Chưa chốt phương án dời V-League 2021 sang 2/2022?

GD&TĐ - Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chỉ mới trình kế hoạch dời V-League 2021 sang tháng 2/2022, còn quyền quyết định thuộc về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

HAGL đang dẫn đầu V-League 2021 - vẫn muốn giải đấu kết thúc trong năm.
HAGL đang dẫn đầu V-League 2021 - vẫn muốn giải đấu kết thúc trong năm.

“Do những diễn biến phức tạp của Covid-19 nên Ban tổng giám đốc trình lên Hội đồng quản trị VPF phương án dời V-League 2021 sang tháng 2/2022”, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú giải thích quy trình: “Trên cơ sở đó, chúng tôi trình phương án lên VFF và quyết định có dời giải hay không phụ thuộc vào VFF”.

V-League 2021 phải tạm dừng từ 7/5 do các cầu thủ SLNA thuộc diện F2. VPF dự định cho giải đấu tiếp tục vào ngày 31/7 nhưng không thể diễn ra theo kế hoạch do Covid-19 bùng phát trở lại.

“Chức năng của VPF chỉ là đơn vị thực hiện, tổ chức giải đấu mà thôi. Hiện, chưa có gì chắc chắn. Khi nào có quyết định từ VFF, chúng tôi sẽ thông báo đến các đội bóng”, ông Tú nói thêm.

Kế hoạch rời giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam sang 2/2022 được 6/7 thành viên Hội đồng quản trị VPF tán thành hôm 17/7 và sẽ có hiệu lực nếu Ban chấp hành VFF thông qua vào tuần tới.

Tuy nhiên, quyết định của VPF đã vấp phải sự phản ứng của nhiều đội bóng, trong đó có Dược Nam Hà Nam Định, Hải Phòng FC, thậm chí cả đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng HAGL.

Lãnh đạo các đội bóng đều bức xúc cho rằng họ không được VPF hỏi ý kiến và “chỉ biết được thông tin qua báo chí”. Nếu giải đấu phải dời sang năm 2022 sẽ đẩy các đội bóng vào tình thế khó khăn tài chính.

“Trung bình mỗi đội bóng phải bỏ 2 đến 3 tỷ đồng tiền lương, lót tay và sinh hoạt mỗi tháng”, một lãnh đạo đội bóng thuộc V-League 2021 cho biết: "Nếu dời giải sang năm sau, chúng tôi không biết sẽ trả cầu thủ về hay cứ tiếp tục nuôi quân mà không thi đấu”.

Lãnh đạo các đội bóng còn lo ngại về hợp đồng với các cầu thủ ngoại: “Hợp đồng với ngoại binh thường hết sau mỗi năm và nếu kéo dài sang năm sau các đội bóng sẽ phải thương lượng lại với họ. Tóm lại, đội nào cũng phải trả lương, nuôi quân nhưng không thể thi đấu thì thiệt hại rất lớn”.

Hơn 2 tháng qua, 14 câu lạc bộ vẫn đang duy trì để chờ ngày giải đấu tái khởi tranh, kể cả thi đấu cách ly tập trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.