(GD&TĐ) – Các quốc gia Đông Nam Á nên ưu tiên giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông, thủ tướng Campuchia vừa cho biết hôm nay (9.7) khi ông nhấn mạnh vào sự ổn định trong khu vực.
Khi các bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á có mặt tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, thủ tướng Hun Sen cho biết, việc cố gắng tạo ra bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp là mục tiêu chủ yếu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có 10 thành viên (ASEAN).
Cờ ASEAN và cờ các nước thành viên |
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Hun Sen thúc giục các đại biểu “đặt trọng tâm” vào việc thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử trên biển, theo đó sẽ đưa ra chỉ dẫn để giải quyết tranh chấp đối với một loạt tuyên bố lãnh hải gây tranh cãi có liên quan tới một số quốc gia thành viên.
Ông cho rằng ASEAN nên thể hiện rằng có thể có một “động lực cho việc thúc đẩy hội đàm và hợp tác” về các vấn đề chính trị và an ninh.
“Duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực là điều không thể thiếu cho sự thịnh vượng của ASEAN” – nhà lãnh đạo Campuchia đang nắm chức chủ tịch luân phiên ASEAN nói.
Căng thẳng đã tăng lên gần đây tại biển Đông khi Việt Nam và Philippines đều buộc tội Trung Quốc có hành vi gây hấn.
Manila đang kêu gọi ASEAN đoàn kết thuyết phục Trung Quốc chấp nhận bộ quy tắc ứng xử nhưng Bắc Kinh muốn giải quyết vấn đề với từng quốc gia riêng lẻ.
Các nhà ngoại giao cao cấp tham dự cuộc họp tại Campuchia nói rằng ASEAN vẫn đang tranh cãi về việc làm sao tiếp cận với vấn đề này mà không làm Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại lớn của nhiều nước ASEAN – khó chịu.
Một nhà ngoại giao giấu tên nói rằng ASEAN vẫn chưa nhất trí được liệu có đề cập va chạm gần đây giữa tàu Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough tranh chấp trong một thông cáo chung.
Trung Quốc lên tiếng đòi phần lớn biển Đông, nơi có những tuyến tàu bè quan trọng qua lại và được cho là giàu trữ lượng dầu mỏ, khí ga.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton hôm qua cũng thúc giục “một tiến trình” đối với bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Sự đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh được cho là bao trùm lên cuộc họp, sau khi Mỹ mở rộng mối quan hệ quân sự với Philippines và Việt Nam.
Hà Châu (Theo AFP)