Chu Vĩnh Khang xây dựng đế chế quyền lực như thế nào

Chu Vĩnh Khang đã xây dựng đế chế quyền lực thông qua việc cài cắm thân tín vào các lĩnh vực mình từng phụ trách, đồng thời liên minh với cựu Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai, nhằm mở rộng sức ảnh hưởng.

Chu Vĩnh Khang xây dựng đế chế quyền lực như thế nào

Năm 1985, Chu Vĩnh Khang được điều động từ Cục Khảo sát dầu khí Liêu Hà lên Bắc Kinh, đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Dầu khí, phụ trách mảng sản xuất. Đây là bước chuyển mình quan trọng trong sự nghiệp của Chu, chuyển từ địa phương lên trung ương công tác. Năm đó, Chu 43 tuổi.

"Căn cứ địa" dầu khí

tuong-2095-1418443501.jpg

Năm 2009, Chu Vĩnh Khang (giữa) đến dự một cuộc họp của Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc, do thuộc hạ thân tín là Tưởng Khiết Mẫn (trái) chủ trì. Tưởng khi đó là Tổng giám đốc Tập đoàn. Ảnh: Takungbao

Năm 1988, Bộ Dầu khí giải thể, chuyển đổi thành Tổng Công ty Dầu khí Trung Quốc (CNPC). Chu trở thành Phó Tổng Giám đốc, hàm tương đương Thứ trưởng. 

Trong 2 năm sau đó, Chu còn kiêm nhiệm các chức vụ như tổng chỉ huy dự án khai thác dầu Tarim thuộc khu tự trị Tân Cương, Cục trưởng Cục Quản lý mỏ dầu Thắng Lợi, bí thư thành ủy Đông Doanh thuộc tỉnh Sơn Đông.

Việc Chu Vĩnh Khang được trọng dụng, giao phó đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, là bởi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ủy viên Quốc vụ Tống Kiện. Năm 1987, Chu từng được phân công tháp tùng ông Tống khảo sát mỏ dầu Tarim.

Cũng trong thời gian phụ trách mỏ dầu Thắng Lợi, Chu lần đầu quen biết Tưởng Khiết Mẫn, thuộc hạ thân tín sau này. Cũng chính nhờ quan hệ tốt với lãnh đạo, Tưởng được thăng chức Trợ lý Tổng Giám đốc CNPC vào năm 1999, sau khi Chu chuyển sang đảm nhiệm chức Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên.

Cuối năm 1996, Chu Vĩnh Khang được đề bạt làm Tổng Giám đốc CNPC, sau khi người tiền nhiệm về hưu. Một năm sau, tại Đại hội 15 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu lần đầu trở thành Ủy viên Trung ương Đảng.

"Chu Vĩnh Khang chỉ mới lên chức Tổng Giám đốc chưa đầy 2 năm, mà đã được bầu vào trung ương. Tốc độ thăng tiến nhanh đến chóng mặt" - Caixin dẫn lời một cựu quan chức ngành dầu khí cho biết.

Tháng 3/1998, Trung Quốc tiến hành cải cách cơ cấu chính phủ, thành lập Bộ Đất đai và Tài nguyên. Chu được điều động sang làm Bộ trưởng đầu tiên của cơ quan này.

Giới quan sát đều đánh giá rằng đây là bước chuyển mình quan trọng trên đường hoạn lộ của Chu Vĩnh Khang, bởi sau năm 1998, chức Tổng Giám đốc CNPC chỉ mang hàm Thứ trưởng. Nếu Chu muốn phát triển lên cao nữa, việc tham gia chính phủ là cơ hội ngàn năm có một.

Nhưng ngành dầu khí vẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đế chế quyền lực của Chu. 31 năm công tác và lãnh đạo ngành Dầu khí đã tạo dựng nền móng vững chắc để Chu Vĩnh Khang bước lên hàng lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

Ba năm làm chủ Tứ Xuyên

Cuối năm 1999, Chu Vĩnh Khang được điều động về đảm nhiệm chức Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, một trong những tỉnh nông nghiệp đông dân nhất Trung Quốc. 

Trước khi Chu Vĩnh Khang đến Tứ Xuyên, các đời lãnh đạo chủ chốt ở đây đều là người địa phương. Sự xuất hiện của Chu được cho là một luồng gió mới thổi vào quan trường tỉnh này. "Chu Vĩnh Khang rất quyết đoán, đã thay đổi cách quản lý Tứ Xuyên trước đây" - Một cựu quan chức tỉnh cho biết.

Sau khi nhậm chức, việc đầu tiên mà Chu xử lý là vấn đề nhân sự, nhằm gây dựng uy thế và phe cánh thân tín. Những thuộc hạ này cũng trở thành tai mắt và người đại diện của Chu tại Tứ Xuyên, khi ông này đảm nhiệm những chức vụ cao hơn tại trung ương.

bo-ba-6488-1418443501.jpg

Bộ ba Lý Xuân Thành, Quách Vĩnh Tường và Lý Sùng Hy (từ trái sang phải) là thuộc hạ thân tín mà Chu Vĩnh Khang cài cắm ở tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Takungbao

Năm 2000, Chu bổ nhiệm Lý Sùng Hy vào chức Chánh văn phòng Tỉnh ủy, bất chấp sự phản đối của các lãnh đạo tỉnh khác, do Lý đang bị tố cáo có dấu hiệu tham nhũng. Cuối năm đó, Lý được bầu bổ sung vào Thường vụ Tỉnh ủy.

Khi Chu rời Tứ Xuyên vào năm 2002, Lý được đề bạt làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Bí thư Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra tỉnh. Sau 10 năm đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư, năm 2013, Lý được thăng chức Chủ tịch Ủy ban Chính hiệp tỉnh, mang hàm Bộ trưởng.

Một thuộc hạ thân tín khác của Chu Vĩnh Khang tại Tứ Xuyên là Lý Xuân Thành. Với sự hậu thuẫn của Chu, Lý Xuân Thành được đề bạt làm Thị trưởng Thành Đô vào năm 2001. 

Cuối năm 2002, Lý được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, một năm sau thăng lên chức Bí thư Thành ủy. Đầu năm 2011, Lý Xuân Thành được bổ nhiệm thành Phó bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên.

"Với hai nhiệm kỳ làm Bí thư Thành ủy Thành Đô, rồi Phó Bí thư tỉnh ủy, Lý Xuân Thành có quyền lực rất lớn trong hàng ngũ lãnh đạo tỉnh, là bàn tay nối dài của Chu Vĩnh Khang" - Một quan chức tỉnh Tứ Xuyên cho biết.

Thuộc hạ tâm phúc nhất của Chu Vĩnh Khang tại Tứ Xuyên là Quách Vĩnh Tường - Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh này. Quách từng có thời gian dài làm Thư ký cho Chu khi còn trong ngành Dầu khí và sau này là ở Bộ Đất đai và Tài nguyên. Quách cũng là một trong số ít những cấp dưới mà Chu đưa đi cùng đến Tứ Xuyên.

Sau khi Chu Vĩnh Khang vào Bộ Chính trị, Quách tiếp tục ở lại Tứ Xuyên và được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy. Năm 2006, Quách được đề bạt làm Phó Chủ tịch tỉnh, 2 năm chuyển sang chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh.

"Ông ta biết lãnh đạo nghĩ gì, công việc nên báo cáo với lãnh đạo ra sao. Vì vậy, quan trường Tứ Xuyên đều gọi ông ta là đại ca. - Quan chức trên cho biết - Quách được cho là tai mắt của Chu Vĩnh Khang tại Tứ Xuyên, là cầu nối với thượng cấp".

"Sa hoàng" an ninh Trung Quốc

Năm 2002, Chu Vĩnh Khang nằm trong danh sách được quy hoạch vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ mới. Khi đó có hai luồng thông tin dự đoán về chức vụ tương lai của Chu, một là chức Phó Thủ tướng, hai là chức Bộ trưởng Công an kiêm Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương (hay Ủy ban Chính pháp).

Tuy nhiên sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc nhận định rằng tình hình an ninh diễn biến phức tạp, cần một cán bộ lão luyện phụ trách công tác an ninh và thực thi pháp luật. 

"Chu Vĩnh Khang xuất thân từ ngành dầu khí, vốn có mô hình quản lý bán quân sự, lại không có nhiều liên hệ cá nhân với hệ thống an ninh, nên được coi là ứng viên số một cho chức Bộ trưởng Công an" - Một quan chức ngành chính pháp cho hay.

Tháng 11/2002, Trung Quốc tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 16, Chu Vĩnh Khang được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Một tháng sau, Chu được bổ nhiệm vào chức Phó Bí thư Ủy ban Chính pháp kiêm Bộ trưởng Công an, Bí thư Đảng ủy lực lượng cảnh sát vũ trang. Tháng 3/2003, địa vị của Chu trong Chính phủ được củng cố hơn nữa, với chức vụ Ủy viên Quốc vụ.

Sau khi nhậm chức, Chu lập tức tiến hành chỉnh đốn toàn bộ hệ thống công an, an ninh, nêu cao yêu cầu "duy trì an ninh bằng mọi giá". 

Tháng 11/2003, "Nghị quyết của Trung ưởng đảng về việc tăng cường và cải tiến hơn nữa công tác ngành công an" (Nghị quyết 13) ra đời. 

Theo đó, người đứng đầu cơ quan công an các cấp được cơ cấu vào Thường vụ Đảng ủy hoặc kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp phó bên chính quyền.

"Nghị quyết này làm tăng sức nặng của ngành công an trong hệ thống hành chính. Thời đại duy trì ổn định bằng mọi giá bắt đầu từ đây" - Một cán bộ trong ngành công an bình luận.

Năm 2007, Chu Vĩnh Khang được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị, đảm nhiệm chức Bí thư Ủy ban Chính pháp đầy quyền lực, quản lý toàn bộ hệ thống an ninh, công an, tòa án, kiểm sát của Trung Quốc.

Đây cũng là giai đoạn Trung Quốc tổ chức hàng loạt sự kiện quan trọng, như Olympic Bắc Kinh 2008, Lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh 2009 và Triển lãm thế giới (Expo) Thượng Hải 2010. Vì vậy, công tác an ninh và duy trì ổn định được giới lãnh đạo Trung Quốc đặt lên hàng đầu.

Kinh phí dành cho công tác an ninh không ngừng tăng cao, vượt cả kinh phí cho quốc phòng. Năm 2012, dự toán kinh phí cho ngành an ninh đạt hơn 700 tỷ nhân dân tệ (116 tỷ USD), trong khi dự toán kinh phí quốc phòng là 670 tỷ (111 tỷ USD).

Trong bối cảnh chung đó, Chu kiêm nhiệm thêm chức tổ trưởng Tổ lãnh đạo công tác duy trì ổn định trung ương, trở thành bí thư có quyền lực nhất trong lịch sử Ủy ban Chính pháp.

Liên minh với Bạc Hy Lai

bac-chu-7251-1418443501.jpg

Chu Vĩnh Khang (thứ hai từ phải sang trái) và Bạc Hy Lai (ngoài cùng bên phải) tại hội nghị của đoàn Trùng Khánh bên lền kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2012. Ảnh: Xinhua

Đồng minh quan trọng của Chu Vĩnh Khang trong Bộ Chính trị là Bạc Hy Lai - Bí thư Thành ủy Trùng Khánh giai đoạn 2007 - 2012. Chu là người ủng hộ nhiệt tình nhất cho chiến dịch "đả hắc" của Bạc. 

Đây là chiến dịch nhằm đập tan các băng nhóm tội phạm và các quan chức tham nhũng, nhưng cũng là nỗi khiếp sợ với những người dám công khai chỉ trích lãnh đạo thành phố.

Tháng 6/2009, Bạc Hy Lai và Giám đốc Công an thành phố lúc đó là Vương Lập Quân phát động phong trào "đả hắc". Một tháng sau, Ủy ban Chính pháp do Chu đứng đầu ra văn bản ủng hộ, đồng thời yêu cầu các địa phương khác học tập kinh nghiệm của Trùng Khánh.

Có chỗ dựa là Chu, Bạc đẩy mạnh chiến dịch "đả hắc", bất chấp việc xuất hiện hàng loạt vụ án oan sai vì mục đích đấu đá chính trị. "Chu Vĩnh Khang tán thưởng mô hình quản lý xã hội kiểu này, phần nhiều là bởi những toan tính chính trị" - GS Võ Bá Hân thuộc Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc bình luận.

Sau sự kiện Vương Lập Quân chạy trốn vào Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô hồi tháng 2/2012, Chu vẫn công khai sự ủng hộ với Bạc Hy Lai, bằng việc đến dự buổi họp của đoàn Trùng Khánh trong kỳ họp Quốc hội một tháng sau đó.

Tháng 9/2012, Bạc bị cách chức và khai trừ khỏi đảng, mở đường cho vụ xét án tham nhũng gây chấn động chính trường Trung Quốc trong nhiều năm qua. Vụ án Bạc Hy Lai được cho là bước đi đầu tiên trong thế trận điều tra Chu Vĩnh Khang của giới lãnh đạo mới Trung Quốc.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ