(GD&TĐ) - Với tất cả những ai thật sự quan tâm và nhiệt tâm với sự nghiệp giáo dục, hẳn sẽ có chung một ấn tượng tốt đẹp, một xúc cảm tươi mới ở thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 8 (Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đây không phải lần đầu, cụm từ “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “sự nghiệp giáo dục là của toàn Đảng toàn dân” được nhắc tới. Nhưng đây là lần đầu tiên, cụm từ này được đúc kết từ rất nhiều nội dung, ý tưởng của hành động, phát triển thêm nhiều điểm mới so với những lần đổi mới trước đây.
Từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về giáo dục và công nghệ, Đảng ta đã đưa chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo vào cuộc sống; Nghị quyết 40/2000/QĐ10 của Quốc hội khóa X, nhà trường đã đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông; cùng nhiều chủ trương chính sách khác đã góp phần đổi mới nhà trường theo nhu cầu xã hội.
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện về GD đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, trong đó chú trọng đến yêu cầu đổi mới quản lý GD theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các trường ĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD-ĐT từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá XII vào ngày 19/6/2009 với sự đồng thuận cao đã tạo cơ hội học tập nhiều hơn từ bậc mầm non đến đại học.
Tinh thần đổi mới mang nội dung cải cách cũng đã được thể hiện trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 mà Bộ GD&ĐT đang soạn thảo, đúng theo Kết luận của Bộ Chính trị số 242 – TB/TW ngày 15/04/2009 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020.
Từ tư tưởng chỉ đạo quyết liệt của Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về việc giáo dục “được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; từ sự trả lời đầy tự tin và bản lĩnh của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Đổi mới lần này là căn bản, toàn diện nhưng không có nghĩa là xóa sạch đi, làm mới hoàn toàn. Những thành tựu giáo dục đã có, những giá trị tốt đẹp về văn hóa, lịch sử dân tộc, truyền thống giáo dục cách mạng nước nhà cần phải được giữ gìn.
Nhưng cũng có những điều ta phải cập nhật và nhiều cái chúng ta phải trở lại như bình thường, đúng với sự phát triển khoa học của thế giới”, xin được hệ thống lại đầy đủ những bước đi đổi mới của giáo dục trong chặng đường gần 30 năm đổi mới của đất nước.
Còn nhớ trong phiên làm việc cuối cùng của Hội nghị trước khi bế mạc, một đại biểu đã nhắc lại câu nói đầy ấn tượng của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Tôi coi thực hiện đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn”. Từ đây, rất nhiều người đã có dịp hiểu thêm và hiểu một cách sâu sắc triết lý vận hành của giáo dục là phải vượt qua rất nhiều gian nan thử thách bằng một niềm tin và quyết tâm lớn, thậm chí “sẵn sàng trả giá” để đi tới thắng lợi.
Những hiện tượng còn yếu kém của GD - một hệ thống lớn đang chuyển động đổi mới trong điều kiện nền kinh tế thị trường và đất nước mở cửa – là không thể tránh khỏi. Ngọn lửa nhiệt tình đang cháy lên từ con tim của hàng triệu thầy giáo, cô giáo và các cán bộ quản lý giáo dục đang ngày đêm mang hết tâm huyết và tâm lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người, cũng là chăm lo cho tương lai và tiền đồ của dân tộc. Có thể thấy rõ bản lĩnh của GD Việt Nam thập niên đầu thế kỷ 21, chuẩn bị hành trang cho thập niên tiếp theo.
Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hoá tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và con người ở mọi quốc gia thì GD cần phải tận dụng tối đa mọi cơ hội để đáp ứng với những triển vọng và thách thức. Bắt đầu từ những viên gạch, chất kết dính cùng nhiều vật liệu khác, GD liên tiếp tạo nên sự vững chãi, đẹp đẽ cho những ngôi nhà mới trên cái nền truyền thống.
Có thể nói, chưa bao giờ giáo dục nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của toàn Đảng, toàn dân như bây giờ. Đó là hạnh phúc của chúng ta, dù “chưa vẹn tròn vui” nhưng cũng “đã sáng tươi” (ý thơ Tố Hữu).
Hồng Thúy