Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội song hành với phát triển kinh tế

Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội song hành với phát triển kinh tế

(GD&TĐ) - Ngày 5/9/2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tiến hành họp phiên thường kỳ tháng 8/2012; thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012, phương hướng điều hành các tháng còn lại của năm, cùng một số vấn đề trọng tâm khác của đất nước. Ngay sau kết thúc phiên họp, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ, thông báo một số nội dung trọng tâm của phiên họp Chính phủ.

(ảnh: chinhphu.vn)
(ảnh: chinhphu.vn)

Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến đúng hướng, đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện. Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã dần phát huy tác dụng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm và có trị số âm (-) trong 2 tháng gần đây, đã tăng 0,63% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất trong vòng 6 tháng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 2,86% so với tháng 12/2011 và tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước. Cùng với diễn biến của chỉ số giá, chính sách tiền tệ được đánh giá đã có sự điều hành chủ động và linh hoạt hơn; các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 4-5%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ…

Trong tháng 8/2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng 7/2012. Tính chung 8 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,35 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 73,41 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh; nhập siêu 8 tháng đầu năm khoảng 62 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực qua từng tháng. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, lượng khách quốc tế tăng cao. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm. Các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm, giải quyết. Lĩnh vực GD-ĐT, KH-CN tiếp tục phát triển. Tai nạn giao thông giảm mạnh, trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức: Chỉ số phát triển công nghiệp 8 tháng chỉ bằng 64,6% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 8/2012 thấp hơn so với tháng 7/2012. Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến tích cực; diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ vẫn khá phức tạp. Khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp; sức mua của thị trường trong nước thấp; chỉ số tồn kho tuy có giảm song vẫn còn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống người lao động; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; thu ngân sách nhà nước đạt thấp. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là người nghèo, lao động mất việc làm,... đang gặp nhiều khó khăn; các tệ nạn và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các tháng cuối năm và cả năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục chú trọng điều hành chính sách giá cả linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại và đầu tư; mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước. Nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thuỷ sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Chú trọng triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Cùng với các yêu cầu về điều hành kinh tế, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cũng được Chính phủ chú trọng với việc yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo; tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 2011 – 2015. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân…

N.N

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.