Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ethiopia và Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 23 - 29/8/2018 đã thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, từ nội dung trao đổi giữa Chủ tịch nước và Lãnh đạo cấp cao hai nước, các văn kiện ký kết cũng như những hoạt động bên lề nhân chuyến thăm.
Chuyến thăm là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập bởi đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Việt Nam thăm hai nước, với Ethiopia là sau 42 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/2/1976 - 23/2/2018) và với Ai Cập là đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/9/1963 - 1/9/2018).
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trọng tâm thúc đẩy trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ethiopia và Ai Cập. Cả Ethiopia và Ai Cập đều là những thị trường lớn, mỗi nước đầu có dân số khoảng 100 triệu dân.
Ai Cập hiện là một trong ba nền kinh tế hàng đầu châu Phi, trong khi nền kinh tế Ethiopia cũng đang phát triển rất năng động, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới ở mức trung bình trên 10% trong suốt hơn một thập kỷ qua, được ví như “con hổ châu Phi”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi sâu rộng, thống nhất về những biện pháp cụ thể để biến tiềm năng thành kết quả cụ thể, trong đó tập trung vào các biện pháp khuyến khích và tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tích cực vào cuộc, tăng cường trao đổi, kết nối kinh doanh, thâm nhập thị trường của nhau, đồng thời hỗ trợ nhau mở rộng thị trường.
Kết thúc chuyến thăm, tại cả Ethiopia và Ai Cập, hai bên đều ra Tuyên bố chung, đề ra các định hướng lớn, làm cơ sở để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương Việt Nam - Ethiopia, Việt Nam - Ai Cập trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Ethiopia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm Trụ sở Liên minh châu Phi và có buổi hội kiến với Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, bà Amira Elfadil Mohammed Elfadil.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ nghiên cứu mô hình hợp tác hiệu quả, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, phát triển nông nghiệp, giáo dục, hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, viễn thông… vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước châu Phi, góp phần vào phát triển và thịnh vượng ở mỗi khu vực và trên thế giới.