Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại

GD&TĐ - Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại ở thị trường Mỹ, để giữ vững vị thế xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó.

Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt ứng phó với phòng vệ thương mại.
Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt ứng phó với phòng vệ thương mại.

Cùng với đó, việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường được kỳ vọng giúp hàng Việt có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Gần 240 vụ việc liên quan phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia. Các biện pháp này được sử dụng nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, bao gồm các biện pháp truyền thống như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và hình thức mới như chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Ngoài việc bảo vệ các ngành sản xuất nội địa khỏi cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại còn được sử dụng như hàng rào ngăn cản gia nhập thị trường.

Phòng vệ thương mại là các biện pháp hỗ trợ các ngành sản xuất, các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, được phép sử dụng có thời hạn nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, để tránh việc các nước lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ quá mức các ngành sản xuất trong nước, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định tự do thương mại (FTA) đưa ra quy định khá chặt chẽ đối với việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Cụ thể, việc điều tra biện pháp phòng vệ thương mại phải dựa trên hồ sơ đề nghị của đại diện ngành sản xuất trong nước (không phải của từng doanh nghiệp cụ thể), cơ quan điều tra phải thực hiện điều tra và chứng minh được:

Hàng vi phá giá, trợ cấp hoặc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng; hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Ngoài ra, nếu áp dụng biện pháp tự vệ thì có khả năng bị các nước yêu cầu bồi thường, đền bù hoặc trả đũa do đây là hành vi hạn chế nhập khẩu trong điều kiện thương mại lành mạnh và do đó đi ngược lại các nguyên tắc tự do hóa thương mại.

Phòng vệ thương mại gồm 3 biện pháp chính là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Ngoài ra, các nước có thể áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại khi chứng minh được hàng hóa, nguyên liệu từ nước đang bị áp thuế được xuất khẩu, gia công thêm ở một nước thứ ba với giá trị gia tăng không đáng kể.

Về cơ bản, nội dung phòng vệ thương mại trong các FTA đều dựa trên hiệp định tương ứng trong khuôn khổ WTO. Đa số quy định về phòng vệ thương mại trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia liên quan đến biện pháp tự vệ nội khối (chỉ áp dụng trong phạm vi các nước tham gia hiệp định) và yêu cầu minh bạch hóa khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, thời gian qua, số vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, chiếm 65% tổng số vụ việc trong vòng 20 năm qua. Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã đối diện với 239 vụ việc liên quan kiện phòng vệ thương mại.

Mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại ngày một đa dạng. Đáng kể, là ngành có kim ngạch xuất cao, nông thủy sản Việt Nam mỗi năm đem về kim ngạch xuất khẩu từ 10 - 12 tỷ USD; các sản phẩm như tôm, cá tra, basa, mật ong của Việt Nam luôn thường trực đối diện với các vụ điều tra, cảnh báo điều tra, khởi kiện và áp đặt chống trợ cấp thuế…

Cần biện pháp chủ động ứng phó

Trong bối cảnh điều tra phòng vệ thương mại là hình thức phổ biến và ngày càng mở rộng về mặt thị trường, ngành hàng vì vậy nguy cơ đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều khó tránh khỏi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Văn phòng Luật sư IDVN, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các thông tin về các vụ điều tra phòng vệ thương mại thông qua các cơ quan thương mại của Việt Nam tại các nước mà chúng ta xuất khẩu.

Tiếp theo đó là thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương là nơi đầu mối nắm tất cả các vụ kiện. Cùng đó là văn phòng luật sư để tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật thông tin quan trọng về diễn biến thị trường thường xuyên cho doanh nghiệp.

Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu và cập nhật quy định pháp luật của Mỹ, đặc biệt các quy định có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận thị trường như quy định về phòng vệ thương mại, nguồn gốc xuất xứ…

Các cơ quan chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bởi điều này sẽ giúp hàng Việt có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Trong các vụ điều tra chống bán phá giá, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp. Đơn cử, khi tính toán biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ 3 được coi là có kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, thay vì dùng dữ liệu do các đơn vị này cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Mỹ mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh: Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến các doanh nghiệp Việt Nam, góp tiếng nói mạnh mẽ để Việt Nam sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Đây là cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Mỹ phát triển hiệu quả, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ