văn; khối B sẽ thi môn Sinh. Các thí sinh sẽ phải thực sự chú ý về mặt sức khỏe vì 2 ngày thi sẽ tiếp tục nắng nóng.

ĐH Đà Nẵng: Không có TS nào chỉnh sửa hồ sơ ĐKDT

Trong đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2010, ĐH Đà Nẵng có 15.830 hồ sơ ĐKDT với 444 phòng thi tại 17 điểm thi; có 899 CB,SV được huy động làm công tác coi thi. Số TS có mặt trong ngày làm thủ tục dự thi là 12.173, đạt tỉ lệ 76,9%.

Đặc biệt, trong đợt 2 của kỳ thi tuyển sinh này, không có TS nào chỉnh sửa hoặc cấp lại giấy báo dự thi ĐH.

Được biết, trong số các TS sẽ dự thi đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010, lần đầu tiên, ĐH Đà Nẵng có 2 TS khiếm thị ĐKDT, đó là trường hợp của TS Nguyễn Vũ Nhựt và Võ Thế Nguyên (dự thi vào trường ĐH Sư phạm) dự thi tại HĐT trường THCS Trần Hưng Đạo.

HĐTS ĐH Đà Nẵng cho phép 02 giáo viên của trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu được đến địa điểm thi để giúp các em trong vấn đề chuyển ngữ từ chữ nổi Braille sang chữ bình thường. Hai TS và GV này sẽ được bố trí ngồi dự thi riêng tại phòng Hội đồng chứ không ngồi trong phòng thi cùng với các TS khác.

Rút kinh nghiệm từ những sai sót của các TS trong đợt 1, ĐH Đà Nẵng đã quán triệt đến tất cả các giám thị phổ biến quy chế thi cho TS thật cặn kẽ, tránh trường hợp đáng tiếc như mang ĐTDĐ vào phòng thi, muộn giờ thi… Những điều này, giám thị đều phải nhắc nhở TS trước và sau các buổi thi.

Đại học Huế: 25 trường hợp thiếu giấy báo dự thi

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 2, Đại học Huế có 63 điểm thi; 1203 phòng thi; 41815 hồ sơ. Sáng ngày 8/7, số thí sinh có mặt là 32477, tạm vắng mặt: 9338 thí sinh. Tỉ lệ có mặt (so với số hồ sơ): 77,67 %. Điểm thi TS có mặt nhiều nhất là  88,51% (Khối T điểm thi tại trường Trung cấp Âu Lạc.

Điểm thi TS có mặt ít nhất là  67,50% (Điểm thi trường Tiểu học Hương Long). So với các năm trước, tỉ lệ thí sinh có mặt trong buổi tập trung đợt 2 năm nay vẫn cao, hơn năm 2009 khoảng 6%.  Tình hình tại các điểm thi: Mọi việc diễn biến bình thường.  Việc chỉnh sửa dữ liệu tại các điểm thi không nhiều (do đã được Thư ký Hội đồng tuyển sinh kiểm dò và chỉnh sửa trước đó rồi).

Năm nay ĐH Huế tiếp tục tổ chức thi cho 9 TS khiếm thị, trong đó 8 TS nộp hồ sơ vào các ngành của ĐH Huế, 1 TS của Học viện Âm nhạc Huế gửi thi nhờ môn Văn. Tuy nhiên hôm nay có 8 thí sinh thi vào ĐHH đến làm thủ tục dự thi; thí sinh thi vào HV Âm nhạc chưa thấy đến.
   
Các ngày qua vẫn có một số  thí sinh (khoảng 25 trường hợp) không nhận được Giấy báo dự thi  (phần lớn là lỗi của thí sinh, do không đến nơi nộp Hồ sơ để nhận theo quy định) hoặc là Bưu điện không chuyến đến cho thí sinh, HĐTS phải cấp Giấy giới thiệu (thay Giấy báo dự thi) cho các thí sinh này đến điểm thi để làm thủ tục dự thi. Những trường hợp thiếu các giấy tờ khác, yêu cầu thí sinh làm Giấy cam đoan và cho thí sinh dự thi.

Hiếu Nguyễn - Thanh Huế - A.Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ