Chữa bệnh bằng tế bào gốc

GD&TĐ - Những tiến bộ mang tính đột phá của y học hiện đại đã mở ra chân trời mới cho các phương pháp chẩn đoán và điều trị nhờ các công cụ và thuốc mới.

Nuôi cấy tế bào gốc. 	Ảnh: INT
Nuôi cấy tế bào gốc. Ảnh: INT

Trong số đó phải kể đến việc sử dụng tế bào gốc của một người để tái tạo, phục hồi các bộ phận cơ thể bị hỏng của chính người đó...

Lịch sử nghiên cứu

Tế bào gốc còn gọi là tế bào mầm hoặc tế bào nền móng, tên tiếng Anh là Stem cell. Từ tế bào gốc, các loại tế bào của cơ thể được tạo ra và hình thành các bộ phận cơ quan của con người. Năm 1950, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các loại kháng thể trên cơ thể con người và kháng nguyên trên các màng tế bào.

Năm 1994, Ariff Bongso - một nhà khoa học người Sri Lanka - lần đầu tiên đã tách thành công tế bào gốc từ phôi người. Từ đó các nhà nghiên cứu mở ra hướng mới trong việc tìm kiếm một phương pháp điều trị từ các tế bào gốc. Đến nay, nhiều kết quả quan trọng đã dần được ứng dụng trong thực tiễn.

Nói thì nghe đơn giản, nhưng thật ra việc nghiên cứu tế bào gốc ban đầu cũng chịu nhiều áp lực, điều tiếng và sự phản ứng mạnh mẽ của đạo đức, tín ngưỡng, niềm tin và tôn giáo.

Năm 2004, bác sĩ Phan Toàn Thắng (Đại học Quốc gia Singapore) là người đầu tiên trên thế giới tách được tế bào gốc từ màng cuống dây rốn, gây chú ý đặc biệt trong dư luận. Vì đây chính là tiền đề để có thể nghiên cứu chữa lành các vết thương do bỏng gây ra, hoặc các vết loét khó lành do phóng xạ và nhất là ứng dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Tế bào gốc là nguồn cội phát triển

Tế bào gốc là những tế bào còn rất non trẻ. Chúng có khả năng tự thay mới và biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt khác để tạo nên các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể. Ngoài ra, chúng có thể thay thế cho các tế bào ở các mô, cơ quan bị mất đi do già và chết tự nhiên hoặc bị tổn thương vì các nguyên nhân khác.

Tế bào gốc được xem như là nhà cung cấp các loại tế bào cần thiết bảo đảm cho cơ thể các chức năng hoạt động bình thường, như sự bài tiết của thận, nhịp đập của quả tim, hoạt động suy nghĩ của não...

Khi tế bào gốc phân chia, có thể tạo ra thêm nhiều tế bào gốc mới hoặc hình thành các loại tế bào khác. Như các tế bào gốc của da có thể tạo ra thêm những tế bào gốc mới với chức năng riêng biệt có ảnh hưởng đến sắc tố da.

Lúc mắc bệnh, tế bào của các bộ phận cơ quan trong cơ thể cũng... bị thương hoặc là chết. Lúc này tế bào gốc đóng vai trò cứu vãn tình thế. Nó hoạt động nhằm sửa chữa các tế bào đang bị thương và thay thế những tế bào chết do mắc bệnh bằng những tế bào mới lành lặn, khỏe mạnh. Đây là cách mà tế bào gốc giữ cho cơ thể con người luôn trong trạng thái bình thường và chống lại các sự thoái hóa bất thường.

Mỗi bộ phận trong cơ thể có một loại tế bào gốc riêng. Do đó, tế bào gốc có nhiều loại khác nhau. Như máu có nguồn gốc từ tế bào tạo máu, gan có nguồn gốc từ tế bào gan, da có nguồn góc từ tế bào da... Tế bào gốc xuất hiện vào giai đoạn phát triển đầu tiên của cuộc đời con người và khi các nhà nghiên cứu cấy tạo ra tế bào này được gọi là phôi tế bào gốc.

Phôi tế bào gốc được làm từ phôi thai vài ngày tuổi. Ở nhiều nước, phôi thai này là nguồn dự trữ của chương trình điều trị khả năng sinh sản. Phôi tế bào gốc mang lập trình chức năng tạo ra các mô và cơ quan trong cơ thể con người. Còn tế bào gốc của người trưởng thành không có. Điều này có nghĩa là, phôi tế bào gốc có nhiều khả năng tự nhiên để sửa chữa những cơ quan bị mắc bệnh.

Từ phôi tế bào gốc, toàn bộ những cơ quan trong cơ thể được hình thành và phát triển. Các nhà nghiên cứu có thể tác động cho phôi tế bào gốc trở thành hầu hết các loại tế bào khác. Trong lúc tế bào tạo máu chỉ có thể làm ra máu, nhưng phôi tế bào gốc có thể làm ra không chỉ là máu mà con tạo ra da, xương và thậm chỉ là não...

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Ứng dụng trong điều trị

Tế bào gốc được dùng thay thế các tế bào bệnh hoặc đã chết. Do đó nó làm cho bộ phận mắc bệnh phục hồi và cơ thể khỏe mạnh trở lại sau điều trị. Chẳng hạn như một bệnh nhân bị đau gan, khi các tế bào gốc được cấy vào, các tế bào gan bị tổn thương hoặc chết sẽ được thay thế bằng những tế bào lành lặn. Nhờ đó, hoạt động của gan trở lại như bình thường.

Tuy nhiên, việc điều trị bằng tế bào gốc cũng gặp nhiều phức tạp trong vấn đề... tiếp nhận mô lạ do cơ địa không thích hợp với những yếu tố lạ mặt này hoặc tế bào gốc có thể gây ra bướu.

Song, triển vọng ứng dụng tế bào gốc trong điều trị rất lớn. Đây là niềm hy vọng để chữa khỏi các bệnh ung thư, bệnh Parkinson, bệnh tim, bệnh đa xơ cứng, tai biến mạch máu não, bệnh Huntington, bị thương tuỷ sống…

Tại các nước có nền y học tiên tiến như Mỹ, Pháp, Đức... tế bào gốc lấy từ dây rốn được dùng điều trị trên 70 loại bệnh khác nhau, thuộc 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất chiếm đa số gồm các bệnh ung thư máu thuộc các dòng tế bào bạch cầu hay u lympho.

Nhóm thứ hai gồm các bệnh di truyền của hồng cầu, các bệnh miễn dịch và rối loạn chuyển hóa. Nhóm thứ ba gồm các bệnh lý ung thư không do di truyền như suy tủy, thiếu máu nặng.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu tế bào gốc được các nhà y học chú trọng từ những năm 1990. Trường hợp ghép tế bào gốc đầu tiên điều trị bệnh nhân về máu được thực hiện vào năm 1995 tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, trên cả nước đã phát triển nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, điểu hình như Viện Huyết học - Truyền máu TW, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện 108, Bệnh viện 198 và Bệnh viện Bạch Mai...

Việc dùng bào gốc trong điều trị cho đến nay vẫn đang còn được nghiên cứu tiếp tục và ngày càng mở sang hướng mới trong ứng dụng điều trị, gọi là “Y học tái tạo”. Do tính phức tạp của vấn đề, cho đến nay chỉ mới có vài cách ghép tế bào gốc hiệu quả và an toàn được ứng dụng trên thực tế tại các cơ sở nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam.

Điển hình là ghép tủy xương để điều trị chứng suy tủy, một bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất ra tế bào máu cho cơ thể con người.

Các nhà khoa học dự đoán, trong tương lai, việc điều trị bằng tế bào gốc sẽ được ứng dụng rộng rãi. Cái khó của vấn đề là sự tiếp nhận của các cơ thể được cấy tế bào gốc.

Điều đó làm cho người ta nghĩ ra cách lưu trữ tế bào gốc ngay từ khi đứa trẻ mới ra đời. Việc cất giữ tế bào gốc lấy từ dây rốn được coi như là “lá bùa hộ mệnh” của tương lai. Đây là hướng đi mới của nền y học hiện đại, ví như là biện pháp “cải lão hoàn đồng” cho cơ thể.

Nếu tế bào gốc dây rốn của một trẻ sơ sinh được đông lạnh cất giữ cẩn thận tại một ngân hàng tế bào gốc nào đó, lúc lớn lên hoặc khi về già, cơ quan nào bị tổn thương thì tế bào gốc sẽ được ghép trả lại chính cơ thể của mình để làm sứ mệnh sửa chữa và thay thế.

Việc dùng tế bào gốc tự thân hạn chế được các phản ứng dị ứng đào thải sự cấy ghép làm thất bại điều trị. Ngoài ra, sau ghép tế bào gốc tự thân, người bệnh không phải dùng bất cứ một loại thuốc ức chế miễn dịch nào. Do đó, người bệnh vừa được an toàn, lại vừa giảm được gánh nặng chi phí do việc dùng thuốc kéo dài suốt đời.

Những người có điều kiện và nếu muốn giữ lại tế bào gốc cho con, hãy liên lạc với một trung tâm lưu trữ tế bào gốc gần với thành phố mình sống nhất, càng sớm càng tốt để được hướng dẫn và lập các thủ tục đăng ký.

Sau đó, thường xuyên giữ liên lạc với các nhân viên có liên quan để thông báo cho họ biết cụ thể ngày giờ sinh và địa điểm phối hợp thực hiện việc lấy mẫu và vận chuyển về trung tâm xử lý và lưu trữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ