Báo cáo Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa năm 2014 đã đạt 11,6%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp xây dựng chiếm hơn 80% trong cơ cấu kinh tế, thu ngân sách ước đạt trên 7.5 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.365 USD...
Thanh Hóa xếp thứ 8 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng thứ 6 cả nước về chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 9 cả nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn nhìn nhận, thu ngân sách của tỉnh hiện còn thấp, kết cấu hạ tầng nhất là vùng miền núi còn yếu kém.
Hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao dẫn đến thu nhập của bà con nông dân chậm được cải thiện. Một số tổ chức cơ sở đảng còn chưa nghiêm túc khắc phục sửa chữa khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI…
Để tạo bước đột phá về tốc độ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thanh Hóa kiến nghị Trung ương tạo điều kiện tăng mức hỗ trợ hàng năm; cho chủ trương để tỉnh nghiên cứu lập đề án thành lập đơn vị hành chính đặc biệt Nghi Sơn; đưa Cảng hàng không Thọ Xuân vào quy hoạch phát triển thành cảng hàng không quốc tế.
Đánh giá cao những đổi thay nhiều mặt của tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước cho rằng trong bối cảnh kinh tế đất nước chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu và những diễn biến phức tạp của khu vực, kết quả đạt tăng trưởng GDP trên 11% của tỉnh Thanh Hóa thực sự là cố gắng lớn, cần tiếp tục phát huy.
Chủ tịch nước khẳng định các chương trình nông thôn mới của tỉnh phát triển khá tốt, giúp khởi sắc đời sống bà con vùng trung du miền núi Bắc Trung bộ. Điều này hết sức có ý nghĩa quan trọng khi nông nghiệp-nông thôn luôn là khu vực chiếm số đông dân cư lao động sinh sống, đóng góp không nhỏ vào công cuộc đảm bảo an ninh quốc phòng vùng phên dậu Tổ quốc.
Chủ tịch nước đề nghị các cấp ngành tỉnh cần tập trung nỗ lực hơn cho năm 2015 - năm cuối thực hiện nhiệm kỳ Đại hội XI, với tinh thần huyện, thị nào có điều kiện phát triển thì phải tập trung hỗ trợ tối đa.
Chủ tịch căn dặn, các cấp ủy đảng cần dành thời gian sâu sát đảng viên, quần chúng, giữ nguyên tắc thực hiện tập trung dân chủ, trước thời điểm Đại hội cấp cơ sở cận kề.
Ghi nhận những đề xuất nhằm sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giúp Thanh Hóa tiếp tục đà tăng trưởng, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh, tập trung vào một số mũi đột phá để đẩy mạnh như Khu kinh tế Nghi Sơn, dự án thủy nông Cửa Đạt... nhằm thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, tạo công việc cho nhân lực miền Tây.
Lưu ý lãnh đạo tỉnh thời điểm năm 2015, khi hàng hóa khu vực thương mại tự do ASEAN được khơi thông, Chủ tịch cũng đề nghị Thanh Hóa cần chú trọng cải cách hành chính, tạo uy tín với nhà đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các dự án FDI để tạo động lực tăng trưởng.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Chủ tịch nước đã đến thăm và kiểm tra dây chuyền sản xuất súng bộ binh của Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Đây là một trong những đơn vị quân giới đầu tiên của Bộ Quốc phòng, những năm qua, tập thể cán bộ chiến sỹ nhà máy đã thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế.
Trực tiếp kiểm tra nhà máy, thăm khu sản xuất, Chủ tịch nước biểu dương tinh thần vượt khó vươn lên của cán bộ công nhân viên của nhà máy làm chủ công nghệ kỹ thuật sản xuất vũ khí thế hệ mới hiện đại, mang lại niềm tin về năng lực chế tạo vũ khí của ngành quân giới Việt Nam.
Chủ tịch nước lưu ý bên cạnh nghiên cứu chế tạo, hợp tác để sản xuất sản phẩm thế hệ mới, cần phải tập trung cải tiến nâng cao chất lượng của các sản phẩm đã có.
Khẳng định Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Chủ tịch nước căn dặn Nhà máy Z111 nói riêng và ngành công nghiệp quốc phòng nói chung cũng cần tính tới việc xuất khẩu sản phẩm có chất lượng để tối ưu hóa vốn đầu tư.
Ghi nhận kiến nghị của đơn vị, Chủ tịch nước cho rằng chiến lược phát triển của đất nước cần có sự gắn kết phát triển công nghiệp kinh tế với công nghiệp quốc phòng, như Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp quốc phòng đã chỉ rõ. Do vậy, phải đẩy mạnh chủ động nghiên cứu, ứng dụng, tự chủ để giảm chi phí, chủ động xây dựng nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh.